CỔNG CHÙA.

Cổng đền thờ tiêu biểu của Á Châu :Gần gũi nhất là Cao ly,Trung Hoa.
Ảnh trên,có tính cách tượng trưng.
Cổng đền thờ Tướng quân Lý Long Tường ở Triều Tiên.


Sau trận đánh với lực lượng được xem như thiện chiến nhất của quân đội  miền Nam ở Phú Khương,Thành Triệu với thiệt hại khá cao nghiêng về phía bên kia.
  Tỉnh Bến Tre đang dần   được người dân hai miền Nam Bắc biết đến danh hiệu "Quê Hương Đồng khởi" .Mà,phần lớn nhờ vào hệ thống tuyên truyền được mở tối đa của đài phát thanh Hà Nội,đài tiếng nói của "Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam !(MTDTGPMNVN).

Thời kỳ ấy ông Diệm không còn chấp chánh.Quân đội Mỹ chưa can dự sâu  vào chiến tranh VN.

Saigon và những tỉnh lỵ lớn chỉ có cố vấn Mỹ mà thôi.

Có thể nói đây là cuộc ướm sức ,cuộc thử lửa của phía nổi dậy để xem khả năng chiến đấu của "ngụy quyền "cũng được cao thấp ra sao.

Tư Tiền,du kích xã được đôn quân hỏa tốc để chống càn trong một cuộc đưa lưng chịu đạn ,để lực lương cơ động tỉnh cùng hiệp đồng với các huyện khác cố ngăn những đợt tấn công như vũ bão của đơn vị Nhãy Dù đã có tên tuổi trên nhiều mặt trận .

                                                             ***0***

 Sau cú chạm trán lẫy lừng ấy,đời binh nghiệp của Tiền ngày càng thăng tiến.Từ một du kích làng quê không mấy ai biết gốc tích,cha sanh mẹ đẻ như thế nào,sau đó vài năm cũng chạm địch tận mặt lúc giựt mìn quân xa, khí bắn tỉa ,hay tấn công những đồn bót Dân Vệ ở làng Xã hẻo lánh đều thành công với thành danh.

 Tiền đã trở thành 'Anh hùng Nhân Dân' ,cho đến khi quân Mỹ tràn vào miền Nam,danh hiệu 'Dũng sĩ diệt Mỹ' đến với Tiền  cũng được gởi từ Hà nội vô Nam.

 Cùng đợt với Tiền đã có một số về đất lạnh ,số bị thương tật ,số thì vô tù .May mắn hơn,thì bị loại khỏi vòng chiến làm người thương binh trở về đời sống dân thường.

 Đất Bến Tre được gọi là xứ dừa hay rừng dừa cũng không xa là bao.

Thời gian đó,bí thơ chi bộ quận Sóc Sãi,tức Tư Tiền được "trên" chủ trì buổi lễ 'tuyên hôn' với thị Thắm,một giai nhân sắc nước hương  trời ở làng Hương Thủy, người  chung quận với nhau .Thắm có người cha đang ở Cục R trong 'Chánh phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam'.

 Ai nấy đều trầm trồ, tán tụng cuộc hôn nhân trong lòng cách mạng  hết sức là xứng bông ,xứng bình trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước nầy .

                                                             ***0***

Sau biến cố 30 tháng tư năm 75,ngoài số dân Nam bộ ra Bắc năm 1953 lục tục hồi kết trở về quê cũ, nếu như may mắn sống còn.Cùng lúc đó,những tỉnh lỵ trù phú của miền Nam được 'trung ương 'phân bổ cho cán bộ,chuyên gia ào ạt tràn vào như cuộc Nam tiến khi xưa,vào thời nhà Nguyễn .

 Bến Tre là tên tỉnh lỵ , trước đó vào thời kỳ   Pháp xâm lược nước mình đã đặt tên.Đến khi ông Ngô đình Diệm lên chấp chánh sửa lại là Kiến Hòa.

 Tên Kiến Hòa tồn tại suốt hai thời kỳ đệ nhất và đệ nhị Cọng Hòa,cho đến khi miền Nam bị lọt vào tay 'cách mạng', lại bị đổi lại là Bến Tre.

