CỦA CHO & CÁCH CHO.

Cho và nhận chắc hẳn đã có từ lâu lắm rồi.Bởi nhu cầu của đời sống luôn có người đủ ,có người thiếu.Trong khi có nhiều người thiếu hơn là người dư.Cho nên,người thiếu phải mượn hoặc xin.Vì vậy,ngày nào nhân loại còn thì lúc đó cũng vẫn có người cho,có kẻ nhận.

                 Một trong những hiệu bán thức ăn nhanh dây chuyền nổi tiếng của nước Mỹ.

*
 Một phụ nữ người Việt ở thủ đô tị nạn,khu Westminster, miền Nam tiểu bang California,Hoa Kỳ.Bà định cư ở đây lâu ngày,làm ăn thành công,giao tiếp rộng cho nên được nhiều người mến mộ và tin cậy.Bà nổi tiếng trong cộng đồng về những công tác có tính cách thiện nguyện,hô hào quyên góp cho đồng bào ở trong nước mỗi khi bị thiên tai.
 Mỗi lần bà con mình ở miền Trung bị lũ lụt ,chỉ sau bản tin của báo chí và các chương trình truyền thanh truyền hình loan tin là bà chuẩn bị cho lên chương trình quyên góp để cứu trợ ngay.
 Cho nên,người ta đặt một cái tên không phải do cha mẹ đặt cho:Cô Chín Từ Tâm.
  Cô Chín hài lòng lẫn hãnh diện về cái tên ấy.Có dịp gặp gỡ đồng hương ở những nơi đông người,cô luôn đề cao đến việc bố thí,vì theo cô hễ cho ra nhiều thì phước lộc “Trời Phật “ sẽ ban lại.Cô lập đi lập lại nhiểu lần ,mỗi khi vận động với các vị hảo tâm dẫn chứng trường hợp của cô với vài bè bạn.Dĩ nhiên cũng có một số người tin vào luận cứ ấy.
  Theo thông lệ, người Việt ở ngoại quốc ăn nên làm ra thường về nước nhân dịp Tết nguyên đán.Có nhiều lý do để họ về xứ dịp này.    Cô Chín sau khi bàn bạc trong gia đình với một vài người bạn thân.Họ đồng ý với nhau ,trước hết là loan tin cho vài tờ báo ở địa phương cho biết là cô Chín Từ Tâm nhân dịp Tết ta sẽ cầm đầu phái đoàn về nước cứu trợ cho đồng bào.
   **
 Với mười hai ngàn đồng tiền Mỹ,phái đoàn dựng cây mùa xuân cho đồng bào nghèo ở Việt Nam,ai nghe được tin cũng mừng cho những người nghèo bất hạnh.
 Cô Chín đương nhiên là trưởng đoàn rồi,một người bạn thân của cô là phó kiêm thủ quỹ và một chuyên viên thu hình với một cô nữ phụ tá cũng là người bạn gái của “ Cameraman “(là tiếng mà cô Từ Tâm hay nói những lúc thuyết trình về chuyến đi.
 Theo cô Chín,việc tiền bạc mà cô nhận từ đồng bào để  phân chia tới tận tay bà con trong nước là trách nhiệm hết sức nặng nề của cô . Cô có nhấn mạnh đến điều đó với lời hứa chắc rằng những đồng tiền tình nghĩa ấy sẽ không hề bị rớt mất một xu đỏ nào ...dọc đường hết.
 Cho nên,cô chú trọng đến quây  phim,chụp hình,thâu thanh tiếng nói của người nhận tiền để đem về làm bằng cho những vị Mạnh thường Quân ở bên này biết,là một việc quan trọng cần có.
 Vì vậy ,bất kể tốn kém,cô phải nhờ người cháu ruột đi để thâu cho rõ và trung thực sau khi trở về Mỹ.
  Cô Chín về xứ nhằm tháng Chạp là tháng nắng không thua mùa hè.Cô về nhà một người cháu ở cư xá Lữ Gia,gần trường đua.
Nhưng,sau khi vô căn nhà này chưa được nửa tiếng thì người bạn gái của cháu trai nói nhỏ với cháu trai của cô Chín là không thể ở đây được.Lý do là nhà chật hẹp và quá nóng.
