LÝ THƯỜNG KIỆT HAY ĐƯỜNG “RAY” XE LỬA ?

Khi tôi nói về châu thành Mỹ Tho (thời đó,ít ai nói tỉnh lỵ ,thành phố như bây giờ) trước lúc hình ảnh ông vua Bảo Đại bị gạch mặt dán theo những cây Me ở đại lộ Hùng Vương,đường Lê Lợi,Thủ khoa Huân,Cầu Quay, Trưng Trắc…
…thì có vài bậc trưởng thượng cướp lời ngay lập tức.Ô! ờ Mỹ Tho ai mà chẳng biết,người ta còn biết “cái Ga xe lửa hồi đời xưa,bây giờ là vườn hoa Lạc Hồng”  ngay chỗ đó nữa cà .
 Quả thật vậy,với sáu mươi mấy năm mà trí nhớ của tôi nó đã muốn mòn,muốn phai rồi.Ngay cả lúc đó,là một đứa trẻ năm hay chưa tới sáu tuổi tôi cũng không dám nói rõ,mà chỉ độ chừng vậy thôi.
             Khô cằn ngoài vỏ nhưng nhựa vẫn 
           Luân lưu nuôi sống cả toàn thân,cây lá.
 Một điều chắc chắn dù vị cao niên có tuổi đời trên tám mươi đi mà cho rằng đường rầy xe lửa khi xưa không phải là Lý thường Kiệt bây giờ thì tôi nhứt định phải cãi sống,cãi chết để giành phần đúng cho kỳ được à!
      *
 Hai “Giếng nước “,một lớn,một nhỏ ở châu thành Mỹ Tho tôi mới được biết thời gian gần đây là do lệnh của vua Minh Mạng ban ra với công sức của nhiều dân công mới tạo nên.
 Lúc nhỏ,tôi nghe  là nó được dùng  chứa nước ngọt để người dân tiêu dùng.
 Vào các  tháng Tám Âm lịch mỗi năm,lúc ấy là mùa nước rông  nên dân cư ở đây bị nước mặn từ biển dâng lên, vì vậy tạo nên hồ nhân tạo là việc làm cần thiết.
 Riêng hai hồ nước,lý do tại sao đến giờ này mọi người vẫn dùng “Giếng nước lớn, giếng nước nhỏ “ để chỉ để nói về nơi đó,tôi vẫn không được biết .
 Chứ nói đúng thì "hai giếng nước" đó  phải dùng cho đúng chữ là HỒ nước ,mới đúng !
 Đường Lý thường Kiệt bắt đầu ngay ngã tư Pasteur rồi kết thúc khi gặp đường Trưng Trắc phồn hoa náo nhiệt và cũng là trái tim của Mỹ Tho.
 Đường LTK,nếu tính từ Tây xuống Đông thì giếng nước nhỏ bên phải,giếng nước lớn bên trái.Giếng nhỏ bằng ba phần mười của giếng lớn.
 Cũng nhờ đoạn đường ngắn chia đôi hai giếng nước này , nên vào đêm giao thừa của Tết Mậu Thân (1968),hai xe nồi đồng V.100 án ngữ để bảo vệ cho ông Thiệu về nhà của gia đình nhạc mẫu ăn Tết ngay góc đường Ống bà Nguyễn trung Long và LTK .
  Nơi này vào thời gian 1956 được dùng bào chế và cho thuốc trị bệnh “ Đẹn “ ở trong miệng ,thường là trẻ con.Bà thầy Năm Thưởng là tên mẹ của cựu phu nhân tổng thống VNCH Nguyễn văn Thiệu 
   Bên kia đường xéo góc dưới tàng cây Đa.
  Đây cũng là tên quán cơm bình dân Cây Đa.
 Với hỏa lực mạnh được trang bị trên hai chiến xa đó Cộng quân bị chặn không làm sao vượt qua độc đạo giữa hai hồ nước .Cho nên ,nhờ như vậy khu vực trung tâm của Mỹ Tho không bị thiệt hại nhiều trong trận tấn công lật lọng dịp giao thừa Tết Mậu Thân.
     **
 Trước khi có đoạn đường  trải đá xanh,rồi sau tráng nhựa có tên LTK,từ bờ Tây giữa hai giếng nước đến ngã tư đường Pasteur là đường rầy xe lửa.
 Qua giếng nước tôi không còn nhớ đoạn đường rầy quẹo cách nào để đến điểm cuối của con đường hỏa xa từ Saigon xuống Mỹ Tho ngay  giáp hai con sông Bảo Định và Tiền giang.
 Từ ngã tư Pasteur trở lên hướng Trung Lương,tôi hoàn toàn không biết.Lý do là lúc ấy tôi còn quá nhỏ.
      ***
