SAIGON :Chỉ có một người !

Khó có thể kết luận về tánh ý của ông ta,nếu như mới gặp lần đầu .Mà nhất là buổi sáng,vào giờ mọi người ai cũng gấp gáp ghé qua mua bánh mì để điễm tâm .

Nghiêm chỉnh ,gần như lạnh lùng có thể thấy được.Nhưng hãy khoan kết luận về ông ta,cho dù là phân nửa .

           Ông Lý,một người bán bánh mì giò chả nổi tiếng từ Hà Nội đến Saigon.(Ảnh của Nguyễn Khánh).

***
Có một phần lập dị,một phần cổ quái,một phần ngạo đời,một phần bảo thủ,một phần hào phóng ,một phần máu chơi vé số kiến thiết và là một con người biết trọng ân tình với những ai có qua lại giúp đỡ cho ông ta và,cái lối khôi hài không tạo ra bộ dáng ,tuyệt nhiên không cười trong khi ông ta tỉnh ruội.
 Ngoài món bánh mì ổ dài người ta vẫn kêu bằng bánh mì ba gét (Baguette) đường kính bằng cổ của cuồm tay, loại ít ruột vừa đủ để dồn chả,dưa leo, củ hành lá và nước mắm tỏi ớt chanh đường,ông Lý không có các loại thịt nguội.
 ***
 Ông Lý có trong số một triệu đồng bào miền Bắc nước mình rời bỏ nơi chôn nhau,cắt rún với nhà cửa ruộng vườn di cư vô Nam,miền đất của tự do và trù phú.
 Những năm tháng trước khi gạt nước mắt ra đi,ông ta cũng đã được nhiều học trò,học sinh biết khi ông bán bánh ở hai trường Aurora và Dũng Lạc  Hà Nội.
 Trong số học sinh trường Dũng Lạc vô miền Nam có nhiều người ở đất Saigon ăn học và thành đạt.Có người tới năm 1962 đã là công chức hạng trung và nếu vào quân đội cũng có người đã là sĩ quan cấp úy.
 Họ vẫn tìm tới "Bánh mì giò chả của ông Lý/bác Lý/cụ Lý anh Lý hay...Lý Toét !
 Danh xưng nào cũng không quan trọng đối với ông và rất thường những người ấy và ông Lý mầy mầy,tao tao đùa giỡn với nhau như người thân thích.
***
 Năm 1962 tôi đã gặp ông Lý ở hẻm 198(196?) đường Phan thanh Giản.Là hẻm nhưng khi xưa người Pháp làm đường cho nên rộng ,lại là những villa biệt lập cho nên trong vòng rào nhà nào cũng có sân vườn rộng.
 Lúc bấy giờ ,từ đường Phan thanh Giản (PTG) vừa quẹo vô độ năm mét là đã gặp chiếc xe thùng hai bánh nằm sát vách hàng rào bằng vách tường cao hơn đầu người, trên mặt thùng vuông của chiếc xe có một cái thớt đã mòn khuyết khúc giữa với một con dao mòn lẵng,một chay nước mắm pha chế sẵn,vài ổ bánh trong bọc giấy dầu,mấy khúc chả cắt bán còn dỡ dang ở trong lồng kiến tránh ruồi nhặng và mấy bó hành cọng gần đó.
 Tôi không thể nào đoán được số tuổi của ông Lý qua bề ngoài được.
 Chắc chắn đó phải là một trung niên với mái tóc chải theo kiểu Tango,có lưỡi mỏng đen mượt.Áo sơ mi ngắn tay với cổ áo cắt theo cổ áo lính bằng loại vải thông dụng thời đó cùng với quần bằng khaki,lai lật và đôi guốc bằng gỗ.
 Guốc thời bấy giờ còn thông dụng ở tỉnh.Riêng chốn thôn quê,trước khi lên giường ngủ người ta mới mang guốc sau khi đã  rửa chân.
 Saigon bấy giờ,guốc không còn được nhiều người dùng.Đa số là giầy (nếu làm việc ở các công ,tư sở ,văn phòng,nhà máy) dép.Học sinh vẫn còn thịnh hành với những đôi Sandal hay các loại dép của hãng Bata sản xuất. 

