SỢ.


         Quan sát thật kỹ,trên khuôn mặt của từng người ở trong ảnh trên đây,mỗi người dù trẻ hay già, ánh mắt nhìn xa hướng về trước với lo toan cho những biến động khác không biết lành hay dữ hơn ,cũng như tai ách gì sẽ còn tới nữa.Cho dù trên toàn khuôn mặt ấy hiện lên một nét sợ.Sợ đạn,sợ pháo kích,sợ lọt vào vùng giao tranh,bị giặc bắt bớ…
  Không biết tên tác giả của bức ảnh,nhưng chắc chắn đã được chụp vào thời cao điểm của cuộc chiến, xin được phép được đăng lên đây.Cũng như hai tiếng cám ơn.
                                       o0o

   *
  Sợ của tuổi thơ là tự nhiên,dễ thương  và nếu không có lời giải thích thỏa đáng từ phụ huynh,sách vở và một vài trợ lực khác;sợ sẽ đeo theo đứa trẻ rồi tới lúc trưởng thành .
   Ngược thời gian,độ hơn 70 năm về trước,ở vùng thôn quê,đồng ruộng của những quốc gia chậm tiến nghèo khổ ,điện vẫn là điều xa xỉ nằm ở trong mơ ước của thật nhiều người.Bóng tối khắp nơi vào lúc đêm về.Đa số vẫn chưa biết Radio là gì,cho nên những câu chuyện truyền khẩu dài ngắn,hay dỡ đều từ miệng của người lớn có khoa kể chuyện mà ra.
 Chuyện ma,thường được kể lúc trời sụp tối ,không có đèn ,mà nếu có ngọn đèn phải được chỉnh ở vị trí thấp nhất.
 Những câu khởi đầu từ một người kể có thể có ba hay năm đứa trẻ xúm lại cùng nghe.Thường, ban đầu chúng ngồi nằm rời rạc nhưng tới lúc ma hiện hình thì hầu hết bọn trẻ đã trùm chung một cái mền,không biết từ lúc nào.Từ đó cho đến khi hết chuyện,đứa yếu thế bị hất dần dần ra bìa mền và đứa lấn chiếm được vô trong .Chu kỳ đó diễn ra liên tục trong lúc nỗi sợ của đám thính giả càng lúc càng tăng và hành động giành giựt để.. nằm giữa cho đỡ sợ có khi gây nên cải vã chỉ vì sợ !
  Có nhiều đề tài về ma tùy theo trí nhớ và “nguồn “cung cấp dồi dào hay ít ỏi cho những người kể chuyện.Từ chuyện người treo cổ chết trên cây Đa ở ấp gần chợ,xác chết với hai con mắt lồi ra,mặt xanh như chàm mỗi khi trời mưa lâm râm vào lúc trời sập tối hiện ra ra kêu khóc.
 Chuyện dưới sông có những con “Ma Da “, có khi lên bờ ngồi gặp người đi gần tới nhảy xuống  nước để lại một vũng nước nhớt.Từ đó ,có khi lần qua chuyện thằng A,con B gì đó tắm sông bị..Ma Da hay Hà Bá đó kéo xuống cho chết chìm!
 Chuyện những “sân mã “ (khu đất dùng để chôn cất người chết trong dòng họ/ nơi thành thị gọi là nghĩa trang,nơi khác gọi là nghĩa địa) có nhiều bụi chuối lá khô rũ xuống trong những đêm trăng non tạo ra hình thù như có năm ba người cùng đứng gần nhau cũng làm cho những cái đầu óc non nớt tưởng tượng ra như có người hay bóng dáng kinh dị lại làm cho cái trí tưởng tượng của đứa trẻ bị phóng đại lên.Đương nhiên,mức độ sợ hãi của đứa trẻ sẽ được dịp gia tăng .
  Sợ giảm theo tuổi đời tăng của người,cùng với một số lý do.Đó nói về sợ ma,sợ tối tăm,sợ sông nước,sợ rừng rậm núi cao,sợ hoang vắng,sợ không có người ( hay vật dụng,thú vật).
  Dù mê say nghe kể chuyện ma để…sợ.Đó là cách “tìm sợ một cách tự nguyện “ của đứa trẻ.
  Ngoài ra,một đứa trẻ từ lúc biết nghe,biết nói,nó còn bị vô số lời hù,dọa của người lớn đã cấy vô đầu,vô trí tưởng tượng ngây thơ rồi ám trong đó khá lâu.