 Thời kỳ một năm sau tháng Tư/75 đó , các 'cán bộ và 'chuyên gia'được 'điều từ Bắc vô Nam ở khắp nơi gần như trót lọt.Riêng,Bến Tre , với danh hiệu được trung ương phong cho là tỉnh "thành đồng vách sắt của cách mạng",cho nên những người nắm quyền  cũng biết tận dụng thế mạnh nhất thời đó mà chận  bớt hoặc làm chậm cái thế chẻ tre của  người ở miền Bắc tràn vô .

Nhưng rồi,cũng không  được bao lâu việc chận số nhân lực đông đảo ,tìm mọi phương cách lòn lọt  từ phía Bắc tràn vào vùng đất màu mỡ đầy ắp phù sa đó như nước tìm chỗ trũng tràn vào.

 Bến Tre,dù được miền Bắc hết lời hoa mỹ tán tụng,nào là cái nôi của cách mạng,nào là thành dồng vách sắt chống Mỹ ,diệt Ngụy với không biết bao nhiêu huan chương từ Hồ chủ tịch lẫn trung ương đảng cũng vẫn không thể nào chận được chủ trương lớn của đảng là sáp nhập và đặt lệ thuộc của  miền Bắc lên miền Nam một trăm phần trăm dưới sự chỉ đạo của đảng từ Hà Nội.

                                                                ***0***

Gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng,với một người anh ruột hy sinh ở chiến trướng miền Nam trong trận chiến bao vây quyết 'bứng' cho trốc một nút chặn con đường huyết mạch dùng để tiến quân từ  Bắc vô Nam.

Cuộc tranh hùng của một phe dồn hết nỗ lực  san bằng mục tiêu và một lực lương Biên phòng "Cứng đầu" đã ra lời thề tử vong thủ   bên trong .

Qua  510 ngày đêm,dài như vô tận với pháo kích cùng hàng trăm đợt tấn công biển người.

Căn cứ Tống Lê Chân,thuộc quân đoàn 3/VNCH ,là mồ chôn của không chỉ riêng Liệt sĩ Trần quang Tuấn,bộ đội chánh quy miền Bắc,đã trọn lời thề sinh Bắc tử Nam

Cho nên lý lịch của Trần quang Hùng hết sức tốt đẹp để làm bàn đạp lọt vào trường đảng với khoa lý luận.

Tốt nghiệp hạng cao, ngoại diện chững cùng mái tóc dợn nhẹ tự nhiên trên khuôn mặt điễn trai,Hùng ngay trong lúc đầu thoạt mới gặp, ai cũng mến.

 Nói năng có sức lôi cuốn,thuyết phục được người vừa gặp,để đối tượng thích nghe là yếu tố hàng đầu mà đảng cần những thành phần như thế nầy  dưa vào Nam.

 Chưa nói,Hùng còn giỏi về khía cạnh đàn hát nữa

Sau những đùn,đẩy từ trên tỉnh ủy,Hùng đã được phân bổ về với Tư Tiền ,để chờ cuộc họp chi bộ huyện quyết đinh phân công.Trong thời gian nầy,Hùng tạm trú ở nhà của bí thư Tiền.

Không mấy ngày sau đó,bí thư huyện tổ chức đám giỗ cha của mình,khi xưa đã từng  bị Tây thực dân bắt đày ra Côn Đảo ,cho tới khi ông Diệm chấp chánh mới được khoan hồng.

  Sau khi được trả tự do,ông đã luống tuổi nên về với ruộng đồng cày cấy sinh nhai ,riêng tự cõi thâm sâu của đáy lòng,ông không hề tiếc nuối những ngày tuổi trẻ mình đã dùng để chống thực dân ,nhưng cho đến khị miền Bắc thôn tính miền Nam tự do,thì ông mới tỉnh ngộ là ông với không biết bao người yêu nước  đã bị đảng lèo lái về hướng khác.Một hướng đi ngược lại với ý muốn của toàn dân và đã tạo nên một cuộc núi xương ,sông máu  cho những người anh em cùng một mẹ,đáng lý ra việc ấy không cần phải có.

Mãi đến năm 76 ông mới qua đời sau khi đã trải qua những ngày bệnh hoạn trong tình cảnh thiếu thốn.

