BÀ NỘI .

Nhắc tới bà nội của tôi, dù thời gian cùng ở với bà được độ hơn ba năm.Trong khoảng ngắn ấy, nghe lời nói,cách sống cùng với nỗi cơ cực của bà, tôi mang theo đây,ngay hiện bây giờ đã có hơn bảy mươi năm.

     Trí nhớ của tôi về bà,về ngôi nhà nhỏ,nền đất cùng quang cảnh chung quanh đó tôi vẫn còn tự giữ chặt,trừ phi một biến cố nào đó làm cho trí nhớ của tôi bị mất đi.

   Tuy không là bao nếu so với tuổi đời hiện tại của tôi hiện nay nhưng gần như tôi không hề quên những tiểu tiết trong thời gian gần bà và,tôi có thể vẽ ra bức tranh hay kể lại vị trí toàn cảnh gần như chính xác tới bảy mươi phần trăm của nơi mình từng hàng ngày ra vào.

      Lộ đất,là con đường đi lại của người dân từ ấp lên chợ hay ngược lại, chia đôi phần đất thổ cư của nhà bà nội tôi làm hai phần không đều nhau .

     Đó là con lộ công cộng.Nếu đứng trước cửa nhà  xây lưng vô ,trước mặt là lộ cái ,hướng tay phải là đường lên chợ Rạch Đình,trái về hướng cuối của ấp Phú Lễ,xóm Cồn.

   Cặp với con lộ là mương bề ngang khá rộng,dưới đó là dây bông Súng với lá và bông ở trên mặt nước,cọng khuất dưới  và lẫn lộn các thứ Rong.Mương này không có cá tôm,chỉ có loại cá Bãi Trầu ,có lẽ do nước trong.

                                          Ảnh tượng trưng.

Qua mương này là sân mả của đại gia đình họ Huỳnh cùng với một ít người ngoài,theo lời kể của bà nội.

   Khu sân mả hình vuông,mỗi chiều độ bốn chục mét,chung quanh là những cây dừa lão ốm và thật cao mà ít trái.Một cây xoài Thanh Ca nghệ,thân của nó gần gốc phải hai người ôm mới giáp.Trái không sai nhưng thật ngon.Đây là cây có giá trị nhứt ở khu sân mả,ngoài ra còn một cây Mù U nằm giáp ranh với phần đất khác chủ.

     Đất của khu này khô cằn, một loại cây dại tên là Đậu Săng và  cây rau Ngò Gai mọc đầy bông với thân bông và viền lá gai thật cứng,có thể đâm lũng da chân.Nơi nầy hai loài cây thường sống ở vùng đất không cần nước và thân của đậu Săng thì rất dai.

      Một số mả có đặt trụ bằng đá Ong.Loại đá này vùng đồng bằng sông Cửu Long không có.Đây là mộ phần  bà cố của ông nội tôi.

  Phần đất phía này chỉ  được chăm sóc vào dịp Thanh Minh và cuối năm.

Trong khoảng thời gian  ở gần với bà tôi đã nghe nhiều lời ,có khi bà tự nói một mình tôi nghe được,có khi bà kể cho tôi nghe hay có lúc dạy dỗ,chỉ dẫn để sống làm người “ đàng hoàng “ theo cách nhấn mạnh của bà.