  Họ chọn một khách sạn có tên tuổi và tiền phòng khá cao nhưng được cái là an ninh.
   Ngày kế và tiếp theo,số tiền phái đoàn trao tận tay đến những người thụ hưởng là bảy ngàn Mỹ kim.
 Chi phí cho phái đoàn về ăn ,ở,di chuyển và phim ảnh lẫn tiền công là năm ngàn.
 ***
     Có rung động bằng trái tim khi tận mắt chứng kiến nỗi bất hạnh của người khác .
     Có cảm nhận được như là chính bản thân mình bị đói khát đôi ngày vì không có gì để ăn ,bị đau đớn vì vết thương không được điều trị,bị lạnh cóng vì thiếu áo quần mặc cho ấm trong cơn giá buốt…
     Phải kinh qua nhiều trạng thái ,nhiều hoàn cảnh,nhiều trạng huống để cho tự mình phải vận dụng tất cả năng lực trong cơ thể để sinh tồn .Khi đó,với một người có sẵn tâm lành,tánh thiện cùng trái tim mới hòa nhịp với nỗi thống khổ của tha nhân,mới thấy rằng giúp người là một “mệnh lệnh “ thiêng liêng,có tính cách tự giác và giúp vô điều kiện,không cần phải trả ơn .
  Cũng phải thanh minh một chút,rằng không phải những ai chưa từng trải qua khổ đau là không có trái tim nhân ái.
 Hai tiếng từ bi,bác ái có khi nó bị che khuất bởi ích kỷ hay nhu cầu không cần thiết dài bất tận của con người mà ra.
 Lần ngược thời gian,khi Đức Phật ra đời,cõi thế đã có người giàu sang dư ăn,thừa để và ngoài đường phố cũng không ít người ăn xin không nơi tránh mưa,che nắng .
  Khi Chúa giáng trần cũng có nhiều người ăn xin mà trong kinh Thánh kinh Phật  vẫn thường nhắc ,không phải một,mà nhiều lần!
  Có người thiếu thốn,có người đi xin để có ăn,thì nhất định phải có người ban phát .Thế nhân gọi là người có lòng tốt hay từ tâm.
  Người Việt mình từ xa xưa đã nhấn mạnh đến thái độ và cách thức khi người có tiền của TRAO CHO người nhận .
 Đây là một hành động phải thật tế nhị kèm theo ân cần nữa.Nếu không,có khi đã Không được mang ơn mà còn trở thành phản tác dụng .
  Xưa nay,không ít trường hợp cha mẹ về già sống nhờ vào con cái.Nhiều người con cau có,bực dọc,lớn tiếng mỗi khi giao tiếp với các đấng sinh thành.Có khi,chỉ vì lớn tuổi họ nói năng quàng xiên,quên đầu quên đuôi.Nhiều bậc cha mẹ ngồi ăn bữa cơm chan với nước mắt trước những dằn xáng của con cái là sự thường!
  Không chỉ nói riêng chỉ chuyện cho mà cả chuyện giúp đỡ nhau cũng cần phải có cái ánh mắt hay một nụ cười cảm thông cũng có thể làm cho người được giúp nhận ra cuộc đời còn lạc quan và đáng yêu hơn.
  Một thí dụ hết sức bình thường trong sinh hoạt hằng ngày :
  -Cửa kính dầy với tay nắm để kéo ra đóng vào đã là hơi nặng và phải dùng sức với những người bình thường rồi .Nhưng với một bà cụ nhỏ người,ngồi xe lăn,thì đó là một trở ngại không phải nhỏ !
  Bà cụ sẽ thấy cuộc đời dễ chịu hơn một chút và vui trong lòng cả ngày hôm đó,nếu như có một người bước đến chào cụ với nụ cười sẵn sàng ra tay mở cửa rồi nói thêm một câu vừa đủ nghe,tội nghiệp cho cụ quá,cụ cứ ngồi yên đó,để cháu lo.
   Chừng đó thôi!
Bà cụ,sau đó sẽ thấy ấm lòng và cuộc đời của bà cũng gia tăng thêm niềm tin rằng, đời đáng sống vì chung quanh mình hãy còn có người tử tế.
