BỆ CỬA SỔ VÀ VÀI CHẬU BÔNG.


Cho dù đó là một người có tánh cãi bẫm sanh,cãi ngang như..cua,cải bất kể phải trái,cãi lấy đặng lấy được ,cãi cho được phần mình đi nữa thì,khi ấy,tức là ngày đầu ăn cơm nhà binh hay văn vẽ là ngày đầu trong binh ngũ, thì  cũng bị câu tiêu lệnh này đã có sẵn hồi đời nào tới giớ nó chi phối:
 “-Thi hành trước,khiếu nại sau !”.
 Thường thì thi hành cho nên đến ..mờ người cái đã,còn có khiếu nại được hay không và có giới chức nào chịu nghe rồi chấp nhận rằng anh đúng thì đó lại là chuyện dài đời lính.
 Lẽ tất nhiên,trước đó một vị hạ sĩ cũng đã có nói và lập lại đôi lần rằng hễ đã là quân nhân thì con chó chạy ngang qua ,cán bộ huấn luyện ở quân trường nói đó là con mèo thì cũng không dược cãi.
 Đó là quân lệnh!
 Cho nên,một dân thường sẽ phải chịu để  cái tánh cãi qua một bên thì mới dần dần thích nghi được với quân đội.
 Cũng xin nói rõ không phải hễ đã khoác chiến y thì ai nấy cũng đều ăn nói ngược xuôi như những lời mô tả vừa rồi.
 Đó là một bài học (phải)thuộc lòng và nhập tâm một cách vĩnh viễn như câu “hệ thống quân giai” là,trên nói dưới nghe . Không nghe? Là bất tuân thượng lệnh.
Người lính nào bị vướng vô câu này,nhẹ thì phạt vạ,nặng có thể ra tòa án quân sự.
 Và rồi,chỉ sau một thời gian không lâu ở lính người tân binh hay ông lính già đều thích nghi và thích thú với điều đó.
  Cho nên,người lính sau khi giải ngũ rồi,tánh ngăn nắp,tánh tự giác,tánh kỷ luật với mình và với người cũng vẫn còn đeo theo ông hay anh ta dài lâu.
       *
   Sau biển cố 30/4/75 hầu hết sinh hoạt bình thường của người dân ở thể chế tự do ở miền Nam Việt Nam bị thay đổi,bị xáo trộn.Điều khác thường đó là từ tốt thành xấu,từ thanh lịch thành thô bỉ,từ ngăn nắp trật tự thành hỗn loạn xô bồ.
  Điều rõ nhất là dưới sự cai trị của chủ nghĩa CS,người dân ở trong đó chỉ có thi hành mà thôi!
 Sẽ không có cái vụ…khiếu nại sau,bởi vì họ đã chặn họng mọi người rằng Đảng là sáng suốt,là đuốc soi đường,cho nên lãnh đạo thông minh,tài tình và đảng không bao giờ sai.Nếu có,là do cấp dưới thi hành không đúng.Cho nên người dân chỉ có việc nghe rồi thi hành.Đây còn độc tài hơn quân phiệt nữa.
 Con người, từ khi đã bị bức màn sắt chụp xuống cho tới ngày nhắm mắt lìa đời chỉ biết nghe lời và thi hành theo lệnh của những người cai trị.Bức màn sắt thế kỷ 20 có khác với bây giờ đôi chút nhưng tựu chung vẫn là bưng bit và che đậy bằng dối trá với nhồi sọ người dân với thủ đoạn “ biến gian dối thành sự thật!”.Điều này,dân tộc Việt đã từng bị trong thời kỳ Bắc thuộc cả ngàn năm.
  Đề kháng bằng tư tưởng là phương cách chống đối trước để giữ cho thâm tâm mình và gia đình không giống với lời ăn,tiếng nói cùng với phong tục của kẻ cai trị mình.!Đây chính là vũ khí vô hình mà tiên tổ của chúng ta khi bị ngoại tộc cai trị cả ngàn năm mà không bị biến mất ngôn ngữ,không bị xóa mất những nền nếp đẹp về văn hóa phong tục,tạp quán của tiền nhân truyền lại.
   Chống thế lực ngoại bang dùng cường lực,dùng đánh đập,tù tội để khuất phục người bị trị mặc nhiên tự trong đầu óc của người bị đàn áp đã được họ tự trang bị một loại vũ khí để giữ lấy thân,để đề kháng trong trường hợp bị sa cơ thất thế,bị tra khảo cật vấn: Chối bỏ và dối lừa và phủi tay với những gì mình đã làm.Nôm na là không nhận trách nhiệm những thiệt hại do mình gây ra và tìm mọi cách để đỗ thừa.Điều này,sau nhiều lần sẽ trở thành thói quen rồi thành gian dối với người cùng với chính mình.