 Đám giỗ thật lớn ,một là để xứng với địa vị người trên bàn thờ lúc còn sống,hai là để cho  vợ của Tư Tiền có dịp hãnh diện cái nhan sắc chim sa cá lặn mà trên dưới xa gần  ai ai cũng tấm tắc khen ngợi ,ba nữa cũng nhơn cơ hội giỗ chạp để bí thư huyện khoe căn nhà bề thế có hạng ở địa phương nầy ,mà sở nhà đất tỉnh tịch thu của một tay tư sản mại bản,giao cho  mình.

 Lẽ đương nhiên,cái đám giỗ linh đình với một con bò ,phải kêu cho được thợ nấu từ trên tỉnh về cùng với mấy con heo,mỗi con cả tạ,còn gà vịt cá tôm của người dân biếu xén không sao kể hết,thì nhất định con số thực khách phải rất đông.

Sau phần cúng vái cho qua loa,quan khách cấp tỉnh ngồi chật ở giữa ,trước bàn thờ cùng hai bên hai bàn,mỗi bàn 10 người nữa . Khách cấp huyện căn dưới ,còn phía sân trước chật nức cũng phải năm sáu bàn  ,được sắp xếp ngồi dưới bóng mát của  trại lợp lá mới được dựng lên không lâu.

 Cuộc tiệc bắt đầu chừng 15 phút,khi những cây nhang trên bàn thờ cháy hơn phân nửa thì từ phía sân trước ,một người cụt một chân, chống nạn ,tay vẹt nhẹ những người dọn thức ăn ra cho thực khách,cà thọt thật mau bước tới hướng bàn thờ.

 Đó là một trung niên ,nước da sậm đen,tóc dài phủ kín tai,mặc chiếc áo dài tay màu hoa rừng  sờn cổ.Đã có những vết rách phía sau lưng chiếc  áo  bạc màu sương gió đó.

 Chiếc quần,xem bộ bị chà lết nhiều nên tệ bạc hơn cái áo  cùng với một ống được thả tự do vì phía trong không có chân.

 Anh ta,thò tay lấy một nhúm nhang,đốt lên cúi đầu hết sức tề chỉnh,hết sức nghiêm trang rồi mới đưa lên ngay giữa trán lâm râm khấn nguyện.Xong mới khom gần  phân nửa phần lưng,anh ta xá tất cả ba lần một cách cung kính.

 Nhang được cắm ngay ngắn,lúc bấy giờ anh ta mới khom xuống lượm cây nạng lên,tay vịn nạng,tay vịn bàn thờ,đầu nghiêng hướng lư nhang.

Bàn danh dự đó,đã có mấy vị quan lớn  ngồi gần sát bên , thấy anh ta  nước mắt đã  trào ra ràn rụa.

 Anh ta  cúi đầu chạm nhẹ vào bàn thờ rồi kể lễ thành tiếng, càng lúc càng lớn hơn , với mấy câu chót các thực khách,dù đang ồn ào với cuộc tiệc vẫn nghe được:

  -...."Con về trễ quá rồi...ba ơi ! Con không còn thấy mặt ba nữa  rồi...!"

Ngoài trước sân,và các bàn khác ,ngoại trừ những tiếng ' vô vô' cùng tiếng ly chạm tiếng thách thức  ,năm chục với một trăm phần trăm không ai nghe ,ngoài quan khách ngồi bàn 'danh dự' trước bàn thờ mà trong đó,ai nấy cũng thuộc hàng tỉnh ủy viên cao cấp.

 Một số người,cũng tạm dừng đủa trong vài giây, chăm chú ngạc nhiên nhìn người tật nguyền kia,ngay kế bên,trong tầm mắt rồi cũng vội cầm chén,khua đũa ăn tiếp.

Tư Tiền,trong chốc lát , đã bước tới ngay bàn thờ quan sát người cụt giò ,rồi bốn mắt nhìn nhau chầm chập làm cho các quan khách đang ăn phải  dừng đủa thêm  một lần nữa, cứ tưởng như cả hai bị triệu chứng gì bất ngờ.

                                                         ***o***

Liên đoàn Một Biệt Động Quân ,có nhiệm vụ ngăn chận địch quân và bảo vệ tỉnh lỵ Quãng Trị,một tỉnh địa đầu giới tuyến ,cực Bắc của  Việt Nam Cộng Hòa đã không làm sao cứu được Quãng Trị,khi tỉnh nầy bị Bắc quân với quân số,xe tăng và đại pháo hơn gấp ba lần tràn ngập trong trận chiến Mùa Hè đỏ lửa 1972.