  Cách để trao tiền hay quà cáp đã được người xưa  dặn,dạy chu đáo :” Của cho không bằng cách cho “.
  Đó là bề ngoài,là cách thức cho,làm sao để người nhận,người thụ hưởng không bị va chạm tự ái tủi thân rồi sinh ra tự ti,nghĩ rằng người cho khinh khi mình.
 Bởi lý do ấy,ở VN mình,khi cho ai món ăn hay đồ vật gì,thường thì người lớn đích thân mang tới tận nơi .Còn không đích thân tới được nhờ trẻ nhỏ,đứa nhỏ ấy được căn dặn thật kỹ cái lúc đưa món đồ cho.
  Riêng về tôn giáo việc bố thí cho tha nhân còn khó hơn một nấc nữa!
   Bố thí tiền của với bố thí tinh thương không tôn giáo nào cho rằng bên nào nặng ,bên nào nhẹ.Mà,cả hai đều có giá trị.
     ****
   Chị Lang là một người vô sản thứ thiệt nếu nói theo cách của thời kỳ ấy ( khoảng 1983),hay sát sự thật hơn nữa,gia đình chị thuộc loại  nghèo…rớt Mùng tơi !
  Vợ chồng chị xin phép bên nhà chồng che mái lá cặp theo vách bên hông nhà để có chỗ che mưa,tránh nắng.
  Chồng chị theo xe đò làm “lơ cơm “,con gái của chị ra bến xe bán trà đá.
  Như vậy,chị chỉ lo kiếm ăn cho chị và đứa nhỏ.
 Chị Lang ở xóm Giếng nước lớn .Từ nhà chị đi cặp bờ giếng tới đường Nguyễn tri Phương quẹo tay phải ,đi một quãng đường xa nữa mới tới khu Chợ Hàng Bông gần xã Điều Hoà,Mỹ Tho .
  Bằng đôi dép Nhựt mõng đến độ nhiều người nói chơi,đôi dép của chị nó mõng đến nỗi có thể dùng cạo râu được.
 Sáng đi ,có khi chiều,có bữa xế trưa chị uể oải lê bước mang bụng đói ra về,tay xách phần cơm chủ cho chị .Chị nhịn ăn có lúc ghé qua cho người cha ruột bịnh nằm ở nhà một mình,có lúc cho con gái của chị bán ế từ ngoài bến xe về .
 Chị bị bệnh lao khá trầm trọng và lao phổi là một loại bệnh vốn kỵ với nước.Mà,nghề của chị là giặt đồ mướn cả buổi,có khi cả ngày hai tay phải vò vọc trong thau hay sô nước.
 Thời đó,bệnh viện đa khoa ở địa phương vẫn còn khám bệnh,cấp thuốc miễn phí cho những thành phần nghèo.
  Cứ mười ngày chị tới bịnh viện sắp hàng chờ xin thuốc .
  Hôm ấy,sau khi làm xong,người ta trả cho chị năm trăm đồng.Chị đi từ chợ Hàng Bông gần góc đường Lê Lợi,chị băng qua đường  Lê đại Hành,quẹo trái đại lộ Hùng Vương đi tới bệnh viện đa khoa Mỹ Tho ,gần cuối đường.
  Hàng người chờ khá dài,nên chị đứng tuốt trước thềm nhà thương.
  Từ đó cách lề đường không xa,cho nên,khi chiếc Xích lô chở ba người chồm tới nằm trong tầm nhìn của chị .Một người đàn ông ốm với da mặt xanh mét tay ôm một chiếc chiếu,một túi đồ bước chậm xuống,một người đàn bà có thai,bụng đã nhô cao tay nắm dắt thằng con trai cỡ ba tuổi cũng giống như cha mẹ nó, ốm sát da.
 Người vợ lại đứng sát sau lưng chị Lang.
 “Đồng bệnh tương lân,đồng khí tương cầu “ trong trường hợp này không có câu nào diễn đạt được hay hơn nữa !
