Buổi sáng tháng Ba.

Chợ xã Dục Mỹ nằm sát quốc lộ 1,cho nên mỗi lúc có một xe nhà binh lớn chạy nhanh qua là trọn khúc đường ấy hường trọn lớp bụi mù.
 Từ ven bờ đường vài quán cafe bình dân  lèo tèo bày bán cho khách,mà hầu hết là lính tráng.
 Một địa danh nhỏ xíu lại chứa đến ba quân trường,trong đó có hai trung tâm huấn luyện nổi tiếng cung cấp những quân nhân cần thiết cho quân đội.
 Trường Pháo Binh và trung tâm huấn luyện Biệt động quân Dục Mỹ.
 Về hướng bắc của chợ là trung tâm huấn luyện Lam Sơn.Một nơi sát rừng đến độ có lần cọp từ trong  rừng ra vào trại tấn công tân binh đang trong thời kỳ thụ huấn.
 Quả không sai với câu "Cọp Khánh Hòa,ma Bình Thuận !" là vậy.
 Trước đó,nửa tháng lực lượng Nhảy Dù đã lập tuyến phòng thủ ở Khánh Dương.
Oanh tạc cơ bay liên tục từ hướng Nha Trang đến chiến trường để yểm trợ cho các đơn vị trú phòng.
 Tiếng máy bay gầm thét,tiếng các loại trọng pháo liên tục gây nên những tiếng nổ vang rền khá xa mà từ Dục Mỹ người ta cũng nghe được.
 Độ 9 giờ sáng ngày 30 tháng Ba ,có tin tuyến phòng thủ thép do lực lượng được xem là thiện chiến nhất của QL.VNCH  đã bị chọc thủng !
 Đây là lần thứ ba ,chính mắt tôi thấy cảnh người tất bật chạy giặc.
Chạy tránh,chạy trốn bom đạn bằng những đôi chân trần,bằng những phương tiện từ thô sơ cho tới cơ giới,bất cứ cái nào mà họ có được.
 Ở đó,những vầng trán nhễ nhại mồ hôi,những đôi mắt không còn biết do nước mắt hay mồ hôi được gạt ngang bằng tay áo nhìn về phía trước trong khi chân liên tục rảo bước.
 Nếu nói rằng,trong những con mắt của nạn nhân vì chiến tranh trên đường tầm phương lánh nạn là những đôi mắt thất thần (vì mới vừa thoát được bom đạn ),theo tôi không được đúng cho lắm.
 Rỏ ràng họ vẫn 'thấy đường'.Tức là họ vẫn quan sát được mọi thứ,cho nên họ không bị vấp,bị té,bị va vào người hay vật chung quanh.
 Nhưng,họ nhìn để thấy đường đi,để tìm hướng tới chớ không cần nhìn những quang cảnh,người,đồ vật chung quanh,kề cận.
 Thí dụ như,hàng trăm người,cùng luồng sóng người,kẻ trước người sau cùng liên tục nối đuôi như luồng nước chảy về một hướng di chuyển băng qua chợ Dục Mỹ buổi sáng hôm ấy.
 Hầu hết trong họ,những người lớn đều có ánh mắt âu lo nhìn xa xa về hướng Ninh Hòa .
 Cho dù bằng gồng gánh,xe đạp thồ,xe bò hay xe máy cày,tuyệt đại đa số những người vừa bỏ lại đàng sau lưng người thân yêu,tài sản ,ruộng vườn với vô vàn thương tiếc.
 Và,cũng theo nhận xét của tôi,qua bao nhiêu kinh hoàng,qua bao nhiêu biến động,qua bao nhiêu thương tật,chết chóc,ngay trong lúc hướng về phía trước mong tìm được sự sống là điều quan trọng hơn tất cả những mất mát đã qua sau lưng của họ.
 Chạy giặc.
 Lánh nạn.
 Tản cư.
 Hay sơ tán ,gì gì đi nữa vẫn là một cuộc tốc chạy bỏ của giữ thân trong cơn cuồng bạo của giặc giả,vừa bất lương vừa vô tình.
 Không bao lâu sau khi hớp ngụm trà nhạt của cữ cà phê tràn đầy vị đắng vào một buổi sáng trong cái không khí hoảng loạn dây chuyền của cuộc chiến,tôi,một kẻ ở phương xa cũng đã tới lúc tìm đường bôn tẩu.
 Điểm khởi hành của tôi là ngôi nhà thờ nhỏ,cửa gỗ khép hờ cạnh con đường ngập đầy gió bụi cùng hàng trăm âm thanh khua động.
 Tại đây,tôi đã có khoản ngắn thời gian cầu xin được những điều lành từ Chúa ,từ Đức Mẹ Maria.
 Giã từ Dục Mỹ với 42 ngày địa ngục của khóa Rừng Núi Sinh Lầy.
Tôi cùng một số chiến hữu bằng mọi phương tiện phải tìm cách xuôi Nam.
 Ninh Hòa với món nem nổi tiếng.
 Đèo Rù Rì với những đêm ứng chiến trong khóa Hạ sĩ quan Đồng Đế năm nào cùng với hai cây cầu Hà Ra,Xóm Bóng...
 Đồng Đế Nha Trang,một thời với những Vũ khúc lên đồi ở bãi Tập C cùng Bãi Tiên trong trận phạt vạ để đời mang tên Tình ca người đi biển cho đến khi đỉnh của nón sắt không còn một chổ nào khô...
 Nha Trang,có dinh ông tướng và  lá cờ sao đã hạ.
 Nha trang với phi trường không còn bất cứ phương tiện nào để lo cho lính có điều kiện rời xa.
 Nha Trang,tính cho đến chiều ngày 30 tháng Ba đã bị cơn  bạo bệnh chiến tranh hoành hành,dù chưa hấp hối nhưng không khí di tản đã tỏa lan đã bung ra từ những căn nhà nghèo khổ tồi tàn cho đến những căn biệt thự nguy nga,tráng lệ.
 Hầu hết đều nhắm về Ngả Ba Thành,con đường bộ  độc nhất tìm đến thủ đô Saigon.
 Một "giòng sông xe" dài bất tận đã có ở đó không biết từ lúc nào với tiếng người kêu kiếm tìm nhau,với tiếng kèn thảng thốt,vời tiếng súng chỉ thiên lạc lỏng bất chợt và âm thanh rầm rì liên tục của một đoàn xe đủ loại dài ngút ngàn.
 Đeo lên được xe là điều sung sướng của những kẻ quá giang.
 Thế nhưng,khi ghé được một chổ ngồi,nhìn trái về phía sau xa mút mịt mờ,tôi chợt xúc động một cách mãnh liệt đến lạ lùng,rồi nước mắt bất chợt trào ra  :
 Ánh mắt của những người gồng gánh,bồng bế nhau chạy giặc vào buổi sáng hôm nay.
 Ở chợ Dục Mỹ.
Phạm huỳnh Ngân.

Huế  Tết Mậu Thân 1968 Tìm chôn thân nhân sau trận thảm sát..

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

KHÔNG CÓ ,CÓ KHÔNG..MỘT VÒNG TIẾN HÓA!

KHÔNG THẦY,ĐỐ MÀY LÀM NÊN ?!.(Cổ nhân truyền khẩu).