CHUYỆN KẾT KHÔNG CÓ HẬU.


Da mặt đen,khắc khổ với một số nếp nhăn chạy ngang qua trán.Một người đàn ông cao đang dùng tay nhúng  cái khăn cũ vô sô nước  gát ngang một dụng cụ có hình chữ T.Dụng cụ nầy,một phần có miếng kẹp  vô dây nhựa cứng  nối với thanh cây  có thể điều chỉnh dài ngắn được .
  Đó là dung cụ để làm sạch kính xe,có thể dùng ở những nơi  có tuyết rơi mà ,về đêm xe đậu ngoài trời thường bị phủ đầy.Người ta dùng nó để cạo sạch tuyết bám.Cho nên,cái "lưỡi" của cây cạo kính xe nầy thường làm bằng nhựa cứng,chứ không thể dùng nó để làm sạch kính ở những tấm kính to nơi các cửa hàng ở những khu thương mại được.
  Ông ta đang chùi  cả một dàn kính từ trước mặt tiền cho đến ngang hông của nhà hàng  bằng các dụng cụ hết sức thô sơ đó !
   Cũng phải mười khuôn kính khổ lớn với hai cánh cửa ra vào cần phải chùi cho buổi trưa hôm nay .
   Squeeze (dụng cụ ép nước),lưỡi bằng cao su mềm,có tay cầm với chiều ngang ít nhứt 4 tấc  cộng thêm một dụng cụ thấm nước làm cho sạch và trơn kính trước khi dùng đến dụng cụ ép nước để "Cạo" một chiều mà không được ngưng tay giữa chừng.
 Đó là các món đồ nghề căn bản mà hễ là thợ chùi kính Việt Mễ ,Mỹ chuyên nghiệp gì cũng phải có.
   Trong một buổi trưa mùa hè,chúng tôi ghé quán TK ở khu Lion ăn trưa bước ra và gặp vị trung niên có chiếc xe đạp dựng gần đó với mấy món  "đồ nghề" thô thiễn  đang vật vã,lay hoay  với mấy khung kính cao khỏi đầu của nhà hàng ăn Nha Trang.
   Không cần phải hỏi han,không cần phải đắn đo , tôi bước đến và tự giới thiệu mình là đồng nghiệp với nhau,tôi thấy ông  mới vào nghề gần như chưa biết gì về chùi kính hết.
  Tôi cũng cho ông ta biết trước rằng tôi tuyệt đối không có ý làm giọng kẻ cả hay người dạy dỗ mà chỉ đơn giản giải thích với thiện ý rằng mình cũng là người tị nạn được may mắn đến trước ,học nghề trước  và hành nghề nầy trước cho nên muốn hướng dẫn để người anh em của mình đến sau kiếm sống dễ hơn mà thôi.
 Và,cũng để cho ông  yên tâm,nghề chính yếu của anh em tôi hiện bây giờ là giặt thảm,chúng tôi chỉ chùi kính khi nào khách hàng yêu cầu.
  Người đàn ông trung niên vừa làm vừa nói nhờ tôi chỉ dẫn mọi thứ dùm ông vì,ông mới vừa chân ướt chân ráo từ trại tị nạn mới qua.
 Tôi lấy số điện thoại,địa chỉ của anh Hai (theo sự tự giới thiệu của anh) rồi tìm cách sớm nhất ra phố mua sắm một bộ dụng cụ chùi kính tương đối đủ và chuyên nghiệp  rồi trao tận tay anh ta.
   Độ nửa tháng sau,anh Hai gọi điện thoại cho tôi,anh nói anh hết sức cám ơn tôi đã giúp và chỉ  nghề cho anh  một cách hết sức chân tình  để tới bây giờ anh được "nở nồi" thêm lên với những khách hàng mới.
  Anh Hai còn đem  câu nói khá xưa và khá eo hẹp từ Việt Nam mình qua : Chú ơi ! Người ta nói " Cho vàng ,chớ không ai chỉ đàng đi buôn !".
