MẸ VẮNG CHỊ THAY .

 Ở các nước nghèo lại có chiến tranh,nhiều  gia đình bị phân ly,cha thất lạc hoặc tù đày,mẹ bị chết trong lửa đạn hay bị bạo bệnh chết để lại một đàn con là chuyện thường gặp.

  Trong trường hợp này,người chị cả sẽ mặc nhiên kiêm nhiệm vai trò là mẹ của một bầy em thơ đủ lứa tuổi .

Nhiều ,  có nhiều thảm cảnh như đã miêu tả và hoàn cảnh ngặt nghèo đó đã cưỡng bách người chị lớn (hay người anh đầu đàn)chỉ hơn mười  mấy tuổi đời phải chu toàn trách nhiệm của một người ở tuổi trưởng thành.

   Cũng cần phải giải thích đôi chút về sinh hoạt trong xã hội của những quốc gia được gọi là 'chậm tiến' hay nghèo khổ như nước Việt mình  .
  Trong thời kỳ bị đô hộ của ngoại bang và thời gian chuyển tiếp được gọi là độc lập tiếp theo đó .Lúc ấy, xứ sở của tôi không mấy ai nghe tiếng ‘An sinh xã hội ‘ mà nếu có nghe đi nữa cũng không hiểu nó là ý nghĩa gì.
 Cũng như mấy tiếng kế hoạch hoá gia đình hoặc hạn chế sanh sản là các tiếng nói về nhiều năm sau này,khi đất nước đã mở rộng giao lưu với thế giới chung quanh người ta mới hiểu biết rồi áp dụng.
  Nam nữ gần nhau,sinh con là chuyện ..hết sức bình thường.Dù khấm khá giàu có hay nghèo mạt rệp ,người mẹ tương lai của đứa trẻ sắp ra đời ,có đủ khả năng đùm bọc,nuôi nấng cho đến khi nó  khôn lớn hay không sẽ là một câu hỏi người ấy khó hoặc không dám trực diện tìm câu giải đáp cho ổn thỏa.
  Ngay cho đến những năm sáu mươi,ở xứ mình vẫn còn không ít người ..quan niệm rằng…‘trời sanh Voi,sanh  Cỏ‘.Chưa sẵn sàng chu toàn khả năng chăm sóc ,không biết chắc (mình/ai đó)có đủ nguồn tài chánh nuôi đứa trẻ cho đủ dinh dưỡng lúc khỏe mạnh và thuốc men khi nó bị đau yếu hay không  .
    ***
  Trong những năm cuối của thập niên 1940, nước mình đã có nhiều đảng,lực lượng,phong trào,đoàn thể..khắp nơi nổi lên chống lại sự cai trị hà khắc của thực dân Pháp.
 Có thể dùng chữ loạn ly :-Loạn (Pháp đàn áp,tra khảo,đánh đập những người chống lại họ)-Ly:tù,trốn đi xứ khác,chết không để lại tông tích..
 Không chỉ có thực dân Pháp giết người Việt yêu nước chống lại họ,mà có lúc người mình giết lẫn nhau nhiều hơn.
  Việt Minh ( CSVN)giết những lực lượng nào cùng chống Pháp nhưng không cùng đường lối CS với họ.
 Thời kỳ này cho đến năm 1953-1954 có thể dùng tiếng đại phân ly.Thời của ly tán,của đoạn tuyệt,của nát tan dẫn đến nhiều trường hợp chia lìa vĩnh viễn.
 Một bất hạnh lớn hơn nữa,khác hơn nữa là cuộc chiến đang diễn ra chưa có dấu hiệu nào chấm dứt thì một trận sống mái trong tương lai đã được người ta lên kế hoạch chi tiết,lập gia sa bàn để thực tập !
 Đó là sự chuẩn bị chu đáo cho hơn một trăm ngàn người Việt yêu nước ở miền Nam VN rời bỏ cha mẹ kể cả vợ con lên đường “tập kết “ra miền Bắc xa xôi,chuẩn bị cho trận nồi da,xáo thịt thời 60'
  Quyền “A thousand tears falling “ của tác giả Yung Krall, một người Việt tị nạn có chồng là sĩ quan hải quân Mỹ.
 Gia đình của bà Dung (tên Việt)là nạn nhân có thể xem là tiêu biểu của thảm kịch phân ly sau những năm  làm thân phận nô lệ rồi bị rơi vào tình cảnh mỗi người một ngã,có thể nói không có ngày trùng phùng xum hợp.
 Quyền sách Ngàn giọt lệ rơi,như đã dẫn,theo tôi ,chỉ diễn đạt được một phần nhỏ khổ đau vì cuộc đao binh "củi đậu nấu đậu",theo cách nói của một trong hai ông :Nguyễn Nhạc hoặc Nguyễn Lữ ,và đó chỉ là một nhánh sông nhỏ khổ đau trong cái trùng dương đau khổ bao la của dân tộc chúng tôi từ  Bắc chí Nam  đúng với câu :”Họa vô đơn chí !”.

