BỜ SÔNG TÔI ĐÃ TẮM NHIỀU LẦN .


                                         Sông Rạch Gầm.

           Thời tuổi thơ của tôi ở nhằm nơi mà khi xưa,thời Pháp thuộc đã bị khổ vì các lần ruồng bố của lính Tây da trắng lẫn “Tây “ da đen,tức lính Lê dương .Đó là những người dân thuộc địa của nước Pháp ở Phi châu như Senegale,Morocco …mà người mình gọi là Tây rạch mặt,có mặt trong quân đội thực dân xâm lược.Loại lính này rất hung tợn trong các cuộc bố ráp,hãm hiếp phụ nữ,đốt nhà dân.

        Đại nạn ở vùng đó chưa kịp hết sợ thì người dân lại bị mang thêm tai ách khác mà họ nói đó là cảnh  một cổ hai tròng bằng “mỹ từ quê hương đồng khởi “!

         Thời ấy,năm 1960,những người nổi dậy chưa đủ lực,cho nên chánh quyền VNCH ban ngày vẫn còn kiểm soát người dân nhưng cỡ sau ba giờ chiều là người thuộc phe nổi dậy bắt đầu xuất hiện. Ban đêm,họ ra nhiều lệnh bằng loa tay,loa bằng giấy carton,họ tạo ra những bảng cấm ở các khu vựờn rậm mà họ ẩn náu rồi bắt đầu ban hành tất cả lệnh cấm cho người dân lai vãng và đương nhiên ,người dân họ phải  tuân theo.

         Trường học ở gần chợ và hội đồng xã với đồn bót nhưng vẫn bị lệnh cấm của họ có hiệu lực,cho nên  từ ông hiệu trưởng với quí thầy cô cũng phải nghe theo lời  họ .

          Thường thì sau mỗi lệnh cấm là câu đe dọa hết sức sắt máu là:  ..”ai không thi hành ( hoặc nghe lệnh) tánh mạng sẽ không được bảo đảm!..”

          Người dân ở trong vùng này phải nghe lời họ trong sự sợ hãi.Điều này rất dễ hiểu là khi họ ra lệnh rồi và nếu có người nào họ cho là ngoan cố hoặc chống đối thì người ấy bị bịt mắt,trói ké dẫn đi mất.
         Những lệnh cấm của họ thì nhiều.Có khi bằng loa,có khi bằng những miếng nhôm hay thiết có vẽ hình sọ người với hai khúc xương tréo với nhau,ở dưới là hai chữ tử địa!

          Việc đầu tiên,là lệnh cấm chó !

         Ở thôn quê,con chó là tai,mắt của con người.Nó canh giữ nhà cửa từ trước ra sau,từ trong ra ngoài cả ngày lẫn đêm,cho dù thời ấy không mấy khi ai nghe tiếng trộm.Thế nhưng,khi những người xưng là "Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam"phát loa ra lệnh cho dân chúng ...không được để chó trong nhà ấy sủa về đêm,thì đó là lệnh tử hình "tập thể" cho tất cả những con chó từ đầu xóm đến cuối thôn !

        Chắc chắn đã có hàng ngàn giọt nước mắt của người dành cho  con vật đã từ lâu mặc nhiên trở thành người con,người bạn trong nhà,sau khi lệnh cấm chó một cách triệt để được lập đi lập lại sau nhiều đêm.

         Có một số ít chó may mắn nhờ chủ nhân của nó có bà con,bạn bè ở chợ hoặc các nơi có an ninh.