  Tôi cười ngất rồi giải thích với anh Hai :
    -Anh Hai ơi! Ở đây không mấy ai dấu nghề đâu.Thứ nhất,trăm người bán,vạn người mua.Thứ hai , hầu hết các loại dụng cụ,máy móc,thuốc xài những nhà sản xuất họ đã chỉ rõ ngay ở thùng thuốc hoặc dụng cụ để xữ dụng hết rồi.Chỉ cần mình chịu khó đọc để biết mà làm thôi .
 Sau cùng ,anh Hai nói một cách nghiêm chỉnh là .."Tui mời chú và anh Tường,chiều thứ Bảy tuần nầy tới chỗ tui ở để anh em mình có dịp tâm tình với nhau.Tui nói trước,là chú với anh Tường đừng từ chối.Từ chối là mích lòng tình anh em mình đó!"
 Tôi biết ngay đó là một lời mời bằng tấm lòng chân tình của người ở miền Tây.Nếu như tôi từ chối mà không có lý do chính đáng thì người mời sẽ  bị va chạm tự ái nhiều lắm.
                                         oo0oo
 Anh Hai cùng vài người nữa cùng ở chung nhà,ai nấy đều vui vẻ tay bắt mặt mừng với anh Tường và tôi.Anh Hai cứ lặp đi lặp lại tôi là ân nhân,là người không thể nào quên được.Tôi hết sức ngại  nhưng không làm sao chận được tiếng nói của một người đang cao hứng.
  Nơi ở của anh Hai ngay trung tâm của người Việt .Khu đường Senter và Lewis.Đó là một căn nhà liền vách,bốn căn một dãy,tiếng Mỹ họ gọi là Townhouse.
  Sau cuộc tiệc,trước lúc ra về,anh Hai nắm tay tôi dắt đi,chỉ và nói chỗ anh ngủ là đây nè chú.
  Đó là nơi đặt máy giặt,máy sấy của căn nhà.Từ đó,sẽ đi qua nhà chứa xe rồi ra phía con  đường ở đằng sau .Phía trước,có cánh cửa bước ra sẽ là nhà trên với phòng khách,bếp và các phòng ngủ.
   Tôi tỉnh hẵn ba cái bia bọt đã uống nãy giờ rồi ngay lập tức tự nói rằng mình là người quá sung sướng nếu so với người anh này.
   -Chỗ nầy,nếu cả hai cánh cửa  ban đêm trời lạnh hay trời mưa đều khép lại thì làm sao đủ cho anh nằm ?
   -Anh nằm xéo một chút thì được,cũng còn sướng hơn ở tù ngoài Bắc gấp chục lần chú à !
                                    ****@****
Không lâu sau,anh Hai gọi báo tin cho tôi anh đã có việc làm ở một hãng chế tạo những trái banh cao su có gai tựa như trái lôm chôm làm đồ choi cho con nít.
  Anh không quên nói cho tôi mừng dùm anh là anh có việc làm yên ổn ,lương chình hẵn hòi cho nên bớt đi phần nào lo âu về tài chánh ở quê nhà.
  Hình ảnh một tráng niên đầu bạc hoa râm đạp xe với dàn đồ nghề chùi kính sắp xếp gọn ghẽ ngược xuôi từ Senter ra trung tâm thành phố hay Lewis  Senter-Tully ghé qua những hàng  tiệm người Việt lau chùi sáng loáng những khung kính khá quen thuộc cho những ai ở San Jose vào thời từ 1989-1996.
  Giống như đa số người tị nạn anh Hai cũng cố gắng,cũng háo hức học và thi nhập tịch để làm công dân Hoa Kỳ.
 Anh đã đậu ngay kỳ thi đầu cho quốc tịch và anh đã đậu bằng lái xe sau lần trượt vỏ chuối thứ chín ở nha Lộ Vận !
  Có một lần ,anh cho biết,anh đã lấy bằng lái xe của quân đội cấp hồi...còn thời Pháp lận !
