Cái chén.


 Trước khi rời khỏi gia đình,ông ngoại nắm tay Tân  đưa vô buồng riêng của ông và,bằng gương mặt hết sức nghiêm trang:

  -Cái chén này lâu đời lắm.Tuổi của nó ông không biết là bao nhiêu nhưng ông cố của con nói nó phải bằng ông hay lớn hơn.Ông cất giữ trong tủ thờ gia tiên từ lâu lắm rồi.Nay,ông thấy con là đứa trẻ có tâm đạo,lại được cha mẹ con cho vô chùa để quy- y Phật Pháp Tăng  nên ông muốn cho  con đem theo , để sớm tối có mà xài.Ông quý nó,thứ nhứt là đồ kiểu đã lâu đời ,từ bên Tàu qua tới nước Việt mình ,thứ hai loại sành sứ có tuổi đâu nghe nói đã được nung từ thời Càn Long lận.Cho nên ,ông tin ,bây giờ nó đã là đồ cổ loại quý hiếm rồi.

Ông cho con cũng có ý lưu truyền lại một vật gia bảo cho thế hệ kế tiếp,con phải giữ cho sạch sau mỗi lần xài và,nhứt là phải thật cẩn thân vì nó mong manh ,dễ bể lắm.

 Tân đưa hai bàn tay ra,cúi đầu thật sâu nhận lấy món gia bảo.

Đó là những tờ giấy nhựt trình (giấy nhật báo) đã ngả màu vàng vì thời gian.Cái chén được bọc nhiều lớp và ngoài cùng là những sợi dây lùn phơi khô,cột quanh nhiều lần nữa.

                                                        ooo*ooo

 Chú tiểu sơ -cơ với thế danh Tân trải qua nhiều thử thách của chốn thiền môn,với quy luật của riêng từng tự viện,giới luật của nhà Phật cùng với nhiều công việc hằng ngày,từ phía trong  cho đến sân trước,sân sau của ngôi chùa .Nhiều công việc từ củi lửa của nhà bếp cho tới Phật sự được dành riêng cho vị tiểu tăng hết sức bề bộn trong hai mươi bốn giờ của ngày.

 Học kinh phải cho thuộc lòng ,các kinh  nhập môn như  A di đà,kinh Hồng danh,kinh Sám hối kinh Phổ môn..,học thể thức,nghi thức của tất cả các thời công phu từ 4 giờ khuya,12 giờ trưa đến 8 giờ tối theo đúng như lịch trình   của chùa, không sớm, không trễ .

 Sư phụ trụ trì đặt pháp danh cho Tân là Nhựt Tân.Thầy giải thích thêm chữ nhựt trước thế danh Tân là ý sư phụ muốn trích từ câu nói xa xưa :-"Nhật tân,nhật tân hữu  nhật tân".(Ngày mới,ngày mới,ngày càng mới ) . Và rằng ,việc tu tập ngoài kinh điển của đức thế tôn truyền lại phải học hiểu,phải nằm lòng mà tự thâm tâm của mỗi môn sinh còn phải chiêm nghiệm cho thấu đáo để khi hành đạo không bị sáo mòn,trống rỗng.

 Sư phụ còn mô tả rằng nếu chúng ta chỉ biết gõ mõ tụng kinh như đứa trẻ trong lớp đọc lưu loát bài học thuộc lòng,cốt chỉ để thầy hoặc cô giáo cho điễm cao mà thôi,thì  đó chỉ là lối học từ chương chớ không phải học để hiểu,để tự giác.

 Sư phụ còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần,người tu sĩ ,trước tiên phải tự giác rồi sau đó mới đem điều mình ngộ được giác tha kẻ thế nhân , đang ngày đêm lặn hụp trong bể trầm luân.

 Sư phụ nói với Nhựt Tân rằng phải hiểu cho thấu đáo từ lời ,từng ý trong kinh kệ thì việc tu hành mới tinh tấn và rằng việc công phu,trì niệm nó phải thấm nhập vào tâm não bất kể ngày đêm thì người ly gia,cắt ái quyết giao hết thân tâm cho Phật pháp , mới không bị lãng phí kiếp người,đã gia tâm tầm đạo .

                                                         000*000

Chùa nghèo,nên những tiện nghi vật chất để phục vụ cho đời sống rất hạn hẹp.Ngay cả việc ăn uống hằng ngày của mọi người rất kham khổ,rất tiện tặn.

 Buổi sáng,luôn luôn món cháo trắng nấu nhừ với vài miếng bã đậu nhồi muối sả thật mặn phơi khô,chiên dòn với dầu dừa.Có khi quý sư bà ở nhà bếp cho ăn củ cải muối hoặc món chao chùa do quý sư bà,sư cô tự làm lấy.