 Người Việt có truyền thống định cư chứ không phải du canh,du cư.Họ muốn được ở yên thân một nơi với mồ mả tổ tiên để dễ bề chăm sóc, thăm viếng vào các dịp Thanh Minh ,những ngày trước Tết.
 Bất hạnh thay!
Chỉ với ước vọng nhỏ nhoi,đơn giản đó mà đã có rất nhiều người,rất nhiều gia đình cả cuộc đời cũng chỉ là mơ ước!
  Nghịch cảnh giống như những lượng sóng ở trùng khơi từ sau dồn dập đẩy tới triền miên,liên tục về phía trước.Nước Việt Nam của tôi vào thời kỳ với tình cảnh đó,con người không làm sao cưỡng lại được những nghiệt ngã với áp lực bủa vây vô cùng nặng nề mà chỉ cần một biến động ở vùng,ở khu vực đó là bị cuốn hút vô.
  Gia đình chúng tôi,lại ở dưới mức bình thường trong cái xã hội bất an đó,cho nên thời cuộc với nghịch cảnh khó mà tránh thoát!
  ***
 Khi tôi lìa bụng mẹ thì người chị lớn nhất của tôi đã mười hai tuổi.Cha mẹ cùng ba người chị với người anh  chạy giặc Tây (Pháp)từ Bến Tre qua Trà Vinh tản cư đã trở về quê cũ.
 Đó là một làng quê ở sát bờ sông Cái ( Tiền Giang),nếu không có mùi thuốc súng sẽ là một cảnh đẹp ,nhất định khách phương xa đến sẽ  không tiếc lời khen.
  Dừa cây,dừa nước trên bờ ,cặp theo sông rạch uốn lượn theo gió vào chiều tà hay bình minh với những tia nắng ban mai chen qua hàng ngàn tàu lá dừa,trong cái rừng dừa trùng điệp.
 Hai làng,Phú Túc-Phú Đức được phân chia  bằng con sông Cả Sơn hiền hoà . Và con sông màu đục sậm phù sa ấy đã trở thành “chứng tích “ cho cuộc chia cách gia đình chúng tôi với một cặp vợ chồng cùng  bốn người con thơ,mà lớn nhất là mười hai và nhỏ nhất vừa lọt lòng mẹ.
 Chị tôi,phải nhận lấy trách nhiệm từ kết quả của cuộc chia tay giữa cha với mẹ tôi trong điều kiện không có chọn lựa,cũng không có quyền cân nhắc,nghĩ suy!
 Chị chỉ có tuân lịnh và phải làm tròn bổn phận.
  Cha tôi,còn sống và vắng nhà.
  Mẹ tôi,một phụ nữ có tầm vóc dưới trung bình,sau  thời gian đi làm thuê cho chủ những vườn dừa dài mút mắt,từ sáng tới chiều cũng không đủ tiền mua gạo cho sáu miệng ăn.Nên,sau cùng bà để năm người con ở lại quê nhà .Bà nhận việc ở nơi cách xa nhà 15 cây số phía dưới,bên kia bờ sông Cái.
    Bốn người em,được người chị đầu đàn 12 tuổi chăm sóc với tài sản là những con số không thật lớn.
  Chúng tôi ở đậu trong cái nhà sàn cất trên bãi sình cặp bờ sông Cả Sơn với mái và vách nhà làm bằng lá dừa nước chằm lại với nhau.
 Sau nhà là sàn nước,trước nhà ,sát vách  là con lộ quê cho người đi lại trong ấp xóm với nhau.
 Cạnh đường lộ là mương tiếp theo đó đi sâu vô là miếng vườn dừa lớn,cây cối nhiều loại rậm rạp .Đó là mấy công đất trồng dừa,cây ăn trái và căn nhà sàn mà chủ nhân là người bác của chị em chúng tôi.