 Không ai biết số phận chiếc xe đạp vòng đường kính của bánh xe bảy trăm đã cơ cực vài năm với anh Hai trong những ngày nóng chảy mồ hôi cũng như những ngày đông về giá buốt,trên những nẽo đường loanh quanh thành phố ,giờ đã được về hưu ở đâu.Có điều,giờ đây anh Hai,sắm được chiếc xe của Mỹ chế tạo kiểu Wagon station,chở dư thừa mà còn thêm cây thang độ thước rưỡi để trèo khi gặp những tấm kính cao.
   Sáng ngày 20 tháng 3 năm 1990 tôi gọi điện thoại  mời anh Hai chiều hôm đó độ 6 giờ đến chung vui với tôi.Tôi cũng cho anh biết ,tôi muốn anh có mặt trong cuộc tiệc đó thứ nhứt là đưa tiễn con tôi và ba người bạn của nó sáng ngày mai bước vào ngưỡng cửa quân đội,thứ nhì tôi biết tính của anh hễ uống ba ngù vô là vỗ tay bồm bộp hát năm ba bảy bài hùng ca để cỗ võ cho đám trẻ sắp sửa xa rời mái ấm gia đình.
  Không ngần ngại một phút,anh Hai nhận lời và những lon bia chia tay trong chiều tối hôm ấy tràn đầy những bài hát của một quân đội chỉ còn lại bóng mờ, đốc thúc cho những chuẫn tân binh của một quân lực lẫy lừng !
  Anh Hai vui có một ngày vui hiếm thấy ,cho đến say khướt vẫn không quên..."Ta Biệt động quân , danh lừng bốn phương!.."
 Sau bữa tiễn đưa con trai của tôi với ba người bạn của nó,anh Hai bước vào thời kỳ hết sức bận rộn.Năm ngày trong tuần anh phải làm việc mỗi ngày tám tiếng,hai ngày cuối tuần anh đứng lên ngồi xuống xoay trái nghiêng phải với những khung kính cho sạch,cho sáng trong ngoài những cửa tiệm người ta mướn anh làm .Phần thời gian còn lại dùng để giặt giũ nấu món ăn cho tuần sắp tới.
                                   @@@o@@@
  Tháng 8 của năm ở đây ngày dài đêm ngắn.Hôm đó,độ bảy giờ chiều,mặt trời hãy còn chói chang,anh Hai ghé nhà tôi.Theo thói quen,tôi lấy một lon bia mời anh.Anh khoát tay từ chối rồi sẵn đó  vừa nắm lấy tay tôi hỏi chú có bận rộn gì hôn.Tôi nói rằng công việc của ngày đã xong hết,giờ là lúc nghỉ ngơi đây.Anh nói vậy  mình ra gốc cây sau nhà nói chuyện chút.
  Với thái độ tề chỉnh anh nói về thời trai trẻ lính tráng của anh.Thời đó,theo anh,được  gần vợ là điều mong ước không của riêng anh mà hầu hết những chiến binh ở các lực lượng có nhiệm vụ truy lùng và diệt địch cũng không khác nhau là bao.
  Nhất là khi đã có đứa con đầu lòng thì.."có những đêm di hành nhớ chết được à chú ơi !"
  " Tôi ở đơn vị tác chiến bao nhiêu năm,mà thời gian về phép với gia đình lâu nhất là 15 ngày cho một năm và,với 20 năm trong binh ngủ hầu hết xa nhà cửa  vợ con,cho nên chú nghĩ coi tôi thèm không khí gia đình tới biết chừng nào ! "
 Những điếu thuốc liên tục bị anh Hai đốt cháy,và rồi như chú biết đó,sau ngày ba mươi tháng Tư/75 tôi và hàng hàng lớp lới anh em khác vô tù trong cái tâm trạng không biết mình bị tù bao nhiêu năm và chừng nào mới được  được tự do.