 Đơn vị nầy cũng bị thiệt hại không ít,Thượng sĩ Vàng đã bị bắt sống làm tù binh trong cuộc giao tranh khốc liệt .Đơn vị Bắc quân dắt theo tù binh di chuyễn về hướng Lào,trước để dưỡng quân sau những ngày tháng dài căng thẳng,kế tiếp là bổ sung quân số vì hao hụt.

 Trong thời gian nầy,Vàng với thân phận tù binh cho nên phải cáng đáng những công việc nặng nhọc,và đó cũng là lý do làm cho anh ta bị mất một chân vì đạp phải mìn ,trong lúc là  lao công chiến trường cho đơn vị cầm giữ anh ta.

 Vào  quãng thời gian sau khi cổ thành Quãng Trị đã được giải tỏa bằng xương và máu của cả hai phía cùng với không biết bao nhiêu bom đạn,thượng sĩ tù binh Vàng đã được ân xá vì lý do nhân đạo !

 Lần mò về đến Quãng Trị hoang tàn đổ nát,trong túi không dính lấy một xu .Lại trong hoàn cảnh những người chạy nạn cùng với không biết bao nhiêu mất mát vừa chân ướt,chân ráo hồi cư. Cho nên, việc kiếm chén cơm thừa canh cặn cho thương phế binh Vàng quả thật khó.

 Nghĩ đến đoạn đường thiên lý,lần về quê cũ hơn một ngàn hai trăm cây số với một chân,cựu chiến binh Vàng tự lắc đầu mà không dám nghĩ tới.

                                                                  ***0***

 Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre,nhận được chỉ thị của đảng bộ tỉnh về việc triễn khai .phát động mạnh để tạo khí thế cho quần chúng nhận thức được lợi ích của thể dục thể thao.

 Sau những cuộc mít tinh  liên tục,văn phòng tỉnh ủy nhất trí điều Tư Tiền lên tỉnh để giao cho nhiệm vụ mà,theo yêu cầu là kế hoạch lớn nầy phải hoàn thành .Với chức vụ trưởng phòng "Vận động phong trào quần chúng thể dục ,thể thao tỉnh Bến Tre",có trụ sở và công tác thuộc tỉnh.

 Tư Tiền,lòng rất muốn đưa người vợ theo cùng với những thứ tiện nghi cần thiết cho một cán bộ thuộc cấp tỉnh nhưng trên nói cứ lo ổn định nơi ở rồi từ từ sắp xếp trên sẽ liệu.Buộc lòng lắm Tiền mới để Thắm ở lại căn nhà lộng lẫy mà bí thư huyện chưa kịp trọn hưỡng.

 Trước lúc ra đi,người được thăng chức không quên dặn dò đủ thứ với vợ cùng hết lời gởi gấm cán bộ trung ương Hùng,nhờ nhòm ngó phần sức khỏe cũng như an toàn của người vợ mà anh ta yêu thương vô cùng.

 Vì là cơ quan mới thành lập ,cho nên bước đầu tỉnh cấp cho  trưởng phòng  với một  cán bộ phụ trách tuyên truyền , một chiếc xe Honda phân khối nhỏ.

 Phú Bình là điễm chọ để hai thầy trò Tư Tiền tới để động viên nhân dân .

 Gặp lúc những cơn mưa dầm ,đường xá lầy lội nên trơn trợt vì  bùn sình.Xe không thể chạy được ,cho nên Tiền nói với Chín Sơn tìm chổ nào nghỉ chân dòm chừng xe luôn.

 Qua cây cầu ,đường đi ngày càng khó  với tàng lá dừa và tre thành những lùm bụi rậm, cộng với mây đen vần vũ cho nên đường tối ,khó đi hơn cho dù đã cởi giầy ra rồi.

 Bên kia cây cầu bắc bằng thân cây cau,thấp thoáng một mái nhà lá xiêu vẹo.

 Mưa nặng hột ào tới,Tiền cố chạy lẹ mong cho kịp tìm được chổ đụt mưa,nên tới giữa cầu bị trợt chân té nhào từ trên xuống con rạch ngang dọc đầy những khúc cây,nhánh chà .

