NÊN MỪNG .


Chùa Một Cột,một biểu tượng  nền văn hóa cao đẹp của Việt Nam.
 Trong một buổi sáng đọc được bài viết của người phụ nữ,theo lời của bà thì năm 1.954 bà đã được gia đình đem vào miền Nam trong cuộc di cư được mô tả là vĩ đại.Bà cũng cho biết là lúc ấy bà đã được chín tuổi cho nên “..tôi có thể nói là biết được văn hóa của cả hai miền!”.

Bằng văn phong nhẹ và lịch sự ,tác giả đã cho người đọc thấy rồi cảm nhận được tư cách và cách hành xử giữa người với người ở hai miền của đất nước.Ở đó người ở miền Bắc vô Nam rồi sinh hoạt với người ở trong nầy như thế nào và,người dân ở miền Bắc (không phải dân di cư 54) vô Nam đi công cán hay làm ăn gì đó,cho đến lúc trở về lại quê nhà của mình với một tâm trạng chán nản,uễ oải như một người mất sinh khí vậy!

 Và nữa,bạo lực,chửi thề đối với người ở ngoài Bắc là chuyện thường tình ,như ăn ,như uống vậy !
   Còn khi  người trong Nam ra là bị nâng giá “chặt chém “không nương tay,kể cả nhờ chỉ dùm đường cũng phải trả tiền !

  Tác giả cho thấy,do  trận dịch Tàu Vũ Hán người ta mới thấy tường tận được hàng ngàn tấm lòng nhân hậu ở miền Nam.Bà lại cho rằng,nếu như người ở phía trong này ra tìm sự sống ở ngoài đó và chẳng may bị tai ách thì chắc không có cảnh tượng những đồng bào rời Bắc xuôi Nam lánh nạn mà được đối xử tử tế như người ở khắp nơi của miền Nam đã làm !

 Tên của bà là Hoàng Ngọc Hạ ,với tựa bài là “Vài suy nghĩ về văn hóa Bắc Kỳ “được viết ngày 27/9/2021.

Trong suốt bài viết tác giả đã rất cân bằng ngôn ngữ như một nhiếp ảnh gia trung thực.

•*•

  Kinh Dịch dẫn giải nguyên lý Âm & Dương của trời đất.Trong đó có đoạn “Trong âm có dương và trong dương có âm!”.

 Điều cao siêu này,từ đó suy ra rồi trải mỏng thật mỏng nó cho chúng ta kết quả khá lạc quan.Nó có nhiều điểm tương đồng với thuyết “Tương đối “ của Albert Einstein.

 Trong tận cùng của bất hạnh có khi điều hữu hạnh xuất hiện.Nhưng,xin hiểu không phải hầu hết đều có trong mọi tình huống .

Lòng nhân ái,tự có trong mỗi con người.Phát huy nó rộng bao quát ra hay bị tánh ích kỷ làm hẹp lại là do chính cái TA của người ấy.Một thí dụ nhỏ,ai trong đời cũng đã từng trải qua:Bố thí !

   Một người hành khất ,tay cầm cái lon đi xin,có người không cần suy nghĩ móc tiền ra cho.Có người khác lại so đo ,cân nhắc thầm nói người này còn mạnh khỏe đi đứng được,thì việc gì mình phải cho ?

 Sẽ không có ai trong lúc đó phán xét hai người ấy,ai đúng,ai sai !

 Họ ra tay bố thí là do tâm của họ xúc động ngay trong lúc ấy và người không cho là họ có quyền không cho.Cũng khoan vội kết luận rằng người ấy kém lòng trắc ẩn với người nghèo khổ.Bởi,con người ngày càng “ giỏi “hơn trong mọi lãnh vực,trong đó có thủ đoạn gạt gấm lòng từ tâm của những người dễ xúc động với ngoại cảnh!

•**•

Phước thiện,làm phước,làm công quả…là những ngôn từ không xa lạ với những người được sinh ra ở miền Nam.

Từ khi nghe được,tôi đã nghe nhiều câu chuyện về “làm phước “giúp người do ông bà cùng các vị trưởng thượng kể và những kết luận sau câu chuyện,họ cho đó là việc mặc nhiên đã làm người là phải làm,như một người đi trên bờ thấy người té dưới sông kêu cứu.Đó là hành động tự giác ngay lúc ấy được thôi thúc ra tay cứu giúp mà không cần  cân nhắc có nên cứu người hay không .