Sơ đồ,địa điểm bánh mì giò chả ông Lý,chỉ trong con hẻm đó,tôi chỉ biết được từ 1.962 đến 1982 mà thôi.Nếu có xê dịch thì cũng trong con hẻm đó mà thôi.Riêng số của hẻm,có thể tôi bị lộn vì thời gian từ đó đến nay đã khá lâu .
     ****************
Nếu nói ông Lý có phần lập dị ở cách bán hàng với giác quan bén nhạy không cần nhìn mà biết ai đến trước ai tới sau để tuần tự phục vụ cùng cái lối thối tiền,thì đó là người có thính giác cao độ ,không ai dám xem thường được .
 Buổi sáng,giờ mọi người đều muốn đến nơi làm việc cho đúng giờ.Ông Lý biết điều đó,cho nên ông làm sao cho ra một khúc bánh mì đúng như ý của người mua hàng.Thí dụ như một người muốn ăn bánh mì giò bò thì là không lấy hành.Ông làm đúng và chính xác như vậy.
Như đã kể, ông Lý gần như ít khi bị  những lời khiếu nại rằng sao tôi đến trước mà chậm hơn người tới sau .
 Điều đó hơi hiếm ở nơi bán trong nhiều năm hành nghề của ông Lý.
 Cái lối cắt chả và biết khách hàng ăn sắp xong để tặng thêm một miếng chả dầy cộm của ông Lý,chắc Saigon khó có người thứ hai.Cứ cho đó là cái cách buôn bán “hào phóng “ đi!
 Ai bán hàng mà không muốn lời nhiều ?
 Song,nếu định nghĩa bán hàng là vốn ít lời nhiều,càng nhiều khách đến mua hàng của mình thì càng ham càng mừng.
 Điều này có thể không đúng hoàn toàn với ông Lý.
 Nhiều lần,khách ngồi trên xe đậu ở ngoài đường PTG kêu bánh mì hoặc có khi cho tài xế đến đặt mua theo ý muốn rồi ông Lý phải đem ra xe.Ông Lý từ chối còn nói rằng ai cũng phải theo thứ tự và ông không có thì giờ  đem hàng giao ra xe cho khách.
 Số người đòi hỏi kiểu đó hơi ít.Đa số khách ăn bánh mì của ông bán từ ngoài Hà Nội vô tới trong Nam ai cũng biết được tánh ý của ông là lịch sự với khách hàng nhưng không chiều lòn thái quá.
 Tôi đã từng gặp nhiều người đã ăn bánh mì của ông khi còn cắp sách tới trường năm xưa ở Hà nội.Ông và họ kể cho nhau nghe những chuyện lý thú,những kỷ niệm đã phai mờ theo thời gian.
  Ông Lý có lý do chánh đáng để bán một khúc bánh mì với giò lụa hoặc giò bì,giò bò thì là hay chả quế ,có khi chả nhiều hơn bánh mì mà lại còn tặng thêm một vài khúc chả cho thực khách nữa.
  Các loại giò ông mua tại nơi sản xuất có tên tuổi ở Saigon.Đó là hiệu giò N.H ở gần cuối đường Phan đình Phùng,gần ngả tư Nguyễn thiện Thuật,khu chợ Bàn Cờ.
 Có những hôm,đến trễ,ông Lý đã hết hàng bán và dọn dep xong.Những khoản trống như vậy,ông Lý đi mua vé số kiến thiết quốc gia.Tôi không nhớ thời ấy đã có phát hành loại vé số cặp chưa nhưng vé số chứa trong các  túi