 Xà bông cũng không có cho nên,thầy chỉ cho Nhựt Tân xuống nhà bếp lấy tro cho vô lu hay khạp đổ nước vô ngâm đến khi cặn tro lắng xuống hết,phía trên cho ra nước tro trong,màu hơi vàng nhạt ,để xài.

 Loại nước nầy,thay thế xà bông dùng để giặt đồ,tắm và rửa chén .

Đó là loại dung dịch có nhiều chất nhờn cho nên sau khi rửa giặt xong cần phải xã lại nước nhiều lần cho không bị trơn nhớt.

Sư phụ,ngoài thú cắt tỉa cây kiểng ,người còn một đam mê ,mà theo người biện bạch là "Trần tục mà thanh cao" là thưởng thức các loại trà ngon .

 Thường thì trà do bá tánh đem đến cúng dường cũng có đôi khi hết Nhựt Tân phải đến tiêm chạp phô (tạp hóa) trên chợ mua về cho thầy.

 Người ta có câu :-'Trà tam,tửu tứ',quả không sai với sư phụ trụ trì.Cho nên,mỗi khi có trà ngon ,người biểu chú tiểu phải mời cho được hai lão ông cùng sở thích với người,kẻ ở đầu trên,người ngụ xóm dưới.

 Sư phụ ghiền trà quả có.Thế nhưng,nếu nói người quá câu nệ loại nước nào dùng để pha trà thì hơi quá đáng.Có điều,bình và tách để người uống trà với khách,người không cho phép bất kỳ sự sơ hở nào về vệ sinh.

 Trước khi chiêu trà,người xem xét từng cái tách cả trong lẫn ngoài  .Bình trà phải sạch với lớp men gần như phải còn nguyên thủy và nhứt là cái mùi tanh nhè nhẹ của mùi nước tro phải mất sau đôi ba lần tráng đi,tráng lại bằng nước mưa .

 Và,cứ sau mỗi cử trà với khách ,khi trước sư bà sẽ đích thân dọn rửa rồi hong khô đem lên ngăn tủ ở hậu điện cất cho thầy.Mấy lúc sau nầy,việc bếp núc bề bộn hơn vì có thêm người vô chùa ,cho nên Nhựt Tân được thầy chỉ định cho việc rửa sach rồi cất giữ đó.

  Có lần,trà khách giã từ sư phụ ra về,lúc ấy cũng đã khá khuya ,độ khoảng mười giờ rưỡi đêm,thầy biểu Nhựt Tân dọn dẹp bộ tách bình trà .

 Trời mưa từ lúc chiều,phía sau chùa độ 4 thước là sàn nước được lót từng viên gạch cách quãng.

 Nhựt Tân,lần trong bóng đêm bước ra  chỗ rửa chén đã bị sình trơn nên trợt chân té nhào .

 Bình pha trà với hai cái tách đã bị bể.

                                                     000*000

     Chưa bao giờ chú tiểu Nhựt Tân lại thấy cơn thịnh nộ đến độ hung tợn của sư phụ như sau khi được phi báo bộ bình trà đã bể.

     Nhựt Tân  phải quì hương liên tục sau giờ công phu đầu hôm trong ba đêm liên tiếp cùng những lời than tiếc của sư phụ về những vật dụng mà thầy yêu thích đã không còn nữa và,câu chuyện trợt té đổ bể còn kéo theo cả nửa tháng sau.

 Rồi cũng đến lúc quy luật tạo hóa vận hành,sư phụ trước lúc viên mản gọi Nhựt Tân vào hậu liêu nắm tay người đệ tử thương yêu mà giờ đây đã trở thành một nhà sư cao lớn đĩnh đạc :

  -Này con, thầy tới cửa thiền nầy trước con và là sư phụ của con nhưng thầy tin và mong rằng  ngày sau nầy,con đường tu tập của con sẽ thăng tiến hơn thầy.Chấp nhứt hơn thua,quý trọng vật chất vốn là trở lực lớn cho những ai muốn tìm đường giải thoát.Thầy bị vướng vô nó,cho dù tới lúc biết điều đó muộn ,thì cũng đã làm mất,làm uổng ớt phí thời gian tu hành của mình.

Khi con biết rõ rằng,vật chất chỉ là những vật ngoại thân ,thì đường tu tập mới được rộng mở !

                                                       000*000

Sau khi sư phụ viên tịch một thời gian Nhựt Tân mới dám đem cái chén kiểu cổ xưa ra dùng.

