KHÔNG THẦY,ĐỐ MÀY LÀM NÊN ?!.(Cổ nhân truyền khẩu).

 Tôi mang ơn cô giáo dạy lớp Năm (thời đó lớp Năm là đầu tiên và lớp Nhứt là ra khỏi bậc Tiểu học).

Cô đã khai mở cho cái đầu còn mông muội của đứa trẻ vẫn còn trong trạng thái như vừa trải qua giấc ngủ dài,chợt thức.

Cô như người mở cửa căn phòng tối,lâu thật lâu đã bị đóng kín, để cho ánh sáng tràn vào phá tan biến ngay tức thì những đêm dài tăm tối, lấy nước lau mặt,lau mắt cho một đứa trẻ chưa biết gì hết ,bằng sự kiên nhẫn vô bờ khi dạy cho tôi ,bắt đầu từng động tác mới tinh khôi,lạ lẫm đủ mọi điều,được gọi là Học !

Cả tương lai dài lâu ,không một tiên tri gia lẫy lừng nào đoán được thành hay bại của những đứa trẻ ngày đầu tiên đến trường .

 Đó là những bài học vỡ lòng khó nhập nhứt của đời người !

Từng ngày trong nửa năm đầu của một nghề phải chịu khó kiên trì với nhiều trình độ thấp cao,nhanh chậm từng mỗi đứa trẻ đang trong độ tuổi thơ!

 Người đời thường nói:-“ Vạn sự khởi đầu nan !”.

    Lời nói nầy không sai chút nào,sau khi sinh sống với đời ,sau những thất bại,thua thiệt cay đắng đã nhiều.

 Thành công, đôi lúc không phải do chỉ riêng mình  tạo ra được , mà phải có sự giúp đỡ của người khác.

   Cho nên,những vị thầy cô giáo nhận dạy ở lớp đầu tiên bậc tiểu học phải nên được ca ngợi;không phải một lần mà là cả đời!

    Thưa Thầy Cô,

   Con được cô giáo dạy dỗ từ mẫu giáo ở một nơi khác và khi bước đầu vô lớp Năm ở trường làng (có nơi gọi là lớp Chót hay Một)con đã sung sướng được cô giáo khai tâm,điểm nhãn ngay từ giờ ngày đầu tiên của năm học thứ nhứt.

   Từng ngày,rồi mỗi một ngày qua,chỉ có cô và mỗi một mình cô chăm sóc,dạy tập cho đám học trò ở chốn thôn quê lôi thôi,lếch thếch  như  đám bầy trẻ chúng con .

   Cô bắt đầu vừa tập vừa dạy,rồi lập đi,nhắc lại cho cả mấy chục đứa chúng con như một bà tiên với kiên nhẫn vô bờ!

Cô dùng thước gạch từng hàng ,dùng viết chì viết từng

Một hình ảnh cũ khó tìm.

chữ làm mẫu,dạy cho chúng con tay cầm làm sao cho vừa,cho đúng cây viết chì; vô dạy phảingồi thẳng lưng không được cong qua ,ẹo lại,ngay ngắn khi “tập đồ“, tập viết .Cô tập cho miệng từng đứa phải mở lớn đọc theo O tròn như quả trứng gà..Ô thì đội nón,Ơ thì có râu!…

