CHỊ HAI,GIẢI NGHIỆP!

Là người chị của bốn đứa em,người em kế  chị lại nhỏ thua chị tới bốn tuổi ,trong khi ấy đứa em út vừa mới chào đời.
    Năm chị em ở miền quê không xa con sôngTiền Giang cho lắm.
     Ở xứ nổi danh là “ Rừng Dừa “ với sông nước mang Phù Sa hằng ngày mỗi khi  nước lớn dâng lên,cho nên cây cỏ đều đủ dinh dưỡng  tốt tươi,nhứt là Dừa ở đây được nuôi dưỡng nước ngọt với Phù sa đục ngầu cho ra những buồng dừa sai trái nặng trĩu.
    Năm chị em chúng tôi được ra đời ở làng Phú Đức  canh giòng sông “ Cái “( Một tên khác của Tiền Giang),trong một gia đình nghèo,nghèo đúng  nghĩa với câu “ Không có một cục đất để chọi chim !”.
     *
      Ở miền Nam,người con lớn nhứt trong gia đình được gọi là anh hai hoặc chị hai.Tập tục này có từ lúc nào,tôi không biết.
      Trước khi tôi chào đời,theo lời mẹ tôi kể là ba tôi đã rời xa gia đình sau chuyến tản cư chạy giặc Tây từ Láng Cháo,Trả Vinh trên đường sông  về lại quê cũ.
Tôi được mẹ và ba người chị cùng thay nhau chăm sóc .
      Lúc đó,chúng tôi không có mái nhà riêng mà chỉ nay thì ở đậu nhà này,mai dùm túm dìu dắt nhau tới nhà khác.
      Mẹ tôi,xin đưọc việc làm cỏ trong những bờ đất trồng Dừa .Bà phải xê dịch từ sáng tới chiều với tư thế ngồi chồm hổm để diệt cỏ  ,theo lời bà kể cũng không đủ tiền mua gạo cho sáu miệng ăn! 
      Ở thôn quê như làng của tôi, nếu có vườn thì trồng dừa trồng các loại cây ăn trái để đem ra chợ bán.Nếu có ruộng thì làm ruộng hay trồng rẫy,còn nếu tuyệt nhiên không có một thước đất nào thì chỉ có đi làm mướn. Mà,làm mướn cũng phải có sức lực chớ một người đàn bà năm con,nay bệnh mai hoạn cũng khó tìm ai chịu mướn mình.Khi đã đến cuối con đường xoay sở,mẹ tôi để một bầy trẻ thơ lại cho chị Hai tôi với trách nhiệm vừa tìm cái ăn vừa day dỗ bốn đứa em ,nhỏ nhất là tôi .
     **
      Tôi có người bác ruột,thứ năm.Ông làm ăn thành đạt ở Mỹ Tho.Có tiền ,ông mua miếng đất trồng dừa gần bờ sông Cả Sơn.Ông cất căn nhà sàn lan ra khỏi bờ sông để thỉnh thoảng mệt mỏi vì công việc ở thành thị, ông về đây nghỉ ngơi, hóng mát với cảnh sông nước.Má tôi xin cho tụi tôi được ở căn nhà sàn đó rồi coi chừng vườn tược cho ông.