          Kỳ dư, không ít người phải tự tay giết chết con vật trung tín khôn ngoan đã từng chung sống,chung làm với mình từ bao lâu nay bằng những bàn tay run rẫy cùng với nước mắt đầm đìa.Đó không phải là một việc dễ làm mà không phải người chủ con cho nào cũng làm được!
          *
      Tôi có hai lý do để đỗ thừa cho việc học hành không nên cơm cháo gì của mình mà,nội chương trình tiểu học,từ lớp Năm (Lớp Chót.thời đó) cho đến hết lớp Nhứt mà phải trãi qua bốn trường .
      Lớp Năm tôi học trường Phú Đức rồi nhà nghèo dọn đi một xã khác,lớp Tư tôi học ở trường Thành Triệu ,một nơi cách nhà hai cánh đồng và hai khu vườn dừa ,sáng đi chiều về xa lắc,xa lơ.
       Lớp Ba,tôi từ Kiến Hòa,qua sông Cái (Tiền Giang) đến ờ nhờ nhà người cô ruột nơi chợ Vĩnh Kim ,còn có tên khác nữa là chợ Giữa rồi sau đó tôi lại trở về trường Phú Đức mà trước  đó mấy năm đã bị cấm.Tại trường nầy,chiến tranh với đủ các thứ hiễm nguy chờ chực để cướp lấy sinh mạng của người dân dù ở chợ hay trong quê cũng đều chết như nhau.

     Hết lớp Nhì,tôi được may mắn mà trang lứa của tôi thời ấy,ở nơi gọi là "vùng giải phóng" khó  thoát được để ra thị thành chứ đừng nói  lên tới đất thủ đô để học cho xong cái lớp Nhứt ở trường tiểu học Lê văn Duyệt ở đường Phan đình Phùng ,đoạn giữa Dinh tiên Hoàng và Mac đỉnh Chi như tôi đây, là đã quá diễm phúc,quá may mắn rồi.

            **

      Thời ấy,nước máy là một tiếng nói lạ,có thể người dân ở thôn quê như tôi không biết là gì.Đến khi ờ chung với gia đình cô tôi,tôi chỉ biết ở nơi chợ búa ,làm ăn có thu nhập cho nên người ta mướn người gánh nước từ bờ sông lên để tiêu dùng.Mỗi một đôi nước,gồm có hai cái thùng thiết,mỗi thùng chứa 20 lít,còn tiền công là bao nhiêu  tôi không biết.Nhưng,nước đó được gánh từ bờ sông lên , nước đục ngầu,cần phải đánh phèn rồi để yên đó cho cặn là phù sa lắng xuống đáy, nước trong lên mới nấu nướng tắm giặt đồ trắng được.

     Con sông,vào lúc đó tôi được biết nó có từ sông Cái,ngay nơi giao tiếp là chợ Vàm. 'Vàm',theo nghĩa của tiếng của người ở miền Nam là nơi quẹo,nơi giao tiếp,là nơi hội tụ như một vòng tròn,một 'bùng binh' của những con sông nhỏ hay rạch nước lớn giao nhau.Kim Sơn,tức chợ Vàm là tên chánh thức của nơi  giòng nước từ sông Tiền ùa vô  sông nhỏ được bắt đầu nơi đây.

     Con sông thẳng,tuy không thẳng băng như những con kinh đào,cho tới khi đến bến ghe đầu chợ Giữa thì nó quẹo trái,không gắt lắm,tạo nên mé bờ cong một cách thẫm mỹ.Kế bên đó, vào lúc chợ sắp nhóm thì đó là bến ghe,đò tấp nập .
      Mỗi buổi chiều,sau khi học hành và làm xong việc nhà,thì đó là nơi tôi được bơi lội,lăn hụp thỏa thích.

      Một cục xà bông Sả,ở trần với cái quần xà lỏn đen tôi xuống đó tắm,tuột quần ra giặt,mặc quần lại rồi chạy nhanh về nhà dội lại một hay gáo nước đã lóng phèn.

      Hàng ngày,cũng nơi đó,ngoại trừ lúc nước lớn lúc nước ròng và phù sa luôn luôn đục ngầu,chỉ có khác chăng có những dề Lục Bình  lớn nhỏ chảy tới lui, theo con nước lúc lớn khi ròng,có khi,có những dề Lục bình trôi theo nước choán một khoảng lớn của con sông.

       Cả quãng thời gian lên xuống bờ của con sông ấy mà tôi tuyệt nhiên không biết hoặc nghe người lớn nói tên của con sông ấy tên là gì thì thật là một điều thiếu sót!