 Không riêng gì ở thôn quê,nơi ánh sáng văn minh chưa chiếu rọi khắp nơi,cùng trình độ hiểu biết chưa được nâng cao,cho nên hù dọa trẻ thơ còn khá phổ biến .Thí dụ,về đêm đứa trẻ khóc la có thể vì lý do nào đó.Cha mẹ nó dỗ dành lâu không được,người ta sẽ dùng đến biện pháp đe dọa để đứa trẻ sợ rồi nín.Biện pháp này có khi hữu hiệu và cứ như vậy những “Ông ba bị,bà già ăn thịt con nít nhõng nhèo kìa….”đeo theo đến độ nó tưởng thật.
 Đương nhiên ,những nhân vật giả tưởng đó đứa trẻ bị dọa ấy tới lớn,tới già cũng không bao giờ gặp nhưng ít ra việc hù hap ấy nhất thời cũng thu thập kết quả.
   **
Học đường là nơi mở ra tầm nhìn và cũng là nơi tạo nên kiến thức nhằm trang bị cho những đứa trẻ ngờ nghệch hôm nay ,nhưng tương lai sẽ trở nên những cây đuốc sáng tỏa .Đó chính là những người sẽ khai lối mở đường cho sự hiểu biết  sự tiến bộ của đồng bào,của đất nước họ trong tương lai và đóng khép lại những u mê,dị đoan tăm tối của thời quá khứ.
  Trường học,với nhiều môn học từ từ từng ngày,từng năm đưa các loại kiến thức phổ thông vào óc đứa trẻ theo cách từ thấp tới cao .
 Học đường,đưa những kiến thức vào đầu óc mỗi đứa trẻ bằng từng môn học thực dụng.Đồng thời ,mỗi một môn học đã được chứng minh bằng khoa học .Học đường không dạy các môn học trừu tượng,hư cấu mà không chứng minh được.
 Vì lý do đó ,trung bình một học sinh ra hết bậc tiểu học rồi thì những lời đồn đại về người…đánh lộn với ma hay người bị “ ma dấu với miệng bị nhét đất “ không còn khả năng làm cho đứa trẻ (đã khôn lớn,với trí óc đã mở mang )tin dễ dàng được!
   ***
 Xin nói cho rõ,có nhiều loại SỢ ở trong đầu của một người và cũng không phải học cao,hiểu rộng là đã hết sợ hay không biết sợ.
 Nếu phân loại sợ,e rằng danh mục về cảm xúc này sẽ dài lê thê.
  Có người sợ tiếng chim Cú kêu đêm,tiếng Mèo động tình rượt đuổi gào ngoài hè ,có người sợ những cơn giông gió tạo ra những tiếng khua từ các thân cây tựa vào nhau.
  Sợ những cơn thịnh nộ của thiên nhiên như động đất ,sóng thần,núi lửa,bão lụt,cuồng phong và cả…sấm sét thì cũng không có gì là lạ .Bởi ,con người trước thiên nhiên lúc nào cũng chịu nhận mình nhỏ bé,mình sống hay chết là do thiên nhiên quyết định.Cho nên sợ trong các trường hợp đó người ta cho là bình thường và cũng không mấy ai có ý nghĩ rằng,mình quyết không sợ sét đánh trong lúc đang đi ở ngoài đồng vắng khi nhìn lên không trung thấy hàng trăm tia sét dọc ngang kèm liền theo đó rền vang hàng trăm tiếng sấm kinh thiên động địa.
  Nếu nói thiên tai làm cho người khiếp sợ rồi chì lo  thụ động chống đỡ chỉ để mong giữ lấy sinh mạng của mình và tìm cách giảm thiểu càng nhiều càng tốt thiệt hại chứ không cách nào để chống chọi lại với tai họa do thiên nhiên giáng xuống .Người ta chỉ tiên đoán được bão cấp mấy và hướng đi sắp tới của nó chứ không có cách nào chống cự hay hóa giải được cơn bão .
 Cho nên sợ trong những trường hợp vừa nêu trên hợp lý và cũng không mấy ai dám cười chê.
 Sẽ không một ai cười một phụ nữ có chiều cao 1 mét 60 gặp người đàn ông cao một mét 95 nặng 185 ký dọa tấn công liền tốc chạy .Cái sợ ấy rất bình thường theo luật thiên nhiên:- Sợ để sống còn !
     ****
 Có nhiều cái sợ trái ngược lại những dẫn dụ vừa nêu trên.
 Một người ( thường là giới nữ ) gặp con sâu Rơm hay sâu Đo hoặc con Trùng là mặt đổi sắc xanh,môi nói không ra lời hay la ó tìm chỗ tránh …có khi một thanh niên to người lớn xác gặp con chuột nhắt bằng ngón chân cái của người ta ,anh ta  la thét nhảy lên ghế hay giường ngồi xổm thở không ra hơi !
