NGÔN NGỮ 2.

  Không dám quá lời,trong hơn ba mươi lăm năm qua,ít nhứt đã có hơn một trăm lần tôi nghe câu nói này,do nhiều người khác nhau đã nói vào dịp ngày của cha hay mẹ, có khi trước hoặc sau ngày ấy :

  - Ngày của mẹ năm nay tôi sẽ dắt bà già tới nhà hàng…ăn món canh chua cá Bông Lau với thịt heo kho tộ.

Hay :

 - Chiều hôm qua,tụi tôi dắt “ổng bả “ với tụi nhỏ đi ăn ở cái nhà hàng gì đó ngon lắm ở đao thau…

Quà dâng mẹ!


Mẹ già như chuối Ba Hương,
Như xôi nếp Mật,như đường Mía Lau.(Cadao VN).
Cả hai ảnh trên được lấy từ Internet và chỉ có tính cách tượng trưng.

                                                      *

 Ở miền Nam,bộ quốc gia giáo dục cũng như các đại học,trung học ; ngoài bảo tồn những gì thuộc về văn chương xưa cổ ,song song đó còn khuyến khích phát huy kim văn trong các chương trình Việt ngữ ở học đường.

    Hầu hết lời lẽ của các công văn,công điện,văn thư của các bộ sở thuộc quân đội hoặc dân sự,thời VNCH,người ta giao tiếp với nhau bằng chữ nghĩa rõ ràng,mạch lạc như một khuôn mẫu từ trung ương cho tới làng xã.

   Đó là loại văn phổ biến để cho mọi người biết đọc,khi đọc xong là hiểu ngay.Thể văn trong sáng,dễ hiểu,không có trường hợp một câu hai ba nghĩa và lẽ đương nhiên những lỗi về chánh tả,văn phạm không được phép xuất hiện trên những bản văn đó.

   Sau cuộc thắng bại 30 tháng Tư /1975,người Việt dù cùng một ngôn ngữ nhưng trong tiếng nói,trong chữ nghĩa đã có một sự khác biệt khá xa.

  Cũng không khác tình trạng tiếng nói cùng lối phát âm của hai miền ,hai thể chế Bắc và Nam Hàn,đã khác đến đổi người ở miền Bắc (cuộc gặp  được cho phép gặp nhau ,giữa những  gia đình bị phân ly trong cuộc chia đôi đất nưóc) nói mà người ở miền Nam không hiểu được người thân mình muốn nói gì.

   Điều nầy không khác người Việt họ Lý.con cháu của hoàng tử Lý long Tường,tức Bạch Mã tướng quân,chạy nạn nhà Trần qua Cao Ly ,hay người Việt  ở Lai Châu,Điện Biên chạy sang Thái Lan tị nạn vậy.Họ vẫn nói tiếng Việt nhưng nếu có dịp gặp họ,chúng ta sẽ rất khó nghe khi họ dùng Việt ngữ.

                                                      **

 Người Việt đã vượt thoát ra khỏi nước,nhứt là các thành phần được giáo dục và trưởng thành trước ngày bị mất nước,đáng lý ra họ lại cần phải giữ lại những lời lẽ,những chữ nghĩa cao đẹp,đầy đủ ý tứ của một nền văn hóa mà bản thân mình đã được dạy dỗ từ những năm đầu tiên đến trường.

     Rất tiếc!

 Con số người Việt trưởng thành như vừa nói cũng đã bị kẻ cai trị nhồi nhét và  đồng hóa ngôn ngữ một cách dễ dàng và đã không có một sự đề kháng nào ,cho dù là tiêu cực  hết.

   Bản thân tôi rất buồn lòng nghe một người bạn hồi trước có chữ nghĩa,sau khi giặc thù bắt bỏ tù cho mờ người,tới khi thả ra,lúc nào,gặp ai cũng oang oang cái mồm ...:"sau khi được cải tạo về...!".Tôi vẫn cho đó là nỗi nhục khó mà gột rữa được nơi cửa miệng của một người mà trước đây đã từng cầm quân đánh giặc với tên tuổi lừng danh !

  Nhưng,

 Không phải ai bị ở với bạo quyền cũng bị khuất phục về phương diện nói năng của kẻ thắng.