 Từ Biên Hòa trở ra miền Trung,miền Bắc tôi không dám quả quyết.Nhưng,gần như hầu hết các tỉnh,quận ở miền Nam,các “Phòng thuốc Nam phước thiện “đều có.Tại đây,thường có thầy thuốc coi mạch,cắt lể ,cạo gió,bốc thuốc hoàn toàn miễn phí .

Địa điểm đặt làm nơi cứu giúp người thường là một góc nhỏ trong chùa,thánh thất Cao Đài ,nơi đủ chỗ chứa thuốc và sinh hoạt .

 Từ việc trị liệu cho đến những người đi cắt hái các loại cây lá là do tự nguyện,không có ai điều khiển mà mọi việc vẫn trôi chảy theo ngày tháng.Những người ấy mặc nhiên đã tạo dựng lên “Cộng đồng “ tương thân với nhau gắn bó,chặt chẽ,có thể gọi họ là những người đồng thanh tương ứng!

 Đó là nét đặc thù tự phát,có thể do hai người trở lên mới có thể làm nên phòng thuốc Nam được.

  Trường hợp kế tiếp có thể xem như một tập quán của người Việt ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Một khạp nước để giải khát cho khách bộ hành!

 Ngay lúc còn nhỏ tôi đã thấy ở miền quê  tôi rồi.Lớn lên có nhiều dịp đi đây đó ở nhiều làng ấp thôn quê tôi đã gặp nhiều hình ảnh thiện lành,ấm áp tình người này.

  Thường,ở quê người ta cất nhà cách bờ lộ độ năm mười mét.Để cho người đi đường khỏi ngại,gia chủ đặt một cái khạp có sức chứa từ 5 đến 10 lít nước.Cái khạp được đặt lên khỏi mặt đất khá cao để tránh những con trùng bò vô.Trên mặt khạp có nắp đậy kín và kế bên đó là một nhánh cây để móc hoặc máng cái gáo dừa dùng để múc nước uống.Về sau này,có khi là cái ca bằng nhựa.

  Khách uống tự nhiên,không cần phải xin hỏi hay cám ơn ai hết.

Trong những nơi ở thôn quê miền Tây tôi đã đi qua,Long Xuyên là tỉnh có nhiều khạp,lu chứa nước cho người khát nước dọc đường nhiều nhất.Có lẽ tỉnh này không có bóng dáng chiến tranh vào thời kỳ đó ,cho nên người dân ở đây vẫn giữ theo lề thói từ xưa để lại cùng với lòng hiếu khách của họ cũng hơn nhiều nơi..

Khi đọc được tôi hiểu câu “Thi ơn bất cầu báo “thật đúng ở việc “mời nước “cho những ai đang khát nó đúng hết sức.

Qua  báo chí ở trong nước và mục tìm kiếm những người dùng sức lực,dùng tiền bạc của cá nhân mình trong suốt nhiều năm dài không biết mệt mỏi để CHO người khác từ ổ bánh mì cho đến ly trà đá…

“Của cho không bằng cách cho “ .Một câu dạy của người xưa thật đúng .

   Cũng không ít các quán cơm 0$ cho người nghèo khổ no lòng sống lây lất qua ngày vẫn hiện còn mở cửa ở Saigon.

Hai bệnh viện Nhi đồng luôn có cơm bố thí cho những người đi theo canh giữ bệnh nhân ăn.Đa số là người nghèo ở chốn thôn quê,cho nên nếu móc tiền túi ra ăn từ ngày này qua tháng kia thì khó kham nổi.

 Một người có tâm thiện muốn giúp đồng bào mình thì sau đó một thời gian sẽ có nhiều người cùng gia nhập góp của góp công tạo nên phấn khởi cho những người khởi đầu sự việc.

  Hiện tượng này,theo tin tức thì ngày càng gia tăng không phải riêng ở Saigon mà còn lần tới các tỉnh ở miền Tây.


        Vá và sửa xe miễn phí có ở Saigon.

Tin tức cũng cho biết, có một vài vị mua sắm xe rồi trang bị những thứ cần thiết để chở người đi cấp cứu .Họ cũng nhận chở những bệnh nhân từ tỉnh lên SG điều trị không hết,bị chết về quê nhà .