                                                          ***0***

Từ mái hiên căn nhà lá bên kia con rạch,một người đàn ông râu,tóc bạc trắng đang chấp trên hai bàn tay vài cây nhang  tỏa làn khói mỏng trong gió,hết sức khẩn cấp đến bàn Thiên giữa sân cắm lẹ xuống cái hộp sữa bò cũ được dùng để cắm nhang.Ông bước  tới bờ bên nầy con rạch nhìn xuống không thấy Tư Tiền cựa quậy,cho nên lội bừa xuống xình  ,trước hết là đỡ mặt người té lên để không bị ngộp nước.

 Qua nhiều cách sơ cứu,ông già với vài người dân lối xóm đã cứu sống được nạn nhân.

Hai ngày sau ,Tiền mới mở mắt ra rồi lắp bắp vài tiếng trong miệng.

Ông già đang đãnh lễ Phật cách đó mấy bước thì Tiền hỏi :

-Ông ơi ! Tôi bị gì mà đang ở nằm ở nhà ai vậy ?

-Chú mầy bị té nhào xuống con rạch ngoài kia kìa,tao với mấy người hàng xóm đem về đây,thuốc men cứu chữa đó ,tỉnh mĩnh rồi hén ?

Tư Tiền cố gượng ngồi dậy nhưng ngay lập tức đã nằm lại tư thế cũ rồi kêu đau..

Ông già xua tay nói là không được cục cựa nhúc nhích  và rằng Tiền té có thể bị mấy gốc và nhánh cây lớn cấn cho nên lưng bị sưng lên,không chừng trật đốt xương sống nữa là khác.Ông kêu Tiền nằm sấp xuống để ông coi kỹ lại cái lưng anh ta rồi mới xức một loại dầu hay thuốc gì đó.

 Một lúc sau,chổ  xức thuốc ấm rồi nóng dần lên.

-Chẵng hay chú em từ đâu tới địa phương nầy vậy ?

-Tui ở Sóc Sãi,đi công tác cho tỉnh.

-Sóc Sãi ?

-Phải .

Gốc gác ông bà tôi ở đó.

-Tui đây,hồi thời chống Tây cũng hoạt động ở đó.

Tư Tiền chưa kịp nói gì thêm,chợt ông già bước tới bộ ván khom thật gần nhìn tạn mặt,thật kỹ  Tiền ,rồi hỏi

- Chú mầy với Mười Vạng có bà con liên hệ gì không ?

-Ba tui đó !

Ngoài mùi nhang bay nhẹ với tiếng muỗi vo ve,không còn bất kỳ âm thanh nào khác trong khoảnh khắc đó.

Ông già râu tóc bạc xuống bếp,bẻ lá dừa nhóm lửa.Độ nửa tiếng sau,bình trà có hai quay xách đưa lên bàn đặt gọng trong trái dừa giữ nóng để cho ra trà.

   Khi ông đưa cho Tư Tiền ly trà,ông cũng rót cho mình và ông bắt đầu nói về ông và ba của Tiền từ cái thời chống Pháp xa xưa.Họ đã có với nhau nhiều phen vào sanh ra tử.Họ đã có không biết bao lần bị  Tây đi ruồng bố,khì thì núp bờ sông,lúc ngoài mấy cái đìa ngoài ruộng...

Họ thân thiết với nhau đến đổi thuộc lòng bài hát mà cả hai đều tâm đắc vào thời chống Pháp.."Áo anh rách vai,quần tôi có hai chỗ vá.."

 Nhưng,cuối cùng,khi 'cách mạng' thành công và sau khi 'Hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước',họ (hai đồng chí cách mạng lảo thành Mười Vạng và Hai Tấn) đã nhìn ra sự thật để rồi tiếc nuối quãng đời thanh xuân mình đã cống hiến cho đảng.

  -Vậy ,hiện  thời mầy đang công tác ban ngành nào của tỉnh ?

Tư Tiền,ngay lúc ấy nhìn ông  Hai Tấn với con mắt của một đứa con.Mọi diễn tiến của anh ta nhất nhất đều kể không xót đoạn nào cho ông Tấn hết .

Tối hôm đó,ông Tấn nói với Tiền rằng anh ta cứ ở nơi cái "Am" vắng nầy bao lâu cũng được, ông giải thích tường tận với Tiền là , Tiền  được 'lên tỉnh' để công tác cũng như được thăng tiến trong đảng là không đúng.

