Pulau Bidong,đã đến khó quên.

Cầu Jetty nơi đã in dấu hàng chục ngàn thuyền nhân lúc đến và khi rời đảo Pulau Bidong,Malyasia.

 Từ trên đồi tôn giáo,lưng hướng về phía  chùa người ta phóng cái nhìn y như ghi nhận của bức ảnh nầy,cho dù những sự việc thuộc về quá khứ đã xa lắm rồi.Với một người có trí nhớ bình thường , cho dù  những sự việc đã sảy ra  cách đây hơn ba  mươi lăm năm, hình ảnh về hòn đảo nầy vẫn còn nằm trong ký của họ một cách  rỏ ràng mồn một.
 Tính từ đuôi chiếc tàu màu trắng đó ra xa ngoài khơi độ ba km.,vào lúc 2 giờ ngày 5 tháng 11 năm 1983 ,chiếc tầu chở dầu từ các dàn khoan  ngoài khơi bờ biển  Malysia mang kỳ hiệu Singapore,do thuyền trưởng người Anh Captain Bromly Berrie điều khiển đã dừng lại nơi nầy.
  Tại đây,một tàu vận chuyển nhỏ của lực lượng Cảnh Sát Malaysia ra tiếp nhận 22 thuyền nhân tị nạn được lần lượt  từ phía  phần sau của tàu dầu chuyền sang.
  Thuyền trưởng,thuyền phó cùng nhiều nhân viên thủy thủ đoàn đã đưa tiễn với nhiều lưu luyến,cảm động.
 Họ đã ân cần bắt tay,nắm níu từng người trong lúc từ buồng lái trên cao   còi tàu từng hồi hụ lên.
 Không phải một lần ,mà nhiều lần.
 Chiếc tàu vẫn đậu yên ở đó cho tới khi đám người áo quần tơi tả sau hai mươi mấy ngày lênh đênh trên biển, cùng với một trận cướp bóc tả tơi của ngư phủ Thái.
Bằng  những bước đi...say bờ sau những ngày dài trên biển,con số người di chuyễn khập khiễng,chậm chạp ấy,sau cùng cũng đã qua khỏi cây cầu ván ngắn mà  tình dài nầy.
 Lúc bấy giờ,với hồi còi dài hơn,to hơn, con tàu cứu mạng ấy mới chầm chậm rời xa.
 Cũng từ vị trí đó hay dọc theo bờ cát trắng ấy,người tị nạn đã nhiều lần chứng kiến những chiếc ghe vượt biên  lớn nhỏ  đủ cỡ,mang nhiều số hiệu,nhiều tỉnh của VN, đã bị hỏa thiêu,sau khi"nó"đã làm tròn vai trò trong một giai đoạn tối cần cho một cuốc đào tẩu của những người từ chốn địa ngục A-tì !
 Lực lương Task Force của Mã Lai nhận  được kinh nghiệm rằng,trước đó những  thuyền của người tị nạn đến đảo đậu dài dọc theo bải cát hai bên trái phải của chiếc cầu,có lúc đã bị chính những người dùng nó  vượt thoát từ VN,nay lại tái xử dụng phương tiện ấy mà quây về quê cũ !.
  Đó là lý do sau nầy,bất kỳ một ghe tàu lớn nhỏ nào hề cặp xong bến là phải bị đốt cháy cho chìm hằn.
  Lẽ dĩ nhiên,những ai đã từng ngồi nằm,ngồi ói mửa ,cùng với đầy những sợ hãi lo toan trên đó ,khó  mà dấu được những giòng nước mắt xúc động khi thấy phương tiện đơn sơ ấy bị đốt cháy rồi chìm dần dưới đáy nước biển xanh .
  Xuyên qua mấy cành cây nhỏ,con tầu sắt  được kéo hằn lên bờ cát trong tư thế nằm nghiêng , cũng là một câu chuyện  truyền khẩu,được thêu dệt,được phóng đại với những tình tiết ly kỳ của nhiều đợt người đến,rồi ra đi.
 Lý do tại sao có con số người chết khi chiếc tàu sắt bề thế kia bị bắn hạ ,rồi sau dó là những tiếng gào thét khóc la cùng những  hồn ma bóng quế khi ẩn ,lúc hiện trong những đêm không trăng trên bờ biển vắng , vẫn là câu chuyện...chào đón làm quà của kẻ tới trước (dù không bao lâu) truyền lại cho người đến sau.
 Từ ngoài biển,khi qua hết cây cầu,quẹo về hướng trái ,khi xưa là ban RB của đảo.
 Nơi đây sẽ là điểm đầu tiên  lập thủ tục để tiếp nhận những người phương xa đến  tìm tự do của chính quyền Mã Lai.
 Còn nếu không quẹo trái,đi thẳng vào,người ta  gặp cây cầu rất ngắn bắt qua lạch nước.Kế bên cầu là một cái miếu nhỏ với khói nhang nghi ngút vào những buổi hoàng hôn lan dần trên đảo.