  Những mạnh thường quân này không hề quản ngại giờ giấc cũng như những đoạn đường xa.Trừ miền Bắc họ không đến được.Đương nhiên,họ không nhận tiền của những người mà họ giúp .

  Còn hàng trăm việc thiện được phối hợp giữa người ở trong nước và người Việt hải ngoại cùng chung với nhau làm.

  Rất nhiều trong số những người làm việc giúp đỡ cho tha nhân đều khiêm cung.Họ không cần sự đền đáp mới đáng khâm phục.

  •***•

 Có lần cách đây khá lâu,miền Trung nước mình bị lụt.Nhìn hình ảnh đồng bào mình co ro ngồi trên nóc nhà chờ đợi để được cứu trợ .

 Có một “phái đoàn “,trong đó có hai người đàn ông,đầu đội nón cối ,tay xách đôi giầy được một người đàn ông ở trần mặc quần đùi cõng trên lưng với nước ngập cỡ đầu gối!

 Có một chiếc xuồng chở một số mì gói và những phẩm vật dùng để cứu trợ.

 Tôi cho đó là hình ảnh hay nhứt có thể dùng tượng trưng cho sự quan tâm của chế độ dành cho người dân đang ở tình cảnh màn trời chiếu đất!

 Nó cũng đáng kể như những đám ma ở xứ sở mình hiện nay .

  Thường thì người quá cố để lại người thân biết là bao thương tiếc.Họ vịn,họ dựa ,họ ngồi kế bên cái hòm khóc lóc kể lễ với những giòng nước mắt,có khi cũng đã cạn khô.

Đó là chuyện bình thường từ xưa nay!

 Chuyện bây giờ,thời sau tháng Tư/75 mới khác thường .

 Đám ma bây giờ có nhạc sống,mà phải loại nhạc kích động,với các nữ "ca sĩ" ăn mặc hở hang càng bạo dạn càng tốt.Có nhậu nhẹt cười nói  như tiệc cưới.Có vũ khỏa thân.Có nhiều tiếng cười ,tiếng hét ,tiếng cụng ly lốp bốp dô dô và trong khi đó kế bên linh cữu những tiếng khóc kể lễ tiếc thương người chết hoàn toàn bị khỏa lấp vì hàng chục loại âm thanh đinh tai,điếc óc.

  Trong sách giáo khoa trước đây,chúng tôi đã được đọc câu “Một con ngựa đau,cả tàu không ăn cỏ “.

Bây giờ nước Việt Nam được ca tụng là có bốn ngàn năm văn hiến cùng với những biểu ngữ hô hào của chế độ rằng là… mọi người phải học nếp sống văn minh !

 Thật ra,người dân ở thể chế VNCH đã có lịch sự ,văn minh trước xa,thật xa những người đến dùng cường quyền cai trị và lên mặt dạy đời cho họ! .

 Trước kia , một nhân viên cảnh sát đang thi hành nhiệm vụ ngoài công lộ,khi chiếc xe tang chạy tới là tự động đứng nghiêm chỉnh chào.

•***•

  Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của sự giáo dục.

 Chính nhờ có căn bản từ chánh sách giáo dục nhân bản và các tôn giáo đã có chiều sâu bắt rể ở miền Nam Việt Nam đã tác động lên con người,cho nên,người dân ở đó họ phân biệt tỏ rõ thiện-ác hai bên.

 Họ công hiến cho tha nhân những gì có được trong tầm tay của họ vì tự thâm tâm họ muốn.Chứ không cần  sự báo đáp.

 Khi biết được thiện tâm người ta chưa bị lôi cuốn bởi mãnh lực của tà ác,gian tham,thì người ta có quyền tin chắc rằng nơi đó “Tánh bổn thiện “sẽ còn và được phát huy !

 Lành thay !

Ý kiến hay phê bình có tính cách xây dựng,vui lòng Email đến địa chỉ :

pham .h. ngan@gmail.com 

Phạm huỳnh Ngân.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

KHÔNG CÓ ,CÓ KHÔNG..MỘT VÒNG TIẾN HÓA!

KHÔNG THẦY,ĐỐ MÀY LÀM NÊN ?!.(Cổ nhân truyền khẩu).