 Đó là ,đảng đã “hạ tầng công tác “Tiền, bằng thuật ngữ “từ huyện lên tỉnh “.

   Từ bí thư huyện với bao nhiêu là quyền hành,giờ được tiếng là "lên"tỉnh,mặc dù  mang danh là trưởng phòng ở tinh nhưng thật ra,đó chỉ là cái chức ngồi chơi xơi nươc,hữu danh vô thực,không có chút thực quyền nào hết.

Ông còn hỏi ngược lại Tiền,ở cái thời buổi không có khoai mà ăn nầy.Ai có lòng dạ với sức lực nào mà tham gia thể dục với lại thể thao ?

Ông cũng nói rỏ là Tiền đã bị hạ tầng công tác vì có người anh là" Ngụy" mà không khai báo , đã xuất hiện trước con mắt của bao nhiêu nhân vật có vai vế trong đảng hôm  bữa đám giỗ .

Rồi ông cũng không quên đề cập tới mối nguy tiềm ẩn kế bên là cán bộ Hùng,một con mắt của trung ương ngoài Băc đưa vô là nhằm để dòm ngó ,báo cáo không phải của riêng cá nhân Tư Tiền mà còn nhiều đối tượng khác nữa .

                                                         ***0***

 Sau cùng ,Tư Tiền cũng về tới nhà,khá tối cỡ hơn mười giờ đêm.Từ xa,dưới ánh trăng rằm ,trước sân nhà Tiền đã thấy hai người ngồi ở tư thế rất lạ :Họ đâu lưng vào nhau ,tiếng đàn khi trầm ,lúc bổng dìu dặt hòa cùng tiếng hát vút cao của bài ' Sơn nữ ca'.

 Tiếng hát ấy nhất định là của  Thắm ,vợ anh .

  Gần thật gần,ra là người đàn ,kẻ hát cùng đâu lưng với nhau trong tư thế xem bộ không đôi lứa nào có thể lãng mạn được hơn.

                                                             ***0***

  Phải mất một thời gian khá lâu để điều trị,cái lưng của Tư Tiền mới bình phục.Anh ta làm thủ tục xin phục viên .

 Nơi đầu tiên anh ta đến sau khi trở về với sống thường dân là cái am  mái lá của ông Hai Tấn .

 Tiền muốn sống cuộc đời,sáng chiều kinh kệ sau những chiến trận máu me,qua bao lần được nghe không biết bao nhiêu lời than,câu kể cùng những tiếng thở dài gần như bất tận của người dân sau ngày 'miền Nam hoàn toàn được giải phóng !'

                                                                 ***0***

  Cho dù tu tại gia nhưng ông Hai Tấn đã có một kiến thức hết sức uyên thâm về những lời dạy thực tế của đức Phất.Sắc tướng đối với ông chỉ là những thứ Phù Du,giả tạm.Cái rốt ráo của nhà Phật là tự tâm.Ông cũng từng nói cho Tư Tiền biết là khi xưa,đức Phật Ngộ và đắc đạo là do tự bản thân ngài trì chí công phu ,thanh lọc trược thanh và thiền định.

 Kỳ dư,chỉ là sắc tướng,chỉ là ảo ,là giả vốn không thật.

Thiền sư Hai Tấn viên tịch hơn một năm sau khi Tư Tiền đến cùng ở với ông.Ông đã truyền đạt tất cả những hiểu biết những kinh nghiệm sống của ông cho người đồ đệ  duy nhất.

 Và,

Hơn hết thẩy là nguyên lý thực hành tự mình giải thoát những vô minh tham,sân,si thường tình của loài người mà,theo ông không ở đâu xa,ngay trong chính mỗi bản thân của từng người.

 Rằng là mỗi một chúng sanh không ai giải thoát cho ai được.Kể cả Phật nữa !

Chỉ có mình tự tu tập rồi mới giải thoát cho chính mình mà thôi.

 Bây giờ,Tư Tiền,cựu bí thư huyện người dân muốn gọi bằng danh hiệu nào ông cũng không hề đính chánh : Thiền sư,đạo sư,tu sĩ tại gia,kể cả ...thầy chùa cũng được.