  Cái miếu nhỏ cạnh lạch nước kế bên cầy dừa lão cũng đã là câu chuyện truyền kỳ với những tình tiết thương tâm về thân phận của một kiếp  người lưu lạc...
  Trong miếu ấy,người ta (không biết là ai /hoặc người đến trước)có thờ một ông  già.
 Chuyện kể:
  Hằng ngày,có một ông già  ngồi ngay dưới  gốc dừa ấy  tiếc thương,than khóc người con gái mà ông hết lòng yêu thương đã chết vì hải tặc .
 Dừa rụng.
 Ông  chết,  sau đó , với vài sự hiền linh,cũng vẫn theo lời của các thuyền nhân truyền tụng,cho nên người đến sau mới lập miếu để tôn thờ, đồng thời cũng cầu xin ,khấn vái với ông những điều họ muốn.
 Cây cầu Jetty,con tầu sắt và cái miếu bên cầu kế gốc dừa lão,cho tới nay,coi bộ vẫn chưa phai  mờ trong ký ức của những ai đã qua Pulau Bidong ;cho dù hiện nay họ đã an cư lạc nghiệp khắp bốn phương trời.
                                                                  ooo0ooo
   Nếu từ khu F hay Long House đi lên Đồi Tôn Giáo,người ta sẽ nhìn bải biển khu C tuyệt đẹp trong ánh bình minh, vào lúc loa phát thanh từ khối Thông tin cho biết đã hết giờ giới nghiêm.
 Từ đoạn đường lên dốc nầy, lời chúc lành cho ngày mới của xướng ngôn viên Phước Lý có hiệu lực làm cho kẻ leo đồi sảng khoái hơn,khỏe khoắn hơn khi vượt qua con dốc với những hòn đá lớn nằm bên trái ven dồi ,dưới kia là biển xanh ,nước ấm với sóng tỏa vào bờ nhịp nhàng trong những ngày trời êm,biển lặng.
 Ba tôn giáo có nơi thờ phương,hành lễ trên ngọn đồi có tên thơ mộng nầy.
 Một nhà thờ Công Giáo,một nơi Thờ Phượng Chúa của giáo phái Tin Lành và một kiễng Chùa Phật giáo.
  Vị trí của nhà thờ rất tuyệt cho những ai đến đây để cầu nguyện.
  Được xây cất như kiểu nhà sàn,phía dưới là đá và nước biển chập chùng  sóng vờn,gió thổi cùng hơi nước biển hòa lẫn gió mát tạo cho những ai muốn tìm,muốn cầu xin những ân sũng từ Chúa sẽ cảm nhận được sự gần gũi,ân cần hơn với Ngài.
 "Ngôi" chùa ,thật ra không lớn như tiếng dùng mà có thể gọi là am vân hay một cái nhà nho nhỏ đủ để cho một số ít bá tánh đến đốt nhang,niệm Phật .
 Chùa,lưng xây về hướng lưng đồi và mặt tiền hướng ra biển khơi,trước đó là con đường mòn có hai phía lên xuống...cõi trần  đều được.
 Một là từ tầu sắt nằm ụ và hai là từ khu F đi lên băng qua  nghĩa trang buồn,nơi an giấc ngàn thu  của những người chưa may mắn thấy được ánh sáng tự do !
 Có những thuyền nhân ngồi hàng buổi trên đồi Tôn giáo của đảo.
 Lý do thì vô số.
 Những mất mát,những thất lạc,những chết chóc,những đau buồn của người đến được chốn bình an, khóc thương,cầu nguyện cho những thân nhân  rơi rớt lại, vướng vào tù tội...
 Cho dù cao ủy tị nạn có chương trình đặc trách về an ủi tâm thần cho những người bất hạnh .
 Thế nhưng,đức tin vào tôn giáo  với khung cảnh trời nước cùng những hình tượng của các đấng giáo chủ vẫn làm cho người ta gần gủi,dễ chịu,dể lâm râm thì thầm tâm sự hơn.
 Từ bất cứ nơi nào trên đỉnh đồi lộng gió với hơn ba phần tư trong tầm nhìn là biển,về hướng Đông,cách không xa là hòn Cá Mập.
  Ở đây , khi loa phóng thanh của đảo mỗi lần cất lên người ta nghe rất rỏ.Đặc biệt nhất là mỗi khi khối Thông Tin vang lên lời loan báo danh sách đồng bào "có tên" rời trại vào ngày...rồi sau đó bản Biển Nhớ của nhạc sĩ họ Trinh được cất lên với giọng ca Khánh-Ly,làm cho cả trại nhao nhao.