    Trái Dừa khô mấy lúc có gió manh nó sẽ rụng .Bác Năm cho tụi tôi lượm bán hay đem tới tiệm hàng xén ( tạp hóa /chạp phô )đổi lấy tương chao ,dầu lửa, muối mắm.
    Đó là một ơn huệ lớn cho cả nhà tôi. Có nơi để dung thân,có “huê lợi “ là những trái Dừa khô rụng  và các mương có tôm cá để câu,để bắt và nhiều loại rau mọc hoang như Cải Trời,đọt Nhãn Lồng,đọt Chạy,bắp Chuối…
   Các chị cùng nhau mỗi người một việc và cho tới khi chị Hai và chị Ba “ tập “ cho tôi xách được  trái Dừa đi một mình tới tiệm thì từ lúc đó,trí óc của tôi mới bắt đầu ghi nhớ được nhiều điều đã xảy ra,cho đến sau này .
     Từ nhà sàn đi tới tiệm tạp hóa phải đi qua hai cây cầu bắt ngang con rạch.Cái gần nhà,mấy chị có thể dắt thằng em (là tôi) với một trái dừa đi qua được.
     Cầu thứ hai,ở hơn nửa đường tới tiệm dài hơn và con rạch sâu hơn.Nơi đây,dòm qua bên kia sông Cả Sơn là lò lột dừa của cậu Hai Lợi.Qua cầu này,đường đi bằng phẳng và khi tới tiệm của cậu Sáu Hà chỉ cần nói tương hay chao sẽ được chủ tiệm gói ghém tươm tất rồi đem về.
        Tôi chỉ nhớ hai chị lớn lấy mũi dao lôi được một miếng vỏ và sơ dừa ra và cột thành nút tròn.Cái nút này tôi sẽ nắm chặt,chỉ để trái dừa xuống khi mỏi tay.
      Không bao lâu sau,mỗi lần đi tiệm tôi lại ì ạch khệ nệ xách một cặp dừa khô…
      ** 
      Mọi ghi nhớ trong óc của ,tôi rất muốn ghi chép lại tất cả các thay đổi,với nhiều diễn biến cho năm chị em chúng tôi,mà chị Hai là người đáng để kể .Nhứt là,từ lúc ở căn nhà sàn cất trên sông  Cả Sơn,cửa trước sát bên bờ con đường làng.
   Cái hình ảnh căn nhà trên sông,đằng sau là sông với không khí trong lành ,hai bên là những đám dừa nước mọc hoang với tàu và ngọn lã lơi theo gió quả thật nên thơ với những ai có cuộc sống bình thường,trong nhà có người lớn hay một người đàn ông.
    Thời đó,hầu hết nhà loại tương đối được lợp nhà bằng các tàu lá Dừa Nước ( một loại sống cặp theo bờ sông,bờ rạch sống và phát triển rất nhanh)lợp nhà hay làm vách bằng loại này bền hơn cũng như giá tiền cao hơn.Người ta gọi là lá Dừa Nước Xé.Tuy nhiên,vách lá này,kẻ gian muốn đột nhập vô nhà không có gì khó khăn.
    Không có điều kiện an toàn “lý tưởng “ ấy có trong nhà của chúng tôi.
    Lúc ấy,chị Hai tôi là một cô gái chớm lớn ,lại có nhan sắc,cho nên bị rình rạp về đêm,bị những con mắt háo sắc của vài kẻ không đừng đắn.Cho nên,chị Hai không nói ra và mỗi chiều tối,sau khi tắm rửa cho em út và bản thân xong,chị đi tới nhà một người phụ nữ lớn tuổi để lánh nạn qua đêm.
    Đây là nguyên nhân dẫn tới chuyện buồn âm ĩ nơi người chị thứ ba của tôi với người chị cả, vốn đã ít nói.
     Mãi về sau này,chị Ba tôi mới thấu hiểu được và thương kính người chị của mình hơn.
      Chị còn biết rằng,mỗi một đêm khi chị Hai sắp sửa ra khỏi nhà là chị dặn do các em của mình từ lớn tới nhỏ, nào là không mở cửa cho ai vô nhà,không nhóm củi,nhớ tắt cây đèn trước khi đi ngủ và hai đứa nhỏ không được bước ra sàn nước phía sau…
     Chị  Ba,là người chịu nghe những lời căn dặn tới thuộc lòng đó!