 Cái am nhỏ ,qua thời gian đã được trùng tu cao ráo hơn ,khang trang hơn.Đây không phải là ý của "Thầy" ,mà là mọi người,do kẻ góp công người góp của.Lý do thật dễ hiểu là bá tánh thập phương  thích những lời dạy trung thực của thầy cùng với cái cách sống đạo theo nguyên lý "Đời đạo song tu" của ông.Tức là ông tự tay tạo ra của cải, trồng trọt làm lụng bằng chính những giọt mồ hôi của mình để mưu sinh,độ nhật.

 Bổn đạo ngày càng đông hơn trong cái ấp Phú Bình hiền lương đó.

                                                   ***0***

Có một ngày Rằm.

Rằm tháng Giêng Thượng Ngươn,cây cầu bắc ngang rạch đã được làm lớn và rộng hơn.Có ba chiếc xe gắn máy ,loại mới nhất chạy qua rồi ngừng lại trước sân am .

Bốn người áo bỏ trong quần,túi dắt đầy viết,chân dép râu,đầu nón cối.Hai vị kia mặc áo vàng ,đầu cạo trọc,mới tinh,bóng lưỡng.

  Bốn người tự giới thiệu và trình giấy công tác của huyện.

 Đó là người của Mặt trận tổ quốc ,họ muốn tu sĩ Tiền tiếp chuyện với hai vị sư cũng cùng là thành viên của MặtTrận .Họ muốn hai vị sư trẻ kia 'về' nơi nầy làm trụ trì để cho đúng với sự chỉ đạo của đảng .Họ muốn mọi sinh hoạt của nhân dân phải có sự lãnh đạo hướng dẫn  ,mà mặt trân tổ quốc là cánh tay của đảng,

 Thiền sư Tư Tiền chỉ im lăng ngồi lắng nghe một cách kiên  nhẫn , thanh thãn ,mặt mày không hề đổi sắc,  cho tới khi phái đoàn thuyết trình giông dài chấm dứt, đến câu cuối của vị đảng viên là:

 -Nhớ nhen đồng chí, chùa cần phải 'lên đời'( làm cho lớn hơn) cái am  nhỏ nầy và nhất là phải có cái cổng chùa,cho thật 'hoành tráng' mới bắt mắt người dân,để họ tới nhiều hơn,cúng dường nhiều hơn nữa mới được 

 Tu sĩ tại gia Tư Tiền đứng dậy một cách từ tốn ,nhẹ nhàng,chắp tay trước ngực,xá thật sâu:

-Nam mô A Di Đà Phật.

Có mười hai con mắt xoe,tròn hết mức ,nhìn chầm chập vào tu sĩ Tư Tiền !

Phạm Huỳnh Ngân & H3.








 

 

 

Nhận xét

người tây ninh đã nói…
Xuất sắc ! Bố cục mạch lạc , hợp lý , lôi cuốn.
Lời văn phù hợp với từng thời điểm , dù trước hay sau 1975 .
Cái hay của tác giả là dùng chữ nhẹ nhàng , không cường điệu
mà vẫn làm cho người đọc hiểu được ý chính ...
thấm thía cho số phận con người và cả tôn giáo trong thời buổi nhiễu nhương !
Unknown đã nói…
Xuất sắc ! Bố cục mạch lạc , hợp lý , lôi cuốn.
Lời văn phù hợp với từng thời điểm , dù trước hay sau 1975 .
Cái hay của tác giả là dùng chữ nhẹ nhàng , không cường điệu
mà vẫn làm cho người đọc hiểu được ý chính ...
thấm thía cho số phận con người và cả tôn giáo trong thời buổi nhiễu nhương !
tuong nguyen đã nói…
Xuất sắc ! Bố cục mạch lạc , hợp lý , lôi cuốn.
Lời văn phù hợp với từng thời điểm , dù trước hay sau 1975 .
Cái hay của tác giả là dùng chữ nhẹ nhàng , không cường điệu
mà vẫn làm cho người đọc hiểu được ý chính ...
thấm thía cho số phận con người và cả tôn giáo trong thời buổi nhiễu nhương !

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

KHÔNG CÓ ,CÓ KHÔNG..MỘT VÒNG TIẾN HÓA!

KHÔNG THẦY,ĐỐ MÀY LÀM NÊN ?!.(Cổ nhân truyền khẩu).