   Bản đồ của Google Map  dùng làm điểm tựa  để dễ hình dung con đường LTK hiện nay.Khác biệt chánh về chi tiết nhà ở,hàng quán bây giờ có khác rất xa với hơn sáu mươi sáu mươi mấy năm trước là chuyện đương nhiên 
 Ngay thánh thất Cao Đài khi xưa làm bằng cây,nhỏ và thấp,bây giờ đã lớn hơn,kiên cố hơn gấp nhiều lần.
 Thường,theo cách thức tổ chức của đạo Cao Đài ,hễ có thánh thất ( nơi đàn cơ giáng và cũng là nơi thờ phượng,hành lễ của các  chức sắc và đạo hữu)thì khu vực ấy, thì phía sau thánh thất có nhà ở của những người cùng chung tộc đạo với tên gọi khu vực ấy là “Châu vi”.(Châu hay chu vi này khác trong toán học)
    Phía sau thánh thất,thời ấy được coi là ngoại ô của Mỹ Tho với những ruộng,mương vững lầy trồng rau Muống..lầy lội .
      ****
   Hàng Còng,là xóm nghèo của những người buôn bán dạo cùng với những người làm phu cho hãng xáng của Pháp,kế bên bờ sông Cái,gần Cầu Bắc Rạch Miễu.Đó cũng là một xóm của “Chị em ta “,theo cách nói không mất lòng ai để chỉ về  nghề của phụ nữ bán thân nuôi miệng,mà lâu lắm về sau này tôi mới được mẹ tôi nói.
Nơi đây hầu hết nhà lợp bằng lá,có căn cất theo kiểu nhà sàn,muốn lên xuống phải dùng cầu thang trước nhà.Nhà cất xa đường rầy xe lửa không bao xa.Phía sau nhà là khoảng đất trống cách xa bờ giếng nước nhỏ độ mười thước.
 Mẹ tôi mướn căn nhà sàn đó.
 Có lần xe lửa chạy ngang than theo ống khói lên cao rồi văng xuống mái nhà lợp lá nơi gia đình tôi ở.May nhờ có người giúp cùng nhau dập tắt.
 Từ trước cửa nhà tôi,men theo đường rầy đi lên độ hơn một trăm thước,trái là thánh thất Cao Đài bên phải là “trường “ mẫu giáo Minh Tâm.Tôi không biết trường ấy có mấy lớp học nhưng mẹ tôi nói trường Minh Tâm lúc đó;cho nên giờ đây tôi vẫn nói trường Minh Tâm,vì không còn ai để kiểm chứng được hai hay một lớp mẫu giáo dạy ê a cho mấy đứa trẻ.
  Có một điều,sau mấy mươi năm rời xa mái trường đầu đời ấy,hai chữ Minh Tâm vẫn còn và còn cho tới lúc  nó bị theo qui luật “hữu sinh tất hữu hoại “theo lời của Đức Phật.
 Cũng trong khoảng dài năm tháng kia,đã có không biết bao lần thay đổi quí thầy cô làm nhiệm vụ cao quý khai mở,dẫn dạy tập đọc,tập viết cho từng đứa trẻ bắt đầu đèn sách như tôi.
  •
 Mỗi khi tan học,thì cũng là lúc tiếng kèn xe lửa rút lên với khói đen kèm theo tro mịn lẫn lộn nhiều than đỏ nhỏ kèm theo.
 Lúc đó,xe lửa còn cách trường học của tôi xa hơn đoạn đường từ nhà tôi tới trường và tốc độ của xe đã giảm xuống nhiều rồi.
  Khi đầu xe ngang trước sân trường tôi thì một số người lớn nhỏ đã có mặt sẵn ở trên đó rồi và vẫn một số người khác trèo lên.
  Củi khúc được tuôn từ trên xe xuống cùng với những tiếng kêu ,chỉ chỏ hết sức ồn ào.Riêng về củi được thảy bừa càng gấp rút ( vì là ăn cắp.Tôi biết được nhờ mẹ tôi cho biết) cho nên hết sức nguy hiểm trong thời gian ngắn xe lửa chạy qua khu vực đó.
  Sợ cái cảnh chụp giựt hung hãn đó làm cho tôi phải chọn lựa cách về nhà khi tan học.
 Tôi không được cái may mắn đi học có người đưa ,kẻ rước cho nên,để tránh cái sợ hãi tôi phải tự chọn cho mình cách nào về nhà mà không quá sợ;có điều trễ một chút .
 Không biết đồng hồ của trường học hay của xe lửa,cái nào đúng hay sớm hơn,trễ hơn.Cho nên không phải lúc nào giờ tan học và tiếng còi xe lửa ở xa xa trên kia cùng giống như nhau.
 Việc xê xích đó,là lúc xe về sau khi tôi tan học .

