Được gì,hay bởi lòng tham ?

Người dân ở những vùng bị VC tạm chiếm không bao giờ ở lại chào mừng đoàn “Quân giải phóng “,mà bất cứ ở nơi đâu cũng đều chạy...chết,chạy thục mạng,chạy bỏ của giữ lấy thân như ảnh trên.
Từ đầu năm 1961, Phú Túc,Phú Đức thuộc quận Sóc sãi tỉnh lị Kiến Hòa đã có những dấu hiệu của một cuộc tranh giành quyền kiềm soát,quyền cai trị người dân của hai thế lực.

 Trước đó,khi di chuyển trên các con đường từ ấp đến làng,dọc bên đường,ở những quãng vắng hay những khu vườn dừa rợp bóng lá, thiếu ánh sáng mặt trời đã xuất hiện các dấu hiệu sọ người với hai thanh xương chéo nhau cùng với mấy chữ tử địa cấm vào !
  Những mệnh lệnh đầu tiên dân chúng trong các vùng nầy nghe được bằng các loại "loa"  tay hay giấy carton  vấn dài với phần trước to ra để được phát ra cho nghe được lớn và xa hơn.
 Chó là đối tượng ưu tiên đầu tiên và là...nạn nhân trước hết của cuộc chiến tranh du kích nhắm tới đã được những người trong bóng đêm chiếu cố đầu tiên,rằng là phải bị cấm ngặt .
 Tóm lại,giống vật gần gũi,thân cận nhất của loài người đã không được có cơ hội tham dự cuộc chiến  được những phiến quân gọi là "đồng khởi".
 Từ đó cả một vùng,có khi năm ba xã,có khi cả một phần ba quận lị thuộc VNCH bị lọt vào tay của phe chống chánh quyền,chó đã hoàn toàn biến mất.
 Những khu  "rừng dừa"nào có các bản cấm vào,vốn là những nơi để cho phe mặc áo đen với khăn rằn ẩn trốn, cùng các loại hầm bí mật sử dụng ban ngày.Lệnh nầy có hiệu lực rất cao đối với chủ nhân của những mảnh đất ấy.
 Trẻ con cố vào để xúc,tát bắt cá tôm hay lượm dừa rụng thường khi được tha nhưng hầm chông hoặc lựu đạn tự chế vốn không có lòng nhân.
 Ở các ngả ba của đường đất,thường xuất hiện sau một đêm có bảng phòng thông tin ấp.
 Đây là nơi để vài hình ảnh kể tội lính"Ngụy" tàn ác với nhân dân, cùng mấy dòng luôn luôn phải có là " Ngô đình Diệm phải từ chức" hay "đả đảo gia đình trị Ngô đình Diệm"...
 Thường thì người dân ít khi dám bước vào cái gọi là phòng thông tin ấy.Nhất là về sau nầy,khi lính trên bót (Đồn) xuống bắt dân tháo gở,bị lựu đạn nổ.
 Đám trẻ chúng tôi,khi gặp những phòng thông tin như vậy luôn tìm đường tránh qua ngả khác,thường thì phải lội qua mương,rạch đầy những bùn lầy.
 Thôn quê miền Nam,làng nào cũng có một đình thờ Thành hoàng,trong đó mõ,trống chầu,phèng la là những dụng cụ để tế lễ phải có.
 Các trang bị để thờ phương nầy luôn được mấy người xuất hiện buổi chiều trước khi mặt trời lặn trưng dụng vào dịp "mít tinh" hay cùng nhau khuân vác đến trước đồn bót khua mõ,giống trống vang rân kêu gọi lính tráng phía trong sớm giác ngộ "cách mạng" mà buông súng đầu hàng để được khoan hồng.
 Dân tình bị kêu gọi tham dự các đêm mít tinh ngày càng nhiều hơn,rồi xác chết thả trôi sông được thấy của những người câu tôm hay các trẻ con tắm sông cũng nhiều hơn.
 Miền Nam với hệ thống sông ngòi thiên nhiên chằng chịt,nơi người,nước và hàng ngàn loại cây cối sống hòa quyện bên nhau ngay từ thời nam tiến mở mang bờ cõi miền Tây.
 Trong một ấp nhỏ,từ nơi nầy đến chổ kia có khi  người ta phải qua cả chục cây cầu đủ loại.Thông thường nhất là cầu khỉ và cầu tréo.
 Vào lúc khô ráo việc qua lại dể dàng với những người đi qua không vác,mang,gồng gánh.Nhưng khi mưa cũng khá khó khăn vì trơn trợt hoặc vì cầu không có tay vịn.
