ĐÔI GIẦY CŨ .

Tôi chỉ nghe người ta kể chuyện có một thanh niên nhà giàu ở Saigon về xứ tôi cưới vợ bận “đồ lớn,cổ (thắt Cravate),chưn mang giày Tây “ đen thui,bóng lộn..

 Nghe vậy thôi,chớ chưa tận mắt thấy.

Người ta còn nói người đó đi ngang qua mấy cây cầu bắc qua mương,qua rạch thiệt là hay.Anh ta vừa đi vừa chạy bằng hai chiếc giày nằm ngang với cây cầu mà không lọt,không té xuống mới là kỳ tài chớ

  Vùng quê,đôi guốc Dong có quai làm bằng miếng nhựa loại trong ,đóng dưới mấy ngón chân,ở một phần ba chiều dài của đôi guốc.

Guốc ở thôn quê, chỉ để khi sắp lên giường ngủ người ta mới đi rửa chân rồi mang.Guốc cũng được mang đi đám tiệc,đi ra chợ tỉnh vào  mùa khô ráo.

 Cho nên ,đôi giày nó xa lạ lắm với những ai ít có dịp tới lui chốn thị thành.


            Có những đôi giày cũ mèm,
             Rách nát…đôi khi mang lại 
              Vừa ý hơn đôi mới mua về.
Ở vùng miền Tây,lục tỉnh vào thời kỳ những năm cuối của thập niên 50’ dù người Pháp (người dân vẫn kêu là Tây)đang dần dần rút lui khỏi vùng đất thuộc địa nhưng ảnh hưởng về ngôn ngữ của họ đối với người dân bị trị vẫn còn khá sâu đậm.
Thời ấy,đôi giày da màu đen hay nâu được đánh bóng lộn được gọi là giày Tây,nhạc sập sình không phải tiếng đàn Kìm,đàn Co đàn Gáo . và những nhạc cụ không phải của ông bà mình chế tạo ra ,thí dụ như kèn Saxo hay kèn Clarinet là người ta gọi là nhạc Tây không cần biết của ,của Hoà lan hay Tây Ban Nha…Kể cả đàn ông không mặc đồ Bà Ba tức là bận..đồ Tây. Còn phụ nữ mặc,không phải áo dài hay quần cộc áo thô thì…là áo Đầm !
 Cố tổng thống Ngô đình Diệm là người yêu nước  ,một người không muốn văn hóa nước nhà bị băng hoại,cho nên những tiếng thô thiển lai căn dần dần được nghành giáo dục thay thế.
 Thời ấy,những câu nói thanh tao người ta dùng đàm thoại với nhau .Bây giờ hai tiếng Âu-Mỹ dần có chỗ đứng .Thí dụ hiệu may đồ Tây giờ thành hiệu may Âu phục ,nhà thuốc Tây khi trước nay là hiệu Âu Dược …và người ta gần như cố tránh mà dùng hai tiếng có tính cách chung chung bằng cách là dùng tiếng gộp lại chung là Tây phương hay Âu Mỹ .
*
  Năm 13 tuổi,tôi rời hẳn quê nhà tới chốn phồn hoa thuộc hạng nhứt ở miền Nam Việt Nam : Thủ đô Saigon .
 Ngoài thủ đô chánh trị,nơi đây còn có đủ mọi thứ tập trung ,trong đó,đương nhiên có thời trang áo quần giày dép !
 Năm đó,tôi chưa đến tuổi được mang giày đen ( dù không có luật cấm), có cột giây đánh bóng như chuyện người đi giầy chạy qua cầu khi trước.Bac tiểu học và hai ba năm đầu của trung học chỉ được mang Sandal hay dép da,dép nhựa mà thôi.
**
   Ngay ngày đầu tiên bước vô lớp đệ Thất trường Vo trường Toản,Thành và tôi đã kết thân với nhau vì có nhiều tánh ý thích hợp.
  Nó ở Hải phòng vào Nam không phải bằng tàu há mồm của Hải quân Hoa Kỳ mà thân mẫu nó dắt nó từ Pháp qua thẳng Saigon.
  Không tò mò,cho nên tôi không hỏi han thêm về chuyện di cư của nó.
  Có điều,từ đầu lớp đệ Lục,công tử Thành lúc nào cũng mang giày,mà mỗi đôi là một kiểu mới,lạ và đẹp .
  Nó cho biết,người anh cả của nó là chủ nhân của hiệu giày Gia ở Tôn Đản quận Tư.