   Thường thì bà lầm bầm trong khi làm lụng việc gì đó hay lúc bà ăn Trầu.Về sau,quan sát kỹ tôi nhận thấy lúc ngồi trên bộ ván,chân đong đưa,ngoáy giã rồi têm trầu cho tới khi miếng Trầu đưa cô miệng nhai bõm bẽm rồi bà mới nói. Đây là lúc ký ức bà gom lại để được dịp lần lượt thoát ra.Có khi đầy đủ lớp lang,có lúc phải chờ bà nhăn trán vỗ nhẹ vài cái rồi tiếp.
  Ăn trầu,có hai cách.Nếu như bận  hay phải đi khỏi khay trầu thì "têm trầu",tức là không có thì giờ ngồi lâu, cho nên lấy một lá trầu dùng cây chìa Vôi chấm vô ghè rồi trét lên lá một lớp vôi mõng cùng miếng Cau khô hoặc tươi (Tươi"ngon" hơn,theo như bà nói).Ba vật liệu nầy làm căn bản cho một món Trầu têm,nếu ai thích thuốc sỉa thì thêm.
  Têm trầu,là để nhai đi làm lụng hay đi đâu đó không quá xa nhà.
  Còn ngồi tại chỗ để ăn trầu thì trầu cau vôi sẽ được ngoáy (đăm/giả) đều hơn.Ngay cái dụng cụ được bà dùng làm “ ống ngoáy trầu “ đã có thời người Tây bắn súng đại liên từ máy bay xuống và cái I -ti ( vỏ đạn) rớt ngay phần đất sân mả, bà lượm được làm cái ống để giả trầu đã có từ ngày tôi chưa sanh ra đời,mà hiện tại nó vẫn còn xài được.
  Chỉ cái lý lịch của một món đồ vô tri mà bà tôi có khả năng dắt tôi trở về thời quá khứ,một giai đoạn chết chóc do người ngoại bang gây nên, của một xứ bị thuộc địa và người dân  Việt trong vòng nô lệ đó ,đã phải hứng chịu biết là bao khổ ải tù tội chết chóc.
   Trí nhớ của bà,theo tôi nhận xét đã không bị mờ nhạt theo năm tháng mà,có thể nói tồn tại,sắc bén do bà nhắc đi,nói lại mỗi khi có việc gì liên quan.Thi dụ như khi cây xoài Thanh Ca nghệ gốc từ cuối sân mả mọc lên rồi càng lớn càng nghiêng hẳn sang vườn của người khác,khi nội tới coi năm nay nó có bông nhiều hay ít,thì dấu đạn từ trên máy bay của Tây năm xưa làm cho thân cây bị thương và nay còn thẹo ở ngay chỗ này ,vẫn được bà diễn tả trung thực ra như sự việc xảy ra cách đó không lâu….
  Có ai ở đó,có ai chú ý nghe hay không,bà không cần thiết.
  Lúc bà muốn nói là bà nói,như một lời cầu kinh,như ôn lại một bài học,như sợ không nói ,không kể ra rồi  những câu chuyện ấy sẽ bị trôi mất theo thời gian đi.
  Cũng xin nói rõ,là bà nội tôi là một người tỉnh táo,bình thường không có bất cứ loại bệnh nào có liên quan tới thần kinh.
   Bà sanh ra trong một gia đình nghèo , đông con ( thường ở vùng quê ,hai điều nầy đi đôi nhau).Ông bà cố của tôi đem bà “ở đợ”.
   Tôi chỉ được biết là ông nội của tôi đã chuộc bà….
     Nghèo nàn lại kèm theo bất hạnh lớn là không được đến trường lớp.Bà chỉ học và biết các điều đúng sai,hay dỡ,thiện ác từ nơi trường đời.
    Hình như dĩ vãng của thời gian gian ở đợ đã trở thành một vết hằn sâu đậm trong tâm tư của bà.Bà chỉ nhắc chuyện ông nội chuộc bà ra khỏi kiếp tôi đòi đó.Tôi không dám hỏi sâu vô chuyện này mà chỉ có thể suy đoán vì do ông nội giải phóng (đúng nghĩa),cho nên bà mang họ của ông nội chăng ?
    Cùng thời ,cùng quan niệm,cùng bị chi phối cách sống của xã hội chung quanh,cho nên bà bị phải chấp nhận thân phận của người phụ nữ sống trong cảnh chồng chúa vợ tôi.
   Tôi chỉ được nghe mẹ hay chị lớn kể,ông nội là dân cờ bạc chuyên nghiệp và nghe nói thời đó ở trong một ấp hay một làng không phải chỉ có một sòng bài.Cho nên,bà nội nấu các món ăn mà dân đánh bài thâu canh,suốt sáng thích ăn, gánh tới tận chỗ bán.Bà cho đó là lý do bà nấu ăn ngon vào những dịp Tết,hoặc nhà đám tiệc.