 Ông có cơ nghiệp ở tỉnh lỵ Mỹ Tho .Vườn tược với căn nhà bỏ trống để lúc nào mệt mỏi vì công việc ở thành thị ,cần nghỉ ngơi bác sẽ về đây cho thảnh thơi,giống như dân ở Saigon đi nghỉ mát ở Cấp vậy.
  Việc bác cho trú ngụ đã là một ân huệ rồi,ngoài ra bác còn cho lượm dừa khô rụng rãi rác ở trong khu vườn để bán hay đổi chác một vài thứ cần thiết nơi tiệm tạp hoá trong ấp.
   ***
 Chị lớn nhứt,theo cách xưng hô của miền Nam thì tôi kêu là chị Hai chứ không kêu tên.
 Cha mẹ tôi ở chốn quê mùa lại thích đặt tên con gái là bông hoa.Có lẽ,theo ông bà các loại hoa đẹp cũng làm cho đời rực rỡ hơn , như mùi hương của các loại hoa kích thích khứu giác của loài người sinh động hơn .
  Chị Hai,Hoa Lài;loài hoa cống hiến cho đời mùi thơm thanh nhã quanh năm, nhất là nửa đêm về sáng.Trà ướp hoa Lài ( nhài)cho người uống vào thấy thanh thoát hơn.
   Chị Ba,Hoa Cúc , một loại hoa chỉ nở về mùa Thu,cho màu vàng không quá rực nhưng vẫn đủ cân bằng khí hậu dịu dàng dễ chịu của ngày tháng nhiều mây.
 Chị Tư,Hoa Huệ với hương thơm tinh khiết và luôn được đặt ở những vị trí trang trọng trong nhà,ở phòng khách hay các nơi thờ phượng.
  ***
 Tôi tin chắc cha mẹ lúc xa rời nhau,không ai trong hai người có dự liệu chị Hai của tôi có thể “gánh “ nồi một cái gánh nặng có trọng lượng nặng gấp mấy lần sức nặng của thân thể chị và thoạt nhìn rõ ràng ,trách nhiệm ấy nó quá sức chịu đựng khá xa .
  Bất hạnh và  đáng thương,đáng ca ngợi nữa là tình cảnh của chị giống như một cây Trúc mãnh mai đứng giữa trới đất bao la chịu đựng hết cơn gió dùi tới cơn bão khác dập tới.
  Hai chị lớn nhất lại cách nhau bốn tuổi.Cho nên,ngay từ ngày đầu nhận nhiệm vụ,chị Cúc tám tuổi,cho dù có muốn phụ giúp chị lớn cũng không làm được việc gì nhiều hay khác hơn.
 Trong lúc đó,tôi không có sữa mẹ để bú.Chỉ có nước cơm với muối,cho nên ốm yếu đau bệnh thường hơn và cũng là một gánh nặng triền miên trên vai chị Cả.
  Năm miệng ăn,chỉ trông chờ vào số tiền lương hàng tháng của mẹ,dùng để mua gạo và những nhu yếu phẩm thật cần thiết như dầu lửa,nước mắm,muối.Còn thức ăn thì chị lớn chỉ cách thức câu những con cá Bống Dừa dưới mương cạnh hàng trăm bờ dừa  .Thời đó,người lạ đi vô vườn tược để câu cá không bị ai cấm cản.Còn con sông Cả Sơn cũng là nguồn cung cấp cá Lòng Tong,tép bạc cho chị em tôi đều đặn,ngoại trừ những ngày nước ‘lớn ‘hay tháng Tám âm lịch là mùa nước “rong”,khó kiếm cá tép.
 Trong mấy lúc đó trái dừa khô được đem tới tiệm tạp hoá đổi lấy tương,chao về ăn.Rau gần như có quanh năm, rau Cải Trời,đọt của dây Nhãn Lòng ,đọt rau Chạy,Bắp Chuối.. ăn được mọc ở nhiều nơi .