  Đó là một trong số những nguyên nhân làm cho con người ( không phải tất cả)ngày càng xa lìa với thật thà,vốn vẫn được trường học,gia đình ngày tháng dạy dỗ.
  Môi trường sống,thói tật tốt xấu,ảnh hưởng của tôn giáo tác dụng lên con người sống ở đó .
   Không hẳn trăm phần trăm lên  tất cả con người ở đó nhưng chắc chắn ảnh hưởng của những điều vừa nêu lên không ít.
   Người đời vẫn có câu : -" Cha mẹ sinh con ,trời sinh tánh".Câu nầy đúng và cũng chỉ một phần nào thôi.
  Ngay trong gia đình có một đàn con cùng chung huyết thống,cùng chung một sự chỉ dạy của cha mẹ nhưng không phải ai cũng giống ai,mặc dù những bậc cha mẹ lúc nào cũng muốn cho con cái mình giống tánh ý của song thân.Đã có những khác biệt  một trời một vực giữa những anh em,chị em với nhau mà chúng ta trong đời đã từng gặp.
  Đó cũng là lý do đa số những người có điều kiện,họ tìm nơi vừa ý để mua hoặc tạo dựng nhà cửa để ở.
  Ngay thời kỳ này,nước Việt Nam đã được thống nhất gần năm chục năm rồi nhưng quan niệm,cách sống,lối hành xử giao tiếp với nhau vẫn còn cách xa ,mà nếu người có lòng với đất nước cho rằng chắc không có dịp nào lòng người giữa hai miền đất nước có thể gần lại với nhau được; dù đó là một giống dân thuần chủng,mặc dù hai miền phân ly với nhau từ 1954 cho đến 1975 mà thôi.
       *
 Nhòm ngó,nghi kỵ,sợ hãi và gian dối với nhau phải trở thành một cách sống của của người dân ở dưới chế độ Cộng Sản.
 Phải trở thành để thích nghi,để tồn tại trong xã hội mà những người cai trị lúc nào cũng nhìn người dân như là kẻ thù tiềm tàng,ai ai cũng có thể là phản động,kẻ nào cũng có thể là thế lực xấu hoặc tệ hơn nữa là…phản cách mạng!
  Gian dối với chánh quyền phải được xem là một cách bảo vệ bản thân và gia đình,mà bản thân mình giống như con Nhím.Phòng thủ chứ không phải tấn công,thủ thân để được sống còn.
  Chối bỏ,phủ nhận trách nhiệm và sẵn sàng chối bai chối biến,nếu cần phải cãi ngang hoặc thấp nhất là so bì hơn thua giữa mình và người khác.
 Đó là cách giữ cho bản thân mình được yên cho qua ngày đoạn tháng của một thường dân trong chế độ CS.
           **
 Cho phép tôi được dùng chữ Tôi từ đoạn này về sau.Chữ tôi để xác nhận rằng đó người trong cuộc,nhân chứng trong câu chuyện.
  Quê quán tôi ở trong một vùng “Sôi đậu “,một từ ngữ của VNCH dùng thông dụng vào thời đó,tức là ở ấp,xã ban ngày quân lính của chánh phủ tới lui gặp gỡ người dân từ lúc họ có mặt cho đến lúc họ trở về đồn bót thì tiếp sau đó cho đến sáng hay trưa hôm sau thì những người thuộc phe phiến loạn (danh xưng đó được chỉ về VC thuộc Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam VN) làm chủ tình hình.
    Buổi chiều phe VC xuất hiện chỉ dẫn cho người dân phá sập cầu,làm rào cản đường thì hôm sau lính từ đồn ở trên Xã xuống huy động người dân dân làm lại.Người ta dùng chữ người dân thời đó một cổ hai tròng qua thật không sai.
  Phía VC họ gầy dựng các đoàn thể như hội phụ nữ ,hội nông dân,đoàn thiếu nhi…
  Họ kêu gọi nhưng gần như ép buộc những đứa trẻ cỡ lớp Ba,lớp Nhì như tôi tham gia các buổi họ gọi là “sinh hoạt “.Tôi rất dị ứng với ba cái vụ này và  đã nhiều lần thối thát nhưng lần chót bị gài ép ,cùng đường tôi đã “nói láo “ một cách tề chỉnh trong tư thế hết sức tự nhiên.Tôi nói ,nhà tôi bà nội tôi già yếu rồi,tôi có xin bà để tham gia nhưng bà không cho ,vì bà cần tôi làm lụng phụ sự việc nhà.