 Người phụ nữ mới đến tự cho biết quê quán ở Vĩnh Kim,ông chồng bị lao phổi khá nặng,họ lên Saigon xin nhập viện ở viện bài lao Hồng Bàng.Ở đây khá lâu mà không dứt bệnh.Cho nên họ biểu xuất viện về địa phương .
 Cùng đường rồi,nên tính vô bịnh viện này,nếu họ nhận chữa trị thì cũng có một người được ăn cơm thí.
 Thằng nhỏ nghe tới ăn la lớn lên đòi ăn với mấy tiếng đói quá,đói quá!
  Cường độ khóc la của nó càng lúc càng lớn hơn,lẹ hơn!
  Chị Lang đã lãnh thuốc xong,tiếng khóc la vì đói của thằng nhỏ làm cho chị bấn loạn đầu óc.Chị tức mình (?) cho cặp vợ chồng kia; thân đã bệnh,một đứa nhỏ đã lo không xong,mà giờ lại bầu bì thêm nữa…
 Tiếng khóc của thằng nhỏ không ngừng ,đôi mắt lúng túng của cha lẫn mẹ nói láo liên nhìn chung quanh với lo âu thấy rõ.Chị Lang thờ tay vô túi áo bóp nhẹ rồi buông ra tờ giấy tiền năm trăm đồng mới lãnh hồi nãy, ít ra cũng bốn lần.
   Chị nhăn mặt,nhíu mày như có điều gì hệ trọng lắm.
  Sau cùng như đã quyết định xong việc gì đó chị xây qua
  mạnh dạn chào từ biệt người đàn bà có thai kia.
  Chị bước lẹ chân như bị ai đó rượt trên đường về.Qua vừa khỏi trường Nguyễn đình Chiều,chưa tới đường Ngô Quyền,như một người lính đã học xong bài cơ bản thao diễn,một cách hết sức bất ngờ,chị ra động tác “ đằng sau quây!”.
 Chị đi như chạy,lòng chị không còn tức mình cho hai người nghèo tận mạng mà còn không biết lo,lại để có bầu bì  nữa.Chị chỉ biết thương và cảm nhận cái đói cồn cào đang hành hạ cái bao tử của thằng nhỏ mà thôi.
 Chị gặp người chồng đang tìm chỗ trải chiếu,chị vợ cho biết đã được nhận cho nằm nhà thương và thằng nhỏ vẫn khóc la không nhân nhượng.
 Chị cầm năm trăm tiền công mà chị nhận được để chị và con dùng nó mua được một ổ bánh mì không hoặc năm sáu củ khoai lang hay khoai mì để ăn trong ngày hôm nay.    Chị nắm lấy bàn tay  người mẹ đứa nhỏ,chị để gọn tiền trong lòng bàn tay , rồi nói như hơi thở :
  Tôi có bi nhiêu đây hà,chị lấy mua bánh trái gì cho nó ăn đi nhen.
    *****
  Tôi có thói quen là hay cất giữ những Coupon ở các nhà hàng như Burger King,Jack in the Box,Carl’s Jr..mà người mình hay gọi là phiếu giảm giá.
  Giá tiền họ bớt xuống ,trước khi mua mình đưa coupon cho người tính tiền.
 Tiền giảm giá từ phiếu giãm là con số không coi thường được !
  Tôi có con số chính xác giá tiền của một phần ăn sáng với :- Hai bánh Croissant dồn trứng chiên với Cheese hoặc Ham ,một hộp Hash browns (khoai Tây cắt nhỏ bằng ngón tay cái người lớn chiên dòn cho thành màu nâu nhạt),một ly cà phê.
  Tất cả,người mua phải trả luôn thuế là US$3.37 .
 Đây là thời giá của 2019,là năm bắt đầu dịch Tàu Wuhan à nhen .
  Thông thường,tôi ăn món khoai Tây chiên giòn trước,bởi món này phải ăn nóng mới ngon và không bị mặn,nếu để nguội.Trong lúc thưởng thức..món ăn đầu ngày,một chút  sau tôi ngừng lại dùng mũi hít lấy mùi cà phê nóng phỏng môi rồi hớp nhẹ .Tới đó thôi,bao tử của một người cao niên đã lưng lửng rồi,trong khi mùi “bơ “của bánh lẫn với trứng chiên nữa ,cho nên nếu không cầm lòng (thèm)không đặng  cắn nhẹ khúc..sừng trâu của cái bánh thì biết lý thú của đời sống ở đây như thế nào.