   Về sau,tôi được biết đô thành thời ấy có ba hiệu đóng giày trứ danh là Gia,Long và Trinh .Trong số đó có hiệu của anh nó.Vì là em trai út,nên anh của nó rất hào phóng cho thằng em trai những đôi giày thời trang và bắt mắt .
  Thành và tôi thân nhau và cũng có lúc cãi vã đến độ đấm nhau rồi vui vẻ huề nhau!
 Tôi cũng không mắc cỡ gì để dấu chuyện thằng Thành đã cho tôi những đôi giày nó chán hoặc không thích nữa .Tất nhiên khi ấy tôi đã tự nói “Cũ ( của người) mới ta!).Mà thường thì những đôi giày Thành loại ra cho tôi vẫn còn như mới.
 Nhờ Thành cho mấy đôi giày đắc tiền đó,về sau này tôi mới biết sự khác biệt khá xa giữa những đôi “giày hàng “ (tức là loại mua rồi mang,miễn vừa chân)và giày “đóng “ ( phải được đo lấy ni tấc)như thế nào.
Cho đến khi không còn ở thủ đô nữa,khi về tỉnh mấy đôi giày đó tôi còn mang lâu.Ít ra cũng đến ngày nhập ngũ,nơi nhà binh những thứ gì của dân sự không được bén mảng!
 Dù không được “mang “ theo với chủ nhân nhưng nó ở lại nhà vẫn được ấm êm nằm ở một nơi kín đáo nào đó trong mái nhà và,lẽ đương nhiên nó sướng hơn người chủ của nó gấp trăm lần.
***
 Sau cuộc đổi đời, không phải tiếng đổi theo nghĩa bình thường như chúng ta đã hiểu.Đôi được hiểu theo nghĩa trong trường hợp của một người hay một quốc gia bị kẻ khác chiến thắng,người thua bị khuất phục và quân thắng ngoài hành động cai trị đời sống đi đứng,ăn ở của người thua mà,họ còn cao vọng kiểm soát cả tư tưởng của người bên phía bại trận nữa.
  Họ đã làm cho người ta sợ ngay từ đầu.
  Cho nên,nói không quá lời, những đôi giày bóng lộn của nam giới và những đôi guốc cao một tấc mốt do hiệu đóng giày,guốc nổi tiếng Dakao cùng với vô số Âu Y phục đẹp đẽ,sang trọng phải được dấu kín,gói kỹ.
 Nhân nhắc hiệu guốc có tên tuổi là Guốc Dakao.
 Trước ,họ đóng guốc cho phụ nữ với tiêu chuẩn đẹp,bền và nghệ thuật.Từ những đôi guốc gót hơi cao hơn phía trước ức bàn chân bình thường,dần dần theo đòi hỏi của khách hàng,đôi guốc ( gọi giày cao gót cũng được )đã được nâng lên với chiều cao gót của guốc trung bình là mười một phân với những trang trí y như các loại giày của phụ nữ phương Tây.
 Họ sợ!
 Họ “sợ “ tự nguyện ,kể cả những con mắt soi mói tình cờ mà không chuyên nghiệp nữa!
 Đó cũng là lý do ,từ ngày “Đời bị đổi “đó,hầu hết người dân mang lại dưới hai bàn chân bằng những đôi dép nhựa.Dép nhựa,nếu là làm bằng loại nhựa dẻo PVC lần đầu thì xài bền nhưng giá mắc,không vừa túi tiền cho người thuộc giới bình dân.
 Cứ “tái sinh “ hay dép được làm từ những bao nylon đen đã qua nhiều lần…chết đi sống lại,cho nên một đôi dép “mới tinh “ vừa ra khỏi tiệm đi một vòng về tới nhà rồi phải lấy dây kẽm xỏ qua léo lại!
  Thời ấy ,đầu những năm 80’ ,dép Sa  Bô đế cao ,da đẹp của đàn ông ra đời.Đôi  dép cao cấp đó xuất hiện,thị trường tạo thêm khoảng cách giai cấp  trong xã hội, bởi giá thành của hai sản phẩm giữa da thuộc và nhựa tái sinh cách nhau rất xa.
 Cho tới khi tôi tìm đường chạy thoát thân đôi giày …Tây vẫn còn hiếm thấy ở nơi chân của những người dân đen đang lặn  ngụp mong được sinh tồn với khoai sắn bo bo…
 Những đôi giày Tây nó có mà ở tận nơi đâu xa lắm,Ba Đình Hà Nội hay những nơi thuộc về nhà nước,kín cổng cao tường.