  Đây là thời gian im lặng gần như hoàn toàn,cho dù không hề có lênh lạc nào ban ra.
  Có thể xem đó là quãng thời gian ngưng đọng,thời gian chìm lắng của không biết bao nhiêu đợi chờ,bao nhiêu hy vọng.
   Một bài ca thứ hai mới làm cho những người tị nạn với nhau giữa kẻ ra đi và người ở lại.
   Đây là một đoạn rất thật cho những giọt nước mắt mặn nóng được tự do từ những đôi mắt được bày tỏ không hề che dấu.
  Lời  của đôi song ca Lê Uyên Phương ,.."giờ nầy còn cầm tay nhau,còn nắm níu lấy nhau....rồi mai đây, ta không còn thấy nhau...Bàn tay năm ngón ,đan vào nhau..."sau khi viên xướng ngôn nào đó đọc nhanh như hối ..."Đồng bào có tên sau đây,ngay bây giờ (lập thêm một lần nữa) ngay bây giờ hãy mang hành lý đến cầu Jetty để rời trại ."
  Những âm thanh đó vọng đến đôi Tôn giáo có khả năng làm cho những ai đang thẩn thơ trên ấy cũng phải xao xuyến với những buồn vui của kiếp người sinh ly,tử biệt.
 Chợt nhìn về hướng không xa là con tàu đã từng đưa rước không biết là bao nhiêu đợt người cập vào ,rời ra khỏi đảo.
 Tàu Blue Dark !
 Vốn vẫn là nguồn cảm hứng vô tận của các nhi đồng trên đảo mỗi khi nó đến là cả những tràng pháo tay rộ lên tự phát.
 Đồi Tôn giáo cao hơn Nghĩa trang buồn bên đồi  khu F,so với mặt nước biển.
 Cũng là một ngọn đồi nhưng lại tương phản rỏ rệt.
 Một cho hy vọng.
 Một cho thất vọng với mất mát lớn lao.
Đều cùng chung một tên Tây ban Nha là Pulau Bidong mà mấy người anh em Mục đảo gọi là Buồn Lâu Bi Đát.
 Tên nào cũng được.
 Đằng nào,địa điểm ấy cũng đã một thời là ân-nhân  là chứng nhân,là một nơi cứu mạng,một trạm trung chuyền của người Việt đào tẩu,liều thân chạy trốn chết  Việt Cộng  trước khi định cư ở một quốc gia đệ tam.
Tặng Huỳnh Hồng-Đức Túc,
Cùng những bằng hữu đã có một thời ở đảo Bidong.
Phạm huỳnh Ngân.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

KHÔNG CÓ ,CÓ KHÔNG..MỘT VÒNG TIẾN HÓA!

KHÔNG THẦY,ĐỐ MÀY LÀM NÊN ?!.(Cổ nhân truyền khẩu).