Xe lửa,cơn ác mộng của tôi,thời mẫu giáo!

Khi tan học,việc đầu tiên là tôi dòm về hướng ngả tư để coi xe lửa tới đâu rồi.Nếu nó gần ngã tư và rút kèn liên tục với khói đen mù mịt thì tôi đứng tại chỗ,chờ cho những sinh hoạt hung tợn người ở xóm Hàng Còng (theo cách nhìn của đứa trẻ trong thời đó),là những động tác ngày nào cũng giống ngày nào :-Củi trên xe tuôn xuống,ai không né trúng rán chịu,người dưới đất phóng lên xe hay đeo theo một khúc đường rồi nhảy xuống,tiếng kêu nhau ơi ới,tiếng chửi thề,lời gây gổ chửi mắng nhau thô tục ,tiếng la vì bị giựt mất đồ…
  Có,mà rất hiếm người đón và nhận được nhau ở nơi này với những lời chào hỏi nhẹ nhàng êm ái.
  Đây là tiếng dễ nghe và nghe được sao mà an lành,hiền hậu vậy.
     *****
 Sau cùng,tôi tự chọn cách bình an nhứt của đứa nhỏ đã có tánh nhát bẫm sanh .
  Chạy thật lẹ trên những cục đá xanh lót doc theo đường rầy với cẩn thận cao độ.Lẽ dĩ nhiên,mắt nhìn trước ,nhìn xuống,có lúc phải nhìn lại phía sau coi xe còn gần hay xa.
 May mắn cho tôi!
 Hiếm khi tôi bị trật về quyết định này.
    ******
  Về quê nhà,tôi đến lớp Năm lớp Tư ở trường tiểu học Phú Đức,nơi chôn nhao cắt rún.Mừng chưa tròn,lại đổi trường.Đó là trường Thành Triệu,nơi đây dứt lớp Tư tôi lại thêm lần lạ thầy lạ bạn nữa.Từ Kiến Hoà tôi sang Chợ Giữa Vĩnh Kim để được học tiếp.
  Tôi được yên tâm học hết lớp Ba ở đây rồi trở về Phú Đức học hết được lớp Nhì .
  Bị gián đoạn trong việc học như vậy là do những người gây nên chiến tranh không muốn người dân được học hành.Tôi được may mắn sau cùng của chương trình tiểu học là hoàn tất bậc tiểu học ở trường Lê văn Duyệt đường Phan đình Phùng,Saigon.
  Thời gian này,tôi hoàn toàn không nhớ gì về trường Minh Tâm ,cho tới khi chiến tranh bùng lên mãnh liệt.vùng quê tôi ở được lệnh phải tản cư.Nơi ấy sẽ trở thành vùng oanh kích tự do,theo như tờ truyền đơn từ trên máy bay thả xuống .
   *******
 Gia đình tôi dở nhà xuống Mỹ Tho.Lần này,số người rời quê ra thành để tránh bom đạn khá nhiều,cho nên cũng là thị thành đó nhưng lại ở khu ngoại ô về hướng Đông của thị xã.Đây là khu vực với phần lớn dân tản cư nghèo nàn với tiện nghi hết sức tối thiểu.
  Sau cùng ,một căn nhà sàn cây với mái lợp tôn có điện,có nước kể cả một cái giếng được đào sẵn.
 Nó nằm trong con hẻm số 196 đường Lý thường Kiệt,đối diện với thánh thất Cao Đài !
  Đường LTK vào năm 1963 đã được trải đá xanh hẳn hòi và trường mẫu giáo Minh Tâm vẫn không khác chút nào hết:-Sân chơi là đất,lớp học nền đất vách ván.
  Tôi chuyển trường từ Saigon về trung học Nguyễn đình Chiểu từ lớp đệ Tứ,nên hàng ngày tôi lên xuống con đường LTK đôi ba lần.Giếng nước dọc theo mé bờ mấy loại cỏ đã thấy dọn.Đường LTK ,khúc phân đôi hai giếng nước được nới rộng ra,người ta có thể ngồi dựa ngửa câu cá được.Đường rầy xe lửa đã biến mất trong tiếng nói của những người dân cũ mới ở con đường bây giờ có tên chánh thức là Lý thường Kiệt.