 Tôi đã từng găp nhiều người dùng chữ "Đứt phim" hay "ngày phỏng dai “để chỉ về cái ngày vật đổi sao dời,trời sầu đất thảm đó.Mặc dù ,cho tới giờ phút nầy,người ấy đang còn bị  sống trong nhà tù lớn đó !

                                                        ***

  "Danh chánh ngôn thuận",đó là câu nói gần như một khuôn mẫu trong văn chương, trong gia đình,trong họ hàng kể cả xã hội.

 Cho nên,nếu bị gán cho hai tiếng câu chấp,sau khi đọc xong bài nầy,bản thân tôi rất vui lòng cam chịu và rất sẵn lòng để giải thích.

  DẮT :- Một đứa trẻ chập chững đang tập đi.

           -Một người mù,tàn tật đi đứng khó có thể té bất cứ lúc nào.

           -Đôi nam nữ dắt (nắm) tay nhau cùng dạo phố.

           -Người ta dắt con chó cưng đi dạo mỗi buổi chiều.

  Nếu cha mẹ của mình còn đi đứng thẳng lưng được,thì không thể nào DẮT ông bà ấy đi ăn được mà phải MỜI với một thanh âm nhẹ nhàng,trân trọng chớ không phải đó là một việc bố thí,làm màu hoặc chiếu lệ để chụp ảnh rồi hôm sau mang ra khoe với bạn bè !

   Tôi vẫn tin tiếng Việt phong phú và buồn lòng cho những ai không chịu dùng cho đời sống đẹp hơn ,thanh nhã và lịch sự hơn.

                                                             ****

 Hiểu hôn-Biết hôn.

  Dây là hai câu hỏi của thầy cô giáo hỏi học trò sau khi đã giảng giải một bài học,một đề tài,của ông bà cha mẹ rầy dạy,chỉ dẫn cho con cháu sau khi sắp kết thúc câu chuyện,của chủ nhân (nếu như ông bà ta không muốn khiêm nhường)hỏi người dưới quyền và,cấp chỉ huy trong quân đội khi xưa thì phải là :-"Nghe rõ hôn,trả lời?".

   Ở đây,bây giờ hai câu hỏi trịch trượng ấy  đang lạm phát giữa người Việt với nhau !

   Người đặt ra câu hỏi ấy không biết tuổi tác,trình độ hiểu biết của mình tới đâu ,mỗi khi nói dứt câu ngắn rối hỏi liền ngay sau đó...anh hiểu hôn,anh biết hôn.

    Nếu nói theo Đắc nhân tâm của cụ Nguyễn hiến Lê thì câu hỏi có tính cách ...láo cá,láo tôm nầy hoàn toàn sai nếu,một người nhỏ tuổi hơn hỏi người lớn,một nhân viên hỏi ông bà chủ và kể cả bạn đồng trang lứa cũng không mấy ai vui lòng trả lời câu hỏi ấy.Bởi vì,người đặt ra câu hỏi ấy cho người khác ngay vừa dứt câu,thì làm sao có thì giờ cho người ấy suy nghĩ để trả lời cho mình được,dù chưa biết đúng hay sai trong câu nói của người bên kia.

    Ngay câu "Đúng hôn?" được ném cho người nghe đã là hành động "Cưỡng từ" rồi.Bởi vì ,tự thâm tâm người hỏi đã muốn người kia trả lời theo cách đồng thuận với mình là,,đúng,là hiểu !!

   Tôi cho rằng,đó không phải là cách lịch sự khi giao tiếp mà ngay từ phút ban đầu cứ liên tục bị áp đảo với hiểu hôn và biết hôn.

  Nếu như đang sống ở xã hội văn minh,học theo nếp văn minh của người cũng không phải là điều thua thiệt.

  Chúng ta vẫn biết có một số vị tổng thống thích chữi thề,nhưng mấy ổng chữi mặc ổng mình cứ giữ cách thanh lịch của một người tị nạn,thì ai dám cười chê mình ?

 Phạm huỳnh Ngân.

Email : pham.h.ngan@gmail.com



      

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

KHÔNG CÓ ,CÓ KHÔNG..MỘT VÒNG TIẾN HÓA!

KHÔNG THẦY,ĐỐ MÀY LÀM NÊN ?!.(Cổ nhân truyền khẩu).