      Trong con mắt của con,cô như một bà tiên có nhiều phép tắc.Cô cầm tay từng đứa trong tụi con tập “ đồ” từng nét chữ mà,không phải chữ nào cũng dễ như chữ n hay m.Không phải đứa nào trong đám tụi con tập đồ một lần là biết.
  Cô kiên nhẫn-mà,khi đó con không biết nói làm sao để diễn tả được.Giờ đây,thì con mạnh dạn thưa với cô là,sự nhẫn nại của  các nhà giáo ở giai đoạn ấy là phi thường.
   Điều này,giờ đây hồi tưởng lại,cá nhân con,con cho rằng giáo hóa cho đứa trẻ như mục Măng mới nhú lên khỏi mặt đất một gang tay quả không hề dùng tiếng dễ như uốn nắn một cây kiểng được !
  Bởi,theo suy nghĩ của riêng con,sau khi lớn lên,những “nhà giáo “bậc tiểu học lớp Chót là nhọc nhằn nhiều nhứt trong chương trình đào tạo mầm non.
 *             
Không cần dẫn chứng bất cứ thống kê nào về những trách nhiệm của cô hay thầy giáo của lớp một.
  Riêng tôi giờ đây,sau khi ôn cố lại mới thấy rằng đó là một công việc quá sức ,quá nhiều trách nhiệm phải chịu trên vai cho một con người ở vào thời gian đó.
**
 Một trẻ sáu tuổi,chưa cần biết nó ở thôn quê hay chốn thành thị ,ai cũng biết nó chưa được dạy dỗ hết mọi thứ ở trong nhà và nếu một ít trong số đó được dạy,nó cũng chưa thể chứa hết những lời dạy ( nếu như ông bà cha mẹ của nó dạy sớm !) đối với người chung quanh.Như vậy,cô hay thầy phải làm công việc của cha mẹ nó trong thời gian tiếng trống trường cho học trò vô sắp hàng tuần tự vô lớp,cho tới khi tan học .
   Có thể quí thầy cô phụ trách lớp Một mới có thể nhớ khoảng bao lâu,sau ngày tựu trường,lớp vỡ lòng bậc tiểu học mới được trật tự,ngăn nắp,khuôn khổ đâu vào đó.
 Nhưng,rõ ràng phải cần có cây roi dùng để đập đồm độp trên bàn để răn đe.
 Thời ấy,câu:-“Thương cho roi cho vọt ghét cho ngọt cho bùi “ có giá trị.
  Việc một học trò bị bắt nằm dài chịu năm,mười roi ở trong lớp học là bình thường.
  Có nhiều lý do để một trò bị đánh đòn.
  Bài học làm sai,giành giật,cãi lộn to tiếng hoặc oánh lộn với nhau…
  Kiêm nhiệm nhiều vai trò để cho đám trẻ tập đọc từ ê a, tới lúc thuộc lòng 24 chữ cái.Cho đến khi ráp được chữ rồi hiểu chữ đó là nghĩa gì,quả là sự cực nhọc,kiên nhẫn vượt bậc của nghề “gõ đầu trẻ “ khi xưa.
    Tiêu chuẩn nghành giáo dục đặt ra,để cho các giáo viên thi hành là một đứa trẻ ,ngày đầu chưa biết mặt chữ nào hết,sau bao nhiêu tuần hay tháng chuyên cần học tập,nó sẽ tiến bộ tới mức nào.
    Nội qui của nhà trường đặt ra để được áp dụng đồng đều cho tất cả các học sinh.Nhưng,đặc biệt đối với lứa tuổi lớp Một thì thật khó cho giáo viên trách nhiệm với các em.Chín người ,mười ý trong trường hợp này thật đúng.
   Cùng một bài học ,có trò mau thuộc ,có trò học tới,đọc lui không xong.Cũng vì lý do đó ,đôi lúc trò chậm phải bị dăm ba roi vô đít.
 Điều này,thời đó luật pháp và người dân mặc nhiên thừa nhận.Bởi dạy học,trong đó phần giải thích là chánh trừng phạt như quì gối,đánh vô tay,vô đít chỉ phụ thuộc hay bất đắc dĩ và là biện pháp chót cho đứa trẻ không còn cách nào khác hơn.
  Tất cả các môn cho năm học đầu đều đòi hỏi những chỉ dạy những giải thích từng chút một với các câu hỏi bẫm sinh.Thí dụ,sau khi tay trái cầm một chiếc đũa,tay phải một chiếc.Sau khi cô đưa từng chiếc rồi đếm 1,lại cầm chiếc thứ 2 rồi nói một bên trái nè là một thêm chiếc nữa,bên này là hai.
  Nhưng,có thể chưa chắc trò nhỏ hiểu hết.Cho nên,câu hỏi bất chợt từ miệng hết sức ngây thơ,hết sức hồn nhiên:-“Sao vậy ?”.
  Thầy hay cô biết phải làm cách nào để những đứa trẻ chậm hiểu,kém thông minh hơn chúng bạn trong khoảng bao lâu nữa thì rượt kịp để rồi còn phải bước sang những bài học cao hơn.
***
  Khi cố gom được những gì còn xót lại trong đầu sau sáu mươi mấy năm để đưa trí nhớ mò mẫm về những ngày xa lắc xa lơ ấy ,tôi mới biết được biết là bao nhiêu cực nhọc của quí thầy,quí cô đã dạy mà hôm nay đây mới ngồi gõ được những giòng chữ tri ơn hết sức đáng trách,hết sức muộn màng này.
  Thưa Thầy,
  Thưa Cô,
Trên thế giới,nhiều quốc gia có dành một ngày để vinh danh nhà giáo.
 Đó được xem như một sự cám ơn cũng như đề cao những người đã đem tim óc của chính mình ra đào tạo các mầm non thừa kế cho đất nước.
  Riêng ,cá nhân của con đây thật là tệ hại,thật đáng xấu hổ!
  Còn rời lớp Chót rồi tới trường khác.
   Bậc tiểu học có năm lớp,con trải qua bốn trường,ở những địa phương xa cách nhau.Chẳng hạn như trường tiểu học Phú Đức,con học lớp Một,rồi sau đó con học lớp Tư ở Thành Triệu,lớp Ba ở Vĩnh Kim,lớp Nhì trở về Phú Đức thì quí thầy cô hầu hết đã không còn dạy ở đó,ngoài thầy hiệu trưởng.
  Chiến tranh là thủ phạm chánh để con người thời đó-kể cả nghề dạy học cũng bị lâm vào hoàn cảnh phân tán,chia ly!
  Nhưng con,tự thâm tâm con không đồng ý với thái độ vô tâm của mình và không hề ý thức được công ơn lớn lao của Quí Thầy,Quí Cô quan trọng đối với con to lớn,cao trọng đến dường nào.
   Nếu không có Thầy Cô,bản thân con,cho đến ngay giờ phút nầy,cũng chỉ như người mù đang lần mò tìm từng bước đi.
   Cám ơn,tri ơn và mang ơn là những lời chân thật nhứt,con kính cẫn đặt lên đây,để tự mình nhắc cho nhớ món nợ tri thức mà không bao giờ con trả được.
   *****
  Phê bình xây dựng,xin vui lòng l/l Email pham.h.ngan @gmail.com 
Phạm huỳnh Ngân.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

KHÔNG CÓ ,CÓ KHÔNG..MỘT VÒNG TIẾN HÓA!