 May mắn thay,anh Hai tiếp :.." Tôi ở tù có mười năm ,nếu so với những anh em khác tôi coi như hên rồi ".Chị của chú (tiếng nầy anh Hai dùng để nói về bà vợ của anh ấy./Cách nói nầy khá phổ thông ở miền Tây Saigon) tom góp được không là bao đưa trước ,cho nên người ta cho  vượt biên thiếu.Qua tới phải trả lại.Cũng may cho anh tới được bến bờ bình an và tính tới nay,anh đã trả xong nợ hết rồi.
  Đối với bản thân anh,giờ đây anh đã trọn hưỡng hai tiếng tự do hoàn toàn đúng nghĩa nhưng,những lúc chạnh nhớ đến nỗi cơ cực về thân xác,nỗi ưu phiền đầu óc của chị chú, sau những lúc xã ấp địa phương kêu lên hạch sách,mắng mõ trăm điều về sự vắng mặt của anh.
 Lại thêm điếu thuốc ,phóng tầm nhìn xa hơn,mông lung hơn người chiến binh già không ngại ngùng bộc bạch những ao ước của mình mà, theo anh đã mong đợi cả hơn phân nửa tuổi đời.
  “-Nói thiệt chú đừng cười,chú biết hôn,rất nhiều lần anh thèm ăn bữa cơm chiều, không cần thịnh soạn với cao lương mỹ vị đâu.
 Một nồi cơm tỏa hơi thơm nức ,một dĩa rau Lang  xanh đậm luộc chấm nước tương dầm ớt hiểm với tô canh rau dền là quá  đủ rồi !
 Cùng ngồi ăn với anh là bà nhà anh với đứa con là hết sức hạnh phúc rồi.Đạm bạc như vậy đó chú,nhỏ nhoi như vậy đó chú mà cho đến giờ đây,trong cái tuổi sắp tới hoàng hôn của đời người,đó cũng vẫn còn là mơ ước !
 Tôi nói,anh đã nhập tịch rồi,anh là một công dân lương thiện, đóng thuế đầy đủ thì anh bảo lãnh cho chị và con là việc trong tầm tay.Có trở ngại nào đâu làm cho anh âu lo.
   Sau chiều Hè ấy,lâu lâu anh Hai gọi điện thoại  cho tôi hay những tin tức về hồ sơ đoàn tụ của chị với anh.
   Mọi diễn tiến tốt đẹp,hanh thông.
   Không chỉ riêng tôi mà những ai quen biết người lính già ấy đều cầu mong cho ngày đoàn tụ của gia đình anh được xuôi chèo,mát mái . 
                                   ****o****
 Tháng Sáu năm 1990,cựu tổng thống Việt Nam Cộng Hòa xuất hiện trong một cuộc họp báo với độ năm trăm người Việt cùng các cơ quan truyền thông ở thủ đô tị nạn của người Việt lưu vong,miền Nam California,Hoa Kỳ.
  Cũng có vài trách móc,vài hằn hộc từ phía cử tọa đặt lên vai của vị cựu nguyên thủ quốc gia đã rời xa họ trong những ngày gần tàn chiến cuộc.
  Nhìn chung,cựu tổng thống Thiệu đã..trơn tru trên bước đường muốn trở lại để phục vụ đất nước .
  Không lâu sau,với danh nghĩa là chủ tịch Phong trào vận động & Yễm trợ dân chủ tái thiết Việt Nam ,ông đến San Jose,thành phố nơi có cộng đồng người Việt định cư đông nhất ở nước Mỹ.
   Trong một cuộc tập hợp khá đông những viên chức và sĩ quan cao cấp của nền đệ nhị Cộng Hòa,ông Thiệu cổ động cho phong trào mà ông cùng các vị cộng sự muốn dùng nó để tái xây dựng lại đất nước VN.
    Suốt thời gian ông Thiệu có bài nói chuyện khá dài ,người ta thấy kế bên bục  đứng thuyết trình,bên trái,phía trước của ông là một quân nhân tóc hoa râm,đầu đội mũ nâu với quân phục hoa rừng đứng ở tư thế nghiêm.