 Sợ tối cho nên nhiều người chiều về là đã để sẵn đèn đêm.Sợ ở nhà một mình sợ trèo lên cây cao.Sợ đi qua những khu vườn hoặc lùm bụi um tùm,vắng lặng…
 Còn loại sợ nữa hơi thi vị là sợ cô đơn !
  Đây là cái sợ của những người đàn ông giàu có và có khi phải trả với giá cao .
   *****
Loài người luôn cầu tiến,cho nên sống trong nỗi sợ không phải là giải pháp họ chọn lựa.
 Tập thể dục cho mệt,tập võ thuật để tự tin,để can đảm vượt qua rất nhiều trở ngại trong đời sống hằng ngày ,một phần do những nỗi sợ vô hình nhưng tác động mãnh liệt.Ý chí mạnh mẽ có nhiều trong cơ thể một người dẻo dai chịu đựng.Các môn Yoga,khí công cũng luôn luôn có lợi để những ai có thể chất yếu đuối nương vô nó để đùa những nỗi sợ mông lung,vô lý qua đi.
  Hiểu biết,được sống trong thế giới văn minh với tiện nghi cùng ánh sáng chan hòa có nhiều nơi trên mặt đất này.
 Các phương tiện để học hỏi,để giải trí thường không vượt quá xa tầm tay của người dân bình thường nhưng xem ra ,sợ vẫn còn tồn tại,sợ cũng còn đeo bám theo nhân loại .
  Tôn giáo,xưa nay người vẫn cho là cứu cánh,là ngọn hải đăng trong đêm đen dẫn đường soi lối cho con người trong những khi họ hụp lặn trong bể trầm luân mà SỢ chính là nguyên nhân.
 Lẽ tất nhiên,tôn giáo được đề cập đến ở đây là các tôn giáo chánh đạo,giải thích được cái gì là tà,cái gì là chính  Tôn giáo đúng nghĩa là hướng dẫn,phân biệt được thiện với ác.
  Người ta tin được,những chánh giáo đúng nghĩa là đề cao yêu thương,tha thứ,hòa hợp với nhau và,quan trọng hơn hết là giáo lý,giáo pháp của các tôn giáo phải thỏa mãn được những vấn đáp về nhu cầu tâm linh của tín đồ mới có câu giải đáp rốt ráo về tiếng sợ ,vốn đeo đẳng theo loài người quá lâu rồi.
       ******
Trở về với chính mình.Một mình mình trong ánh sáng chan hòa hay bóng đen mịt mù và,đặt hết lòng tin nơi tôn giáo mà mình chọn,mình bám vào như người ta nương theo ánh đuốc soi đường trong đêm đen .
  Thuốc giảm đau ra đời đã làm cho nhiều người mừng vì nhờ nó tạm yên trong khi chờ vết thương lành.Thuốc an thần giúp người mất ngủ nhưng cho đến giờ này,thuốc sợ vẫn chưa ra đời!
 Ở nước Mỹ,có một nhóm người họ mở ra những khóa học để…hết sợ  với lệ phí thật cao.Cũng có người theo “học “.Kết quả chưa thấy công bố hay thống kê được.
         *******
  Tôn giáo!
 Phải đến với tôn giáo bằng cửa chính bằng cái TÂM mở rộng để nhận trọn các lời giáo huấn quý đấng giáo chủ đã thành đạt trên con đường tu tập,hành đạo và thành đạo.
 Đi theo dấu từng bước chân của các Ngài để loại trừ những cái sợ vô căn.
 Bởi,
Nếu người ta diệt bỏ hết sợ ,e rằng xã hội cũng chưa được an lành.
 Cho nên,một cái sợ quan trọng ,cao quý và rất cần thiết là biết sợ nghĩ trong đầu điều ác,sợ nói ra và sợ làm việc ác.
 Nỗi sợ ấy đáng trân trọng cũng như nhắc nhở.
  Một kẻ không biết sợ tội lỗi khi mình ra tay làm việc ác cũng là một điều hết sức đáng sợ cho an nguy của loài người.
   ********
   MÌNH hòa làm một với niềm tin ấy,chắc chắn những nỗi “Sợ “ tự trong nội tâm sẽ khép nép lỡn vởn từ xa ,quan sát  rồi tới lúc mờ nhạt như khói nhu như sương.
Phạm huỳnh Ngân.
Email:phạm.h.ngan@gmail.com 
  


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

KHÔNG CÓ ,CÓ KHÔNG..MỘT VÒNG TIẾN HÓA!

KHÔNG THẦY,ĐỐ MÀY LÀM NÊN ?!.(Cổ nhân truyền khẩu).