 Những cây cầu thô sơ nhưng vô cùng cần thiết cho người dân ấy cũng không bình an nghe giòng sông chảy.
 Chặt,gỡ,phá rồi thả trôi theo giòng nước .
 Qua cầu,vào giai đoạn nầy nó đã trở thành cơn ác mộng của những ai phải bị ở cái nơi mà,lúc bấy giờ được đặt tên là "vùng xôi đậu".
 Bà Nội của tôi,nhà ở kế bên con sông Cả Sơn,vào lúc không phải cầu gảy nhịp, mà cả một cây cầu thân yêu đã có từ lâu như một phần của cơ thể đã làm cho bà uất-ức,giận đến đổi nguyền rủa ngày đêm không tiếc lời đến những kẻ ra tay phá hoại.
 Mỗi khi  cần lên chợ để bán năm ba nải chuối già hương,bà ngồi chờ có xuồng ghe ai đi qua để xin quá giang.
 Đám trẻ chúng tôi,phải một tay cầm căp đệm giơ lên cao,một tay bơi qua sông rạch để đi đến trường là việc thường.
 Một khúc đường,chiều hôm qua người dân trong ấp được huy động đào lên rồi đặt chông dưới đó.Sáng hôm sau,cũng những người ấy lại bị kêu đến lấp lại.
 Chỉ khác là bên áo đen ,khăn rằng bảo đào,còn phía áo lính thì kêu lấp cũng không khác gì điệp khúc phá -làm  những cây cầu không được bình yên của thời chinh chiến vậy.
 Có điều,vật liệu để làm cầu ,sau mỗi lần bị phá ngày càng khó tìm hơn.
 Đêm đã không còn êm ả của trăng sao tinh khiết với mùi dạ lý,mùi hoa bưởi,hoa cau tỏa lan ra  không khí trong lành nơi sân trước ,nơi hàng hiên lũ trẻ chơi đùa vô tư,vừa mới chiều qua.
 Nhà nhà đóng cửa sớm hơn vì nhiều lý do,mà cũng có khi lực lượng "Mặt trân dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam" phát loa ra lệnh không ai được phép đi đêm
 Đêm,có khi với những bước chân chạy trước sau,chạy ngược xuôi thình thịch.Của những hơi thở hồng hộc,của những tiếng đạn hớt hãi tốc chạy hay tiếng nổ rượt theo truy lùng.
 Đêm đen đã làm cho già trẻ bé lớn trong cái vùng sắp "được giải phóng" gia tăng sợ hãi sau khi có thêm số người bị  lạc đạn rất là bất ngờ.
 Những bộ ngựa gõ khi xưa được làm bằng Gõ,Giá tị bề dầy cỡ năm phân,mỗi bộ  ba hay bốn thớt ,bóng lộn trong giai đoạn đại liên ,súng cối chưa nhiều đã được nhiều gia đình dùng để chun phía dưới tránh đạn rơi nhưng khi cường độ chiến tranh ngày càng mãnh liệt hơn,các loại hầm trú ẩn với thân cây dừa trộn đất được dùng làm chốn dung thân khi các loại súng đạn lớn nhỏ được hai bên mang ra dùng.
 Khi những tờ truyền đơn như bươm bướm từ trên cao rơi xuống,lượm lên đọc qua ,nhiều tiếng thở dài thảm não hơn.Những đôi mắt đậm quầng thâm,nay lại sâu hơn,những ánh mặt nhìn một cách thất thần về phía chân trời xa,lo âu cho thân phận của cả một gia đình đành phải bỏ lại hết của cải đã do biết bao công sức,biết bao thế hệ mới có được.
 Bỏ lại đã là khó rồi.
 Đến nơi nào đó, để có chổ ở, rồi làm cái gì để có gạo cơm mà sống....?
 Câu hỏi ấy nó sẽ đeo theo gia đình chạy giặc không biết là bao lâu nữa.
Đây sẽ là"Vùng oanh kích tự do",đồng bào hãy rời khỏi nơi nầy.
 Đó là nội dung của tờ truyền đơn .

 Đó cũng đã đến hết sức chịu đựng của hàng triệu người dân ở thôn quê khi cuộc chiến được phát động từ Hà Nội,do đảng Cộng Sản Việt Nam điều khiển.
Phạm huỳnh Ngân.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

KHÔNG CÓ ,CÓ KHÔNG..MỘT VÒNG TIẾN HÓA!

KHÔNG THẦY,ĐỐ MÀY LÀM NÊN ?!.(Cổ nhân truyền khẩu).