   Cho đến khi xong bài diễn văn,ông Thiệu đã bước ra đứng trước mặt người lính già đó và chìa tay ra bắt.
   Trước khi bắt tay với vị cựu tổng tư lệnh quân đội năm xưa,tiếng nói như hét  vang lên :
 -" Thiếu tá Phan văn Kết,trình diện tổng thống sẵn sàng chờ lệnh !".
                                        ****o****
 Anh Hai,tức Biệt động quân Phan văn Kết đã cho nhiều người thấy được  tình cảm sắt son của những người cùng đứng với nhau trong một chiến tuyến.
  Gần một năm,không gặp do việc sinh nhai là chính.Một ngày sáng sớm anh Hai gọi cho tôi,nói rằng chiều nay chú với anh Tường phải ghé qua anh mới được. Có chuyện hệ trong của anh .Tôi cho anh biết sẽ đến nhưng trễ lắm.Anh cho địa chỉ mới ,nơi anh vừa dọn đến được hai tháng nay.
  Hai anh em tôi đến thì trời đã tối,anh Hai lôi chúng tôi vô nhà,kêu rửa tay rửa mặt đi rồi ăn tối với anh.
  Anh cho biết,món Steak nầy anh ướp theo lối Tây, dùng với rượu nho đỏ Carbinet Sauvignon ở vùng Bordeaux thì mới hợp khẫu.Tụi tôi hỏi có chuyện gì mà long trọng vậy anh Hai,bộ chỉ sắp qua tới hả.
   Anh Hai cười,theo tôi nhận xét chưa bao giờ tươi hơn.
   Anh tường thuật từng chi tiết rằng ,anh đã bỏ cọc mướn thêm một phòng nữa để mai mốt con gái của anh ở và về phần anh,anh đã bỏ được thuốc lá ,bởi vì chị của mấy chú không muốn anh hút thuốc vừa có hại cho sức khỏe vừa hao tiền.
   Mừng cho anh,được bữa ăn uống ngon miệng no nê và vui hơn hết khi nghĩ đến ngày lên phi trường đón rước chị Hai với cháu.
    Bận rộn gần như mỗi ngày,cho tới khi có tiếng của anh Hai trong điện thoại :
  -"Chị và cháu của chú đã có lịch trình cho chuyến bay đi Mỹ.Anh thì bác sĩ cho biết đã tới thời kỳ chót của bệnh ung thư phổi,anh vắn tắt cho chú hay như vậy."
  Tôi nói thì cứ để cho chị và cháu"lọt" vô nước Mỹ trước cái đã rồi chuyện bệnh hoạn mình tính tiếp.
 Anh nói-" Không được đâu chú ơi,không có anh,ai lo cho mẹ con bà và chính bà cũng không dám một thân một mình nơi đất lạ quê người nầy nữa...!"
  Chuyến bay từ VN sang Mỹ không có chị Hai với con gái.Trong khi ấy anh Hai vẫn sống chờ ngày chết.
  Tháng sau, kể từ ngày anh Hai gọi điện thoại cho tôi,một phần tư trang nhật báo có đăng phân ưu về mũ nâu Phan văn Kết đã từ trần.
  Bài viết nầy để dâng cho linh hồn:
                        Thiếu tá Phan văn Kết.
                         Tiểu đoàn trưởng TĐ 58 (41) Biệt động quân.
                         KBC 4017/Liên đoàn 7BĐQ.
Còn một vài chi tiết sẽ được bổ xung tiếp theo.
Đánh dấu 38 năm lìa xa quê nhà.
Phạm Huỳnh Ngân+H3.






Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

KHÔNG CÓ ,CÓ KHÔNG..MỘT VÒNG TIẾN HÓA!

KHÔNG THẦY,ĐỐ MÀY LÀM NÊN ?!.(Cổ nhân truyền khẩu).