   ******
 Tôi không mắc cỡ mà dấu với quý bạn sự thích thú mỗi khi nhận được trong xấp quảng cáo mỗi chiều thứ Năm.Tôi không trông ngóng thư tình với cái tuổi này,mà ngay lập tức lục tìm quảng cáo của hiệu Burger King !
  Có lẽ tôi thích cái không khí ở hiệu ăn này.Nó không quá ồn tiếng nói,tiếng động như ở Mc Donald
nó không vắng lặng tới buồn hiu như ở các hiệu ăn khác,không phải do bán ế mà vì đa số khách hàng ngồi trên xe mua rồi chạy đi luôn.
  Vì vậy,như lệ thường, tôi đến hiệu ăn quen thuộc gần nhà với phiếu giảm giá được dùng kéo cắt cho nó ngay ngắn.
  Chắc không cần mô tả thêm bớt gì về bữa ăn buổi sáng thịnh soạn của tôi,sau khi tiền trao bánh nhận .
  Tôi vừa đặt cái mâm đựng thức ăn xuống,từ cửa một thanh niên kéo cửa xăng xái bước thật lẹ vô và kéo ghế ngồi bàn kế bên tôi.
  Anh ta không hề ngại khi nhìn chẩm chập vô mâm thức ăn của tôi,một chút ,rồi nhìn tôi với đôi mắt vừa háo hức vừa cầu cạnh.
   Có kém thông minh cách mấy tôi cũng biết chú em này muốn gì .
   Tôi ra dấu hỏi chú có muốn tôi “Share”(ở đây người ta hay nói tiếng này) với chú không .Chú gật đầu,tôi ân cần trao cho chú cái bánh .Chỉ vậy thôi !
  Thú thật ,tôi không hề tiếc phần bánh tôi chia cho chú em vô gia cư đó.Ngay trong mấy phút ấy,thâm tâm tôi chỉ muốn thoải mái hưởng vài chục phút của một buổi sáng được nghỉ ngơi để ăn uống ngon ,trong cái không khí an lành mà cả quãng đời dài tôi ít khi có được.
  Tôi muốn cho chú phức cái bánh ấy cho rồi để tôi “được “ yên mà ăn sáng .
  Tôi ra về,tìm một khu yên tĩnh,đậu xe rồi tự mình với mình trao đổi với nhau về câu chuyện mới tức thì đây :
 -Tôi không hề tiếc về món cho mà tự giận lòng,hễ làm ơn thì cho trót.Tại sao không bước lại quày tính tiền xin thêm một cái ly giấy nữa chia cà phê rồi chia phân nửa khoai tây chiên?
 -Thật sự bản thân mình ,hành động chia món ăn vừa rồi lòng thương người của tôi  là bao nhiêu ( nếu tính bằng 10,là con số cao nhất ).
 -Có phải vì bực mình vì bị xáo trộn nên cho quách đi cho rồi ?
 -Cho để mình yên ổn ăn vậy thôi ?
Tôi giải đáp cho tôi :
  Thái độ lúc cho ( Cách cho ),tôi cười với thái độ thông hiểu.Nếu tính thành điểm ,chỉ được ba.
 Bảy phần mười còn lại là Tâm của tôi vẫn chưa thật sự thương cảm hay xúc động đến những đói lạnh của đồng loại.
Xem bộ bảy phần mười còn lại để viết cho tròn hai chữ bác ái không phải là dễ!
         • Tặng người vợ có tâm lành ,mà cho đến giờ nầy tôi vẫn cố học theo : Nguyễn ngọc Lang.
H3.+Phạm huỳnh Ngân.
phạm.h.ngan@gmail.com 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

KHÔNG CÓ ,CÓ KHÔNG..MỘT VÒNG TIẾN HÓA!

KHÔNG THẦY,ĐỐ MÀY LÀM NÊN ?!.(Cổ nhân truyền khẩu).