                   ***

        Một trận thư hùng với kết quả là hàng chục ngàn sinh mạng của quân Xiêm,lớp chìm xuống đáy nước,lớp bị chết trên bờ khi tàu ghe bị đánh đắm,vậy mà những người dân thuộc hàng hậu duệ  ở khu vực chấn động ấy như là không nghe người trước truyền khẩu hay những bậc trên trước thuật lại cho hàng con cháu một thành tích oai hùng của người xưa?

       Con sông,tự nó không trung thành với ông Quang Trung,mà cũng không ghét bỏ gì ông Gia Long.Cho nên,có thể vì cuối cùng của cuộc tranh hùng giữa hai vị vua,ông Gia Long đã thắng,cho nên những chiến công ( thuộc về lịch sử Việt)của ông Quang Trung bị xóa nhòa chăng?

       Cũng có thể,hành động "Cõng rắn cắn gà nhà" của ông vua thắng trận chiến giành ngôi vua ấy cũng còn tai tiếng,tì vết của những lần mời rủ người Pháp,người Xiêm cùng giúp đỡ cho bản thân mình.
      Ngay cả lứa tuổi tôi,khi học sử Việt đến giai đoạn này,sử ghi chép lại một cách mắt thấy tai nghe,còn học sinh ghi nhận những công trạng của cả hai triều đại ,của hai vị vua thề không đội trới chung với nhau.Và,nhất là,khi ông Gia Long đã tiêu diệt xong nhà Nguyễn Quang Trung thì cả những tướng sĩ,công thần của ông Quang Trung cũng không thoát khỏi những cái chết bằng hình thức man rợ nhứt của kẻ thắng là Gia Long.Điều nầy,làm cho người dân thường sẽ rất rụt rè khi nhắc lại những chiến công hiễn hách của ông Quang Trung.Lịch sử đã chẵng từng ghi nhận chánh nghĩa (luôn ?!)thuộc về kẻ thắng sao ?

       Điều nầy,mới nhất là cuộc binh đao giữa hai miền Nam và Bắc VN đã được lập lại,đã được chứng minh là ..." Miệng người (thắng trận?!) sang ,có gang có thép !!" như người Việt vẫn thường nói từ xưa đến nay.

      Dù không thể so được với con sông Bạch Đằng nhưng,con sông Rạch Gầm vẫn có chỗ đứng trong lịch sử giữ nước,chống triệt để các đoàn quân viễn chinh hung ác!
        ****

     Thời gian ở trung học,tôi đã được dạy về trận thủy chiến Rạch Gầm qua tài điều binh của vua Quang Trung.Tôi chỉ biết tên và biết mang máng địa danh con sông đẫm máu đó ờ vùng Mỹ Tho,Xoài Mút chứ không thấy đề cập tới Vĩnh Kim hoặc Kim sơn là những nơi tôi đã trú ngụ hay lui tới mỗi khi muốn dùng đò ngang sang sông để về quê ,miệt Phú Đức,Phú Túc thuộc địa phận tỉnh Kiến Hòa.

      Cũng là chiến thắng,cũng là chủ động tấn công kẻ thù là quân ngoại nhập được “ mời “về đất nước mình để vừa trả hận vừa dự mưu cho đường dài của kẻ vọng ngoại.Lần này,với trận Rạch Gầm,vua Quang Trung đã thanh toán thật nhanh gọn cho tan tác gần năm chục ngàn lính viễn chinh Xiêm La chỉ trong một đêm 19 rạng sáng ngày 20 tháng 1 năm 1785 đã làm cho vua Gia Long cùng với ba ngàn quân lính người Việt dưới tay phải một phen khiếp vía.

       Cùng trận chiến trên con sông mà tôi vẫn tắm hằng ngày vào lúc 10 tuổi đó,cho tới sau năm 2.000 ,tức là hơn ba thế kỷ sau khi trận thư hùng đã hoàn toàn chìm sâu vào quá khứ và nhờ Internet,tôi mới tầm thêm “điển tích “ Vàm Bà Hét; một nơi chốn tôi đã từng qua lại nhiều lần trong tuổi thơ cho đến năm 1962.
                 *****

         Từ chợ Vàm nhìn sang bên kia sông Tiền,chịch về hướng trái, phía Đông (Mỹ Tho) độ ba cây số là vàm Bà Hét.