Chị Hai ,hàng tháng bồng tôi đi theo chuyến đò dọc trên sông Cái xuống Mỹ tho nhận tiền của mẹ cùng với những thứ cần dùng.Đó không phải là công việc nặng nề đối với chị,trách nhiệm dòm chừng đừng để mấy đứa em nhỏ té hay rớt xuống sông chết chìm mới quan trọng không kém,rồi lại phải đi tìm cá,tìm rau, nấu cơm ,giặt đồ với tắm rửa cho ít nhất cũng ba đứa em nhỏ.
   Tôi không bao giờ tin rằng những việc làm bình thường trong nhà trong cửa ấy của chị là một việc dễ.Bởi ít có những đứa trẻ con nào mà chịu ngồi yên một chỗ và,nếu như nó ở trạng thái đó thì những gian nan khác sẽ làm cho người lớn lo lắng bất an hơn.
 Khi trưởng thành,tôi mới thấy sức chịu đựng phi thường trong trái tim yêu thương những đứa em mình nồng nàn,tuyệt đối của chị và cho đến giờ này,sau gần bảy mươi năm chị lìa xa cõi đời,lúc nào hễ nghĩ,hễ nói tới chị Hai Lài thì ngay tức khắc với tôi chị là một bà tiên dịu dàng với nụ cười thánh thiện luôn nở ở trên môi,che dấu đi  nơi chốn sâu thẳm  những nỗi phiền muộn cùng sức chịu đựng với tầm lòng từ ái khôn cùng.
 Bởi cho nên,nhắc tới chị,ngay bây giờ đây,tôi cũng chẳng ngại ngùng gì mà không thả tự do cho những giòng nước mắt tuôn trào.
 ***
  Gia đình bất hạnh,riêng cá nhân tôi lại được cả ba  người chị cố bù lắp những thiếu thốn,những trống vắng gần gũi cùng tình yêu thương của song thân .
 Vì là đứa em út lại được chị Hai nuông chiều ,cho nên quen cái thói nhõng nhèo đó thì không được với chị Ba Cúc.Chị Ba thương,cưng nhưng không nuông chiều.Tôi đã được người chị thứ nhì nầy dạy dỗ từ việc thấp tới điều cao nhất,sau khi chị Lài đã ra, đã rời xa cõi trần sau 20 năm cơ cực của kiếp người.
 Chị Ba nuôi dưỡng tôi từ năm 13 tuổi cho đến gần hai mươi năm sau.Trước đó,Hoa Huệ chị Tư của tôi cũng trần ai ai khoai củ với đứa em út bệnh hoạn ,yếu đuối và lúc nào cũng có chị bên em.  
  ***
  Cho đến giờ này,tôi vẫn không cho là hoàn cảnh gia đình của chúng tôi là cá biệt hay hiếm có đối với các  người khác trong cùng hoàn cảnh cùng thời gian.
 Có điều, thứ nhứt tôi tin tuyệt đối rằng có đấng quyền năng đã ban ân sủng cho chị em chúng tôi .
  Thứ nhì,giáo dục từ gia đình bên ngoại và tất cả quý thầy cô ,rằng,”Giấy rách phải giữ lấy lề “ là có ,là đúng thật,
 Thứ ba,nền giáo dục thời đó với xã hội chung quanh cho nên con người  vẫn còn cư xử với nhau bằng nhiều điều tốt đẹp.
 Tôi mong câu chuyện thật trên đây đừng hoặc ít xảy ra cho những người chung quanh trên khắp mặt đất này.Bởi,khổ là điều không mấy ai mong muốn.
H3.& PHẠM HUỲNH NGÂN.
 
 

  




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

NGỌC ĐAN THANH,ĐƯỜNG DÀI,RỒI CŨNG TỚI.

BÀ NỘI .