  Đây là lần đầu tiên tôi nói láo ,nói láo để tránh một việc mà bản thân tôi không thích và đã thành công cùng với sự chấp thuận của bà nội tôi .
         ***
  Sau tháng Tư 75,tôi bị ở trong chế độ mới hơn tám năm,trong đó có hơn một năm tù,trước đó canh giữ tù binh CSVN có hơn hai năm và độ gần hai năm ở độ tuổi thiếu nhi !
  Cứ cho là mười năm đi!
 Mười năm đó nếu tôi nói tôi không hiểu biết thấu đáo về những con người và cách hành xử của họ thì tôi thật là ngu,và cái ngu đó khó mà tha thứ được.
 Bản thân tôi,tôi phải tự đề kháng trong âm thầm với từng tiếng nói,từng thủ đoạn của họ.
  Những tiếng họ càng dùng nhiều chừng nào tôi càng tránh.Tôi sợ bị nhiễm,tôi sợ bị lây từ câu “đăng ký ,sự cố,bước ngoặc,hoành tráng bức xúc,hụt hẫng,vỡ òa….” Tôi tránh xa và chỉ mong sao ở họ đến cuối đời mình sẽ không bao bị lầm lẫn dùng nó!
  Song,muốn giữ được một tờ giấy trắng ở một nơi nhớp nhứa với bùn với nhiều tạp chất dễ lây, e rằng không phải là một việc dễ.
  Tôi cũng đã có bị nhiễm thói nói láo lẹ như chớp vào những lúc họ tìm mọi cách tống khứ người dân ở Saigon đi kinh tế mới .Tôi bị sống ở nơi chốn gần như thiếu đủ thứ,cho nên phải buôn chui,bán lén những gì mà “nhà nước cấm “,chẳng hạn như một ký tỏi,bảy trăm gr. thịt heo…để sống,để cho con mình có chút mà ăn.
  Tôi cũng sẵn sàng chối bai ,chối biến những việc bị gọi là “lậu lén “, theo cách định nghĩa của những người cai trị.
   Qua thời gian,những cái “gian” nho nhỏ những lời “cãi lấy đăng,lấy được “cho qua nhằm giữ lấy thân nó đã “thấm “vô con người của tôi hết sức nhẹ nhàng đến độ không hề hay biết.
            ****
   Tôi may mắn được định cư ở một xứ sở tuy không hoàn hảo nhưng cách sống,cách cư xử giữa người với người thật cao đẹp và bản thân mình không phải làm con Nhím lúc nào cũng ở tư thế phòng thủ.
  Nơi tôi ở là một khu nhà liền vách,một dãy có bốn đơn vị gia cư ( tức là bốn nhà).
  Luật của hiệp hội chủ nhà rất rõ là ở phần phía trong nhà và phần trong vòng vách,người ở có quyền trang trí,trồng trọt,sơn phết theo ý của họ muốn.
  Phía ngoài thì không !
 Tôi có cố ý trồng mấy chậu cây kiểng phía ngoài,sát vô vách hàng rào nhà mình.
  Việc này,do đi bộ ,tôi nhìn thấy một số nhà trong khu gia cư này đã làm.
  Không lâu,trên văn phòng họ gởi thơ cho biết việc đó (có kèm theo ảnh)vi phạm luật lệ của hiệp hội chủ nhà.
   Thay vì dẹp,tôi cố tình trì hoãn cho đến khi họ gởi tiếp thư cảnh cáo và hứa sẽ phạt vạ bốn mươi lăm đồng cho lần đầu.
   Tôi dẹp nhưng có lẽ chưa dứt được cái bệnh lì  ở nước CS đem qua, kèm với chút láo cá bị VC lây nên vẫn còn chừa lại mấy chậu nhỏ như trong ảnh.
 Cho tới khi một cái Email chót gởi tới .
 Tôi vẫn chưa hết ấm ức những lúc đi qua mấy nhà vẫn còn các chậu phía ngoài vách rào.
  Cho tới khi,chuẩn bị gõ những dòng này tôi mới tự nghiêm nghị nói cho chính mình nghe :- Luật người ta đặt ra,mình chấp nhận ở thì phải tuân theo.Đâu cần gì phải tìm cách lòn lách vậy.Ở đây,đất nước có kỹ luật tự giác,đâu cần phải đợi người ta dùng tay chưn đấm đá rồi mới thi hành . Tự mình phải sống và suy nghĩ  thật với mình trước .
Phạm huỳnh Ngân.
  
   

Nhận xét

Người Chốn Cũ đã nói…
Phạm Huỳnh Ngân có những quan niệm và nhận định rất thực tế.
Biết là nhập gia tùy tục nhưng trãi qua bao biến cố, vẫn tìm cách tránh né một chút !

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

KHÔNG CÓ ,CÓ KHÔNG..MỘT VÒNG TIẾN HÓA!

KHÔNG THẦY,ĐỐ MÀY LÀM NÊN ?!.(Cổ nhân truyền khẩu).