 Rồi cái chén được gìn giữ ,được cầm nắm hết sức trân trọng mỗi khi nâng lên ngang tầm miệng để và cơm ,khi xong bữa ăn  tự tay Nhựt Tân rửa .

Cũng phải có lúc,nó cũng bị vuột tay  vì nước tro quá trơn khi gặp chất men tốt cho nên rớt xuống trúng viên gạch bị bể ra làm ba mảnh !

 Nhựt Tân không bấn loạn cũng không quá tiếc món đồ gia bảo mà ông ngoại đã cho năm xưa với lời dặn dò nhớ  kỷ lưỡng nhen con !

 Thầm lo và lại sợ ông ngoại buồn vì bể mất món đồ trân quý, "Thầy" Nhựt Tân dặn dò các vị tăng ni trong chùa rồi khăn gói về quê nhà thăm lại gia đình cùng báo cho ông ngoại tin không lành về cái chén kiểu của Tàu đời Càn Long.

HỮU SINH TẤT HỮU HOẠI /CÓ SANH CÓ DIỆT !

 Nóng lòng đến nỗi Nhựt Tân ghé qua thăm ông ngoại trước.

 Đang lúc ông bệnh nằm trên giường,ông nghiêng người qua nhin đứa cháu nhỏ nhắn năm xưa,giờ đã thành một vị tăng lữ bề thế hẵn hòi.

 Nhựt Tân quì xuống cạnh giường,ông nhìn trên đỉnh đầu vị sư đã có hai liều với viên thẹo tròn trịa,ông mỉm cười nói con đứng dậy đi,ông mừng là con đã đi qua được một đoạn đường thử thách.

 Nhựt Tân lắp bắp trong miệng nói về cái chén quý ông cho đã không còn.Ông cười một hơi dài,tay sờ mặt đứa cháu thương :

    - Nè con,cái thế gian nầy có cái gì trường tồn vĩnh cửu không ? Nếu có,con chỉ cho ông ngoại coi ?

Biển cả trở thành đất liền,núi cao bao nhiêu lần trồi lên rồi tuột xuống ?

Có ai mà sống đời đời kiếp kiếp được hôn ?

 Đó ! Ngay như Tần Thỉ Hoàng quyền uy như vậy mà muốn tìm thuốc trường sanh cũng không được ;dữ tợn như Thành Cát Tư Hãn rồi cũng phải về với cát bụi .

Rồi con thấy đó ,có lâu đài nào trường tồn với thời gian hôn ? Có cây cầu nào chịu đựng mãi với tháng năm hôn ?

 Cái chén,cho dù nó được làm bằng gốm loại hảo hạng ở Giang Tô,lại được tay những người thợ giỏi cho ra lò xinh đẹp,sắc xảo nhưng nó cũng được làm bằng vật chất ở cõi hồng trần nầy.

 Nó có lúc ra đời và nó phải có khi bị hư hoại,cho dù nó được làm bằng sắt thép đi nữa !

 Bây giờ,đây là lúc ông dùng hai tiếng vô thường để nói với con .

 Chúng sanh đến đây với hai bàn tay không ,mình trần thân trụi.Chúng sanh sẽ và phải ra đi rồi thân xác trở thành bụi đất.

 Có một điều là loài người ,trong đó có ông,có sư phụ của con và con nữa đều TIN là cái ta vốn giả của mình là thật.

 Hỏng phải vậy đâu con,đức Phật đã từng giảng dạy rằng :Cái gì có sinh ra là có tử.

Cho nên cái chén nó phải theo quy luật đó con ơi !

 Chỉ có một thứ và là thứ duy nhất tồn tại theo quy luật của vũ trụ là linh hồn.

Chính linh hồn mới thu thập những việc thiện những điều ác trong kiếp nhân sinh của thân xác mà ông ngoại,con và mọi người trên thế gian mang đây.

Rồi đến lúc,linh hồn ấy lìa ra khỏi thân xác ô trược nầy rồi thì,đó mới gọi là nó đã qua được một nấc thang tiến hoá trong cuộc tuần hoàn dài dằng dặc mà mỗi chúng sanh phải kinh qua.

"NÓ" bất hoại nhưng con người vì mê trần nên sống nghịch với thiên ý,cho nên Linh Hồn  có thể bị hư hao chứ không bị hoại diệt 

Phạm huỳnh Ngân (29 tháng 12 năm 2020).







 

Nhận xét

Lê tây Trung đã nói…
Không có giá trị nào tuyệt đối

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

KHÔNG CÓ ,CÓ KHÔNG..MỘT VÒNG TIẾN HÓA!

KHÔNG THẦY,ĐỐ MÀY LÀM NÊN ?!.(Cổ nhân truyền khẩu).