  Giống như các đàn bà khác,bà nội của tôi cũng đã là nạn nhân của bạo hành mỗi khi ông nội tôi thua bài .
   Và,cũng giống như những người vợ đảm đang khác bị lọt vô tình cảnh làm vợ của người chồng có máu đỏ đen ,mỗi khi ông chồng ăn bạc thì,ngay lập tức phải tìm cách phân tán tiền bạc bằng cách mua sắm các vật dụng tu bổ nhà cửa.
   Thứ nhứt,những đồng tiền người chồng mới đưa đó nếu đòi đưa lại cũng không còn vì đã mua sắm đồ vật cho gia đình rồi.
  Có thể đây là nguồn gốc ông bà nội tôi đã có một căn nhà tương đối lớn với những hàng lu đựng nước,mỗi cái chứa được hai trăm lít nước mưa để chung quanh mái hiên và những chiếc cầm đôn bằng sành ở trong nhà,theo lời bà kể.
  Những thứ đó,khi đến ở với bà tôi chỉ thấy một phần nhỏ của cái lu đã bị Tây đập bể, dùng để chứa nước tro đặt ở sàn nước sau nhà.Đó là một loại nước để rửa chén,giặt đồ.
  Còn kỳ dư hầu hết cẫm đôn và lu đã bị Tây đi ruồng đập cho tan nát hết!
               *
   Bà nội tôi nói cái nhà hiện bây giờ hai bà cháu mình ở là cái thứ ba.Hai cái trước với cái này xê xích nhau không xa.
  Tôi không biết tại sao lại dời nền nhà hai lần mà từ cũ qua mới với khoảng cách chỉ xê xích nhau chưa quá mười lăm thước.
   Cách bờ lộ là cây Vú Sữa,loại này khi chín da bóng cho màu nâu sậm như màu của trái Hồng Quân vậy.Lúc tôi biết thì có thể nói nó sắp thành cổ thụ rồi.
   Lùi về phía nhà là cây Quýt Đường vỏ mỏng,chỉ bấm móng tay vô vỏ của nó là mùi thơm không dấu được.
   Một hoặc hai cái mương đã cạn từ khi nào rồi nhưng so với chỗ đất bằng như gần cây Vú Sữa thì nó trũng thấp hơn độ chưa tới nửa thước.Chính cái mương cạn đó,về sau này ,lúc lớn lên khi xa bà tôi một biết giá trị của nó.
   Hai cái mương lạn ấy nếu nói là cái mương độn cũng được.Bởi vì nó là nơi chứa các loại rác hầu hết là vỏ trái cây ,chẳng hạn như vỏ dừa,vỏ mít,hay các loại rác không gây nên mùi hôi.Như vậy,cái mương độn,tự nó đã là nơi ẩm thấp quanh năm,sau những cơn mưa và nhứt là mỗi năm vào tháng Tám Âm lịch,mùa nước rong.Nước tràn lên bờ phủ hết sân,chỉ không lên được nền nhà mà thôi.
 Sau đó,nước rút xuống để lại khắp nơi nước đã tràn lên là một lớp phù sa mới tinh.
   Đây chính là một loại phân bón tuyệt hảo cho các loại cây  nếu như nó còn sống được sau những ngày ngập nước đó.
  Thường,cây Thu Đủ và chuối trốc gốc ngã ngang chết trước,lý do dễ hiểu là hai loại cây này rễ ăn ngang chớ không ăn sâu xuống đất.
    Bà nội tôi có biết điều đó,cho nên bà liệu cách nào an toàn nhứt để giữ cho được những bụôi chuối trước khi con nước rong hàng năm tràn lên. 
  Các buội chuối ,gồm có chuối già Cui và chuối già Hương.Hai loại này trái lớn như nhau,có điều chuối già Hương khi hườm hườm cho tới chín muồi tỏa ra hương thơm dịu lôi cuốn.Một cây chuối loại lớn trái mỗi buồng được cỡ tám tới mười nải.Thường thì phải dùng cây chống đỡ cho nó không bị ngã khi buồng chuối đã lớn đầy đủ.
   Bà Nội tôi nhìn kỹ trái chuối,thấy các đường gân bốn bên trên trái chuối đã lặn mất cùng với màu xanh đậm của trái chuối nổi lên,thì lúc bấy giờ bà với cháu cùng nhau hợp sức hạ dần buồng chuối xuống để bà đem vô buồng vú bằng khí đá.