         Tại điểm này,nữ tướng Bùi thị Xuân giữ trách nhiệm vai trò tiên phong hoặc tiền trạm để báo động cho đại quân phía bên kia bờ sông  đã yên vị trong tư thế phục kích và sẵn sàng tác chiến.

         Vì sao tôi ,một người sinh sau đẻ muộn cách xa trận chiến mấy trăm năm mà dám cả quyết như vậy?

          Sử cho biết,đại quân Xiêm di chuyển từ hướng Mỹ Tho lên,họ phải qua Xoài Hột và một đoạn dài cỡ hơn bảy cây số nữa mới quẹo phải để lọt vào hẳn sông Rạch Gầm.

          Toán quân của nữ tướng họ Bùi ở phía bên kia sông,cho nên dễ dàng  trong việc quan sát động tịnh của quân địch.Và tiếng “hét “ kinh thiên động địa của bà vào lúc gần hai giờ khuya của ngày giờ nêu trên,để cho đại quân nằm cặp hai bên bờ con sông ờ phía bên kia sông biết rằng giặc đã lọt vào trận địa.

      Tiếng hét báo động hay tiếng hét của hiệu lệnh tấn công, người đã dùng hết sức lực để truyền đạt âm thanh đó càng lớn,càng xa,càng hiệu quả.

     Người dắt ngoại nhân về giầy xéo đất nước,đã không còn.Người đem hết sức lực ra giữ gìn bờ cõi.Quân đội ngoại nhập đã về với tổ tiên… với những kẻ hung ác,xấu xa là quân lính Xiêm La ...tất cả đã lần lượt rời khỏi mặt đất,trở về với cát bụi.

     Tiếng hét làm giựt mình những người ngủ mê .Tiếng hét làm cho chiến binh sắp lâm trận,đầu óc căng lên, tay nắm chặt hơn gươm giáo.Tiếng hét không hề lạc mất và nó vẫn tới lui trong vòng tròn sinh trụ hoại diệt bất tận của trái đất.
      Tiếng hét của Bà Bùi thị Xuân,một nữ tướng lừng danh của ông Quang Trung đã tạo nên địa danh mà,cho đến giờ phút nầy vẫn còn tồn tai ,cho dù sau những trận chiến thắng nhưng kết quả cuối cùng,triều đại mà bà  phục vụ đã sụp đỗ.Với bản án khắc nghiệt dã man mà kẻ thắng trận dành cho bà cũng không thể làm cho người ta quên được một đôi uyên ương  đã từng làm  tướng dưới quyền của Quang Trung hoàng đế.

         Cũng từ đó,vàm Bà Hét đã trở thành một địa danh chánh thức nằm cạnh bờ sông Tiền,thuộc xã Phú Đức,tỉnh  Bến Tre .

          Từ vàm này,mấy chục mét tiếp theo nó có tên là Rạch Bà Hét,nơi tôi học biết lội cũng như tắm giặt mỗi ngày,trong  một thời khá lâu .

           ****

Chú thích :   Con sông có chiều dài 11km5.

     Nơi rộng nhứt 100 mét.
   
Cửa Vàm Kim Sơn bề ngang 80 mét.

    Sông còn có tên Hán Việt là Sầm Giang.

    Sông khởi nguồn từ kinh Bang Lợi chảy qua Bàn Long,Vĩnh Kim và Kim Sơn.Tại đây,nó đã nhập vào sông Tiền.

H3.+Phạm Huỳnh Ngân.
Email pham.h.ngan@ gmail.com

        

         




'



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

Cờ bay theo gió .Gió thổi cờ bay.

NGỌC ĐAN THANH,ĐƯỜNG DÀI,RỒI CŨNG TỚI.