  Xóm nghèo khó Hàng Còng vẫn tồn tại,xem ra có khởi sắc đôi chút nhờ có những người lính viễn chinh.Ngay cả những “bà chị “ cả sau nhiêu năm bán phấn buôn hương cũng tiếp tục sống được trong những ngày còn lại ;nhờ vào những ngày cuối tháng được lãnh lương của mấy ông lính già không kén chọn người tình ngắn hạn.  
 Năm 1969,tôi thì rớt Tú tài Một,  nên được quân đội chào mừng.
  Ra đơn vị,đi xa thường xuyên,mà hễ có giấy phép thì ít lâu gì cũng phải về Mỹ Tho,vì mẹ hiền có dời nhà nhưng không xa;chỉ từ LTK tới Pasteur ,về sau đổi thành Trần Hưng Đạo.
 Con đường Lý thường Kiệt và Trần Hưng Đạo nó gắn liền với kỷ niệm,với ký ức của tôi .Tôi quan sát kỹ từng cái thay đổi những cửa tiệm mới mở ra,những suy sụp vì thời thế,dù từ năm 69 tôi đã vĩnh viễn không còn có tư cách là thường trú nhân ở nơi ấy.
 Nơi có nhà sàn bị xém cháy tiêu.
 Nơi có con đường Rầy.
 Nơi có Trường Mẫu giáo Minh Tâm.
 Nơi Có cô giáo dạy cho tôi O tròn như quả trứng gà,Ô thì đội nón,Ơ thì có râu…
     ****
     ****
 Cuộc đổi đời 30/04/1975.Xã hội miền Nam bị bầm dập nát tan gốc rễ.
 Việc một người con từ Saigon về Mỹ Tho thăm viếng mẹ không phải là một điều dễ.
 Tôi về căn nhà xưa,con đường cũ trong tình cảnh mới mà lòng buồn vô hạn .Biết những kỷ niệm dù vui hay buồn gì rồi cũng phải mất.
 Đi ngang qua con hẻm 196 rồi tới (cách một căn nhà) trường học thụt vô trong.
 Trường học vẫn còn và cho tới năm 1983 tôi xa hẳn đất và nước đã cưu mang tôi,nơi tôi được học để lớn lên làm người đàng hoàng lương thiện .
 *********
 Mười sáu năm sau,kể từ ngày xa xứ.Tôi về đường Trần Hưng Đạo và không để chậm,tìm tới mẫu giáo Minh Tâm.
 Tôi đã quá lạc quan trong tâm thức của một người đọc sách mong sao cho kết quả câu chuyện có hậu.
 Tôi trật lất !
  Tôi quên mất nguyên lý Dịch là thay đổi .
  Đem cái thất vọng ấy tôi về vấn đáp với mẹ hiền.Lúc bấy giờ tôi tự ( dối)mình là đứa trẻ thơ :
 -Má ơi ! Trường Minh Tâm đâu mất rồi ?
 -Có cái gì không thay đổi ở trên đời này con?
Tôi còn cố tìm cách giữ lại ( một cách mong manh):
 -Sao con thấy tiệm sửa vá xe đạp “Đức Hưng “ ngay đầu chợ Hàng Còng có từ ngày con học lớp đệ Tứ,tới bây giờ vẫn còn ?
 Mẹ hiền :
  -Có thể tiệm vá,sửa xe còn tiếp tục được là vì nghề của họ là cha truyền con nối.Nghề đó không có ảnh hưởng gì đến đầu óc con người.
 Còn dạy trẻ và khai tâm cho đứa trẻ,nhà nước tự cho mình có cái quyền tối thượng ấy .Cho nên mẫu giáo Minh Tâm bị khai tử là chuyện dĩ nhiên.
Phạm huỳnh Ngân +H3.
Email:pham .h.ngan@gmail.com 

 

                   

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

KHÔNG CÓ ,CÓ KHÔNG..MỘT VÒNG TIẾN HÓA!

KHÔNG THẦY,ĐỐ MÀY LÀM NÊN ?!.(Cổ nhân truyền khẩu).