  Vú chuối,theo cách thức của bà không phải chỉ việc để nó vô lu hay khạp  với số lượng khí đá rồi đậy nắp lại là xong.Bà soi đèn coi nó (chuối) đổ mồ hôi chưa và soạn trở cho chuối chín đều.Bà thật nhẹ nhàng trong những việc này vì trái chuối bị trầy xước làm cho trái khó coi,người mua sẽ chê!
     *
   Phần đất nhỏ hơn khu sân mả.Nó chỉ hơn phân nửa ,đằng sau nhà,cạnh sàn nước có cây Khế chua, thân cành thấp với những trái thật lớn không ai thèm dòm ngó tới.Bà nội chỉ dùng để chà sạch mấy món đồ dùng bằng nhôm,đồng..
 Cây Khế rồi nối tiếp là năm cây Măng Cụt với tàng lá dày,xanh đậm đứng cách mé bờ con rạch lớn có tên là Bà Hét độ chừng năm mét .
  Không biết từ lúc nào,khi về ở với bà mỗi lúc chạng vạng tối thì cả bầy gà lần lượt lên nhánh thấp nhứt của  cây Măng Cụt ngủ.
  Lâu lâu có một con gà ngủ trên nhánh cây ,dưới là con sông nhỏ,nước chảy xiết lúc lớn hay giựt ròng,con gà ngủ mê đó bị rớt xuống trôi mất.
  Hết hàng cây này,bên trái có một thân cây Vông thật lớn đã chết không biết từ lúc nào,nằm dọc trên bờ mương ranh giới với cuộc đất khác chủ.
  Từ rễ,là gốc của một dây Tiêu bám chặt lấy thân cây chết đã ra lá xanh đậm cùng những chùm Tiêu từ nhỏ li ti tới lớn dần rồi tới mấy chùm già khô .Một số chùm với  hột tiêu già bị ánh nắng mặt trời ngả qua màu vàng sậm.Bà nội tôi kho cá Mề Gà với tương đen,rồi cho cả vài chùm Tiêu già chuyển màu,sắp chín thật là ngon.Món này,tôi nhớ chắc chỉ được ăn vài lần vào thời gian đó.Tôi chắc chắn sẽ không có cơ hội thưởng thức lại món ngon mộc mạc với cá và Tiêu tươi thơm  quyện mùi với nhau lần nào trong đời nữa.
  Chuối được bà tôi nói đó là nguồn lợi của gian nhà có hai miệng ăn.
  Gà nuôi để đẻ trứng.Đây cũng là nguồn phụ thu.
  Mua gạo,dầu lửa,muối…là tiền từ đó ra.Thức ăn thường ngày là cá,tép tôm tôi đi xúc tát kiếm được đủ ăn.Ngoài ra,mỗi năm có một mùa cá Linh từ hướng trên đổ về,dịp này bà nội mua với giá thật rẻ,bà cất nước mắm bằng loại cá này thật ngon và dư đủ cho hai bà cháu dùng để nêm nếm hay ăn cả năm.
        **
  Mỗi lần đội một thúng đầy chuối lên chợ Rạch Đình bán từ sáng sớm,thì tôi biết chắc bà sẽ về tới nhà lúc tối mịt mù ,không cần biết có mưa gió hay không.Còn chuối thì tôi chưa thấy ế bao giờ.Nếu những lúc bà về sớm một chút và không bị mưa giông,có khi tay bà kéo một hai tàu lá dừa hoặc mo nang để dành chụm lửa.
  Mấy lúc bà vắng nhà như vậy mà gặp  trời mưa giông thì đó là lúc kinh sợ khá nhiều mà tôi phải cố chịu.
   Sát bên nhà,cạnh xẻo nhỏ có hai cây dừa ngả và chạm sát nhau,mỗi khi gió tiếng khua của nó đã là âm thanh đầy đe dọa,trước nhà là các lùm chuối bình thường không có gì để ớn nhưng khi bóng đen phủ trùm cảnh vật thì cả mấy tàu lá rũ xuống cũng làm cho tự mình tưởng tượng rồi tự mình sợ.
  Bên kia đường là sân mả,ngoài sau hè, cạnh bờ sông Bà Hét với dòng nước chảy mạnh lôi ở theo nhánh cây hay mấy tàu lá Dừa Nước va chạm vô bờ ,tạo những âm thanh kỳ lạ,làm cho đứa trẻ chết nhát mà giàu trí tưởng tượng nghĩ rằng dưới đó có con Ma Da mình mẫy đen ngòm, da trơn đầy nhớt trồi từ dưới nước lên ngồi đâu đó sau cửa nhà kế bên cây Khế và sẵn sàng lôi người ta xuống nước mà nạn nhân vô phương vùng thoát..
  Nhà nghèo nhưng tôi vẫn được cắp sách tới trường cho đến gần giữa năm 1.962.