 ***
 Suốt thời gian mười ba tháng 17 ngày ở trại tị nạn,tôi được phát đôi dép Nhật để mang.Có khi chợt nhớ những đôi dép mòn được vá đi vá lại nhiều lần mà thương cho quá khứ đen thui của mình và những họ hàng bè bạn còn lại phải gồng mình gánh chịu những khổ sở,nghiệt ngã của kiếp người đã mất đi Tu Do , vốn là điều cao quý nhất.
 Tôi tới Mỹ quốc với tâm trạng lạc quan ,cứ đặt tin cậy và tin rằng sản phẩm nào Made in USA là phải trên chân nước khác,phải ngon lành hơn thiên hạ.Tôi quên mất câu tiền nào của nấy mà người mình hay nói.
 Tôi lựa bia,thuốc lá về uống,về hút loại rẻ nhứt.Lại còn nói cho đỡ mắc cỡ với mọi người rằng,đồ  Mỹ làm có dở cũng hơn đồ dỏm,đồ nội địa nhiều!
Có thể tôi đúng vài phần nào đó nhưng khi bước vô hiệu bán lẻ Kmart ngồi lựa một lúc giày của trẻ con mới vừa với cỡ chân số 6 của tôi với giá tiền chưa tới tám đồng !
 Tôi chọn nó,vì rẻ mà không cần phải cột giây.Chỉ cần dán lại là đi đứng vững chãi hơn đôi dép nhựa tái sinh gấp nhiều lần..
  *****
  Phải đến hơn hai năm sau,những đôi giày lần lượt bị vất bỏ,tôi mới biết hậu quả của cái thói tiện tặn quá đáng của tôi !
 Khi hai gót chân của tôi không thể đứng vững được nữa vì đau ,tôi phải gặp bác sĩ bộ khoa.
 Vị bác sĩ hỏi han các thứ,rồi sau cùng hỏi tôi làm nghề nghiệp gì.
 Thật tình cho ông biết tôi làm nghề lao lực và đứng hoàn toàn trong lúc làm việc.Có khi tám,có khi hơn mười tiếng đồng hồ một ngày !
 Ông chích cho tôi một mũi thuốc ở mỗi gót đau thấu mây !
 Ông thật tề chỉnh hỏi tôi mang giày hiệu gì,giá cả độ bao nhiêu một đôi.Tôi trả lời đúng theo sự việc.
 Ông nói,anh có thể tiết kiệm việc gì khác,chứ đừng bao giờ hà tiện khi mua giày dùng mang để làm việc.Nhất là nghề như anh. Bởi anh đứng cả ngày ,sức nặng của cơ thể và anh phải dùng sức để làm việc,nó dồn hết xuống hai bàn chân của anh.Cho nên,hai bàn chân của anh nó bị chịu nặng,đương nhiên đau bệnh  là điều bắt buộc phải sảy ra.
 Sau lần điều trị đó,thói tiện tặn quá đáng của tôi có giảm bớt nhiều.
 Quả thật,những đôi giày mới ,đắc tiền đi vừa nhẹ lại vừa êm,mà lại bền nữa!
 Nhưng ,cái thói mặc áo cho tới sờn cổ,hở vai,cái quần muốn lòi chân ra mới chịu phế thải của tôi vẫn còn đeo theo một người tị nạn từ xứ sở nghèo khó.
 Đôi giày,tôi mang càng vừa ý chừng nào thì nó chịu khổ với tôi lâu dài chừng đó.Mỗi lần muốn bỏ lại tự nói nó còn xài được .Chỉ mòn đế thôi ,chứ có rách đâu…
  ******
 Thường thì một đôi giày tôi dùng chung để đi làm và đi bộ hàng ngày.
 Đôi giày như trong ảnh trên đáng lẽ nó đã được cho về hưu lâu rồi nhưng không!Cho tới ngày chót của năm 2022,tôi lại mang nó đi làm.
 Một cú té chưa chết,bị trặc chân nhẹ nhưng mà làm cho tôi thất kinh. Nhứt là ở cái tuổi nầy,có khi chỉ cần té nhẹ rồi sanh ra đủ chuyện.
 Lý do té ,là đế giày mòn  lẵng mòn lơ ,gặp nước có pha thuốc tràn ra sàn nhà…trơn.
Phạm huỳnh Ngân.
Phê bình,góp ý xây dựng,xin l/l :phạm.h.ngan@gmail.com 
 

                

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

KHÔNG CÓ ,CÓ KHÔNG..MỘT VÒNG TIẾN HÓA!

KHÔNG THẦY,ĐỐ MÀY LÀM NÊN ?!.(Cổ nhân truyền khẩu).