       ***
    Từ căn nhà sàn ở đậu đó,một cuộc chia cắt âm thầm mỗi người trong chị em tụi tôi ở một nơi dần dần xảy đến ,cho tới khi tôi biết chị Hai đã ở nhà bác Năm,giữa đoạn đường từ hãng Xáng và chợ Vòng Nhỏ ,Mỹ Tho.
   Tôi có biết,mỗi ngày chị phải đánh hai ổ bánh Bông Lan rồi bưng đi bộ xuống rạp hát Vĩnh Lợi,ngồi trên thềm bán cho tới hết,xong lại đi bộ về trong từng đêm thanh vắng của tỉnh lỵ thời xưa.
    Thật lâu,sau này tôi có dịp nhìn người ta đánh bột,trứng,đường làm một cái bánh Bông Lan với đường kính chừng 4 tâc ngang cho đều và nổi lên rồi nướng.Mỗi cái cỡ ba giờ đồng hồ.Như vậy,thời gian nào để chị tôi học nghề “ may vá “?
     Mẹ tôi lại đùm túm hai anh em tôi trở về quê cũ.Lần này,tá túc phía bên ngoại,khác làng trước cách nhau là con sông Cả Sơn.
     Tôi được biết,chị Hai không còn ở với gia đình người bác nữa,chị lên Vĩnh Kim ( Chợ Giữa) ở với cô thứ Tám và cũng là người em gái út độc nhứt bên gia đình nội tụi tôi.
    Cô Tám có tiệm buôn bán ở chợ và chị Hai,kỳ này được học nghề may của cô.Nghe nói,bàn máy chị được đặt ngay cửa tiệm để chị vừa may vừa trông coi bán những thứ khác cho khách mua.Cũng do hay vì chỗ ngồi mà định mạng ( cái cách nói của người ta) khiến xui,cho nên chị đã được lọt vào mắt của người anh rể tôi .
   Một người được kêu là “ dân Tây “,con nhà gia thế vừa Saigon vừa Mỹ Tho nữa.
               ****
       Tôi không có tham dự đám cưới của chị.Tôi chỉ gặp chị một lần sau nhiều năm,có lẽ từ khi tan bầy,sẫy nghé ở căn nhà sàn.Tất cả những cơ cực của chị đều do mẹ tôi kể lại,cho tới ngày chị theo chồng.
       Nếu dùng cho đúng ngôn ngữ của người mình thì chị được cưới hỏi hẳn hòi nhưng chồng không đưa về Saigon  cùng chung sống với nhau!
       Mẹ chồng của chị ở Vĩnh Kim ,nhà nằm cách nơi nhóm chợ chừng vài trăm thước.Bà có sạp bán vải ở trong nhà lồng chợ.Chợ này thường khi nhóm rất sớm.Cỡ hai giờ khuya là đã tấp nập rồi.
       Bà Năm Tú ,mẹ chồng chị Hai “nuôi  con dâu “với những việc mà chị phải làm hàng ngày là một giờ khuya thức dậy,đưa vải từ nhà ra sạp sắp xếp sẵn sàng ,xong rồi về nhà chuẩn bị lo bữa ăn sáng cho cả gia đình và bưng ra cho mẹ chồng…
        Thỉnh thoảng anh rể tôi về thăm mẹ,gần vợ rồi lại ra đi. 
               *****
          Lần cuối cùng,sau bao nhiêu năm xa cách,tôi và người anh thứ Năm gặp chị Hai là lúc sau khi chị lấy chồng, chị về thăm bà ngoại với mẹ tôi . Chuyển về của chị ngắn đến độ hai anh em tôi từ ngoài vườn hái xong mấy chùm Dâu thì chị đã trở bộ ra đi.Anh em tôi chỉ nhận nơi chị được một nụ cười.
        Nụ cười hiền,cam chịu và thánh thiện của một bà tiên.
        Chị đã đến cõi trần ,
        Chị phải sống một lần .
        Nợ xa xưa,chị trả ,
        Nghiệp,là thứ dần lân .
Kính dâng linh hồn của chị Hai:
H.H.L (1937-1957).
Phạm Huỳnh Ngân.
Email:pham.h.ngan @ gmail.com 




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

Cờ bay theo gió .Gió thổi cờ bay.

Truyện : ĐOẠN CUỐI GIAN NAN.