  Lúc đó tỉnh Kiến Hoa bị quân phiến loạn có tên là “Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam “chọn làm tỉnh “ đồng khởi “ trong cuộc nội chiến.
   Khởi đầu từ là vùng “Sôi đậu “ ,cho tới khi máy bay của Chánh phủ rải truyền đơn và loa phóng thanh kêu gọi người dân ở những vùng này (trong đó có làng xã của tôi) hãy sớm dời đi,vì không lâu nữa sẽ trở thành vùng “Oanh kích tự do “.
          ***
   Người chị của tôi đã tìm cách đưa tôi lên Saigon sau giữa tháng Sáu năm ấy.Lúc đó,tôi đã vừa xong lớp Nhì của bậc tiểu học.
   Tôi yên thân ở đất đô thành nhưng với đầu óc của một đứa trẻ,tôi không biết và cũng nghĩ không ra làm sao để bà nội tôi sống được trong tình cảnh bom đạn sắp tới cũng như làm người dân  chỉ có một cổ mà tới hai tròng.
   Gần cuối năm đó,nhân có vài ngày nghỉ học,chị tôi đưa tôi một số tiền nói về thăm và cho bà nội.Đây cũng là thời gian không lâu nữa Tết ta.Bà cháu gặp nhau có biết bao nhiêu điều để tôi nghe bà nói và tôi kể cho bà nghe chuyện Saigon có không biết bao đèn ngọn xanh,ngọn đỏ.
    Phút tương phùng chưa là bao thì có tiếng máy bay từ xa.Bà nắm tay tôi chạy về ngay gần cây Vông nằm với mấy dây Tiêu.Gần đó có một cái hầm trú ẩn mà trước đó,lúc ở với bà tôi không hề biết vì phía trên được chất một số nhánh cây cùng với tàu lá dừa khô.
   Khi chun vô xong bà mới nói cái hầm tránh bom đạn này có từ hồi mầy chưa đẻ lận,tưởng Tây đi rồi không còn cần nữa.May không,nếu phá bỏ rồi ai đâu mà làm lại!
   Máy bay bay qua,tôi quyến luyến thưa ba trở về nơi thị thành hoa lệ ăn học bình yên.
        ****
    Lần về quê thứ nhì,tôi ngồi đò dọc từ Mỹ Tho về Tân Lợi,một xã còn an ninh và trù phú.Đây là nơi gia đình bác Hai tôi lập nghiệp.Bà nội tôi mừng nhưng không đứng lên được.
   Bà bị bán thân bất toại trong tình trạng iã tri đái dầm!
           *****
  Sáng sớm hôm sau,ngồi trên đò khi đã ra khơi giữa giòng sông Cái (Tiền Giang) nhìn hai bên là nước,hình ảnh về bà không hề xa lìa tôi.
   Tôi chỉ ôn lại đời của bà bằng chính những lời kể của bà.
    Rõ ràng từ ngày bà sanh ra trong cái nhà  đông con nghèo khó rồi ở đợ rồi có chồng rồi chiến tranh rồi một thân một mình…
    Tôi ít bao giờ dám nói điều gì bằng tính cách vỏ đoán nhưng trường hợp của bà tôi,có lẽ trong những năm dài làm người,bà tự mình bắt buộc mình phải sống.
    Tôi chắc bà chưa có dịp nào ngồi trên bộ trường kỷ ăn miếng trầu Vàng với loại cau Tầm Vung cùng cục thuốc sỉa vàng ươm Long Khánh, rồi dòm bầy gà qua lại trước mấy luống bông Cúc,mấy chậu kiểng có cây Mai Tứ Quý đâu.
              ******
     Là một người sinh trưởng ở miền Nam,tôi đã được đọc một số truyện dài,ngắn của các nhà văn ở vùng đất hiền lành này viết.
    Hầu hết phần cuối câu chuyện đều có hậu,Anh ngữ họ dùng chữ “Happy Ending “ .
     Lớn lên,xem phim truyện ngoại quốc những phần kết, đa số người ngay thẳng,thiện lành đều ít nhất cũng được một phần thưởng khiêm nhường là  cũng thoải mái hơn cảnh bà tôi phải nằm liệt một chỗ và mọi việc đều trông chờ nơi lòng từ tâm của người chung quanh.
      Kính dâng lên linh hồn của bà Huỳnh văn Dư nhủ danh Huỳnh thị Hường.
    Phạm huỳnh Ngân.
    Email:pham.h.ngan@gmail.com

  

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

KHÔNG CÓ ,CÓ KHÔNG..MỘT VÒNG TIẾN HÓA!

KHÔNG THẦY,ĐỐ MÀY LÀM NÊN ?!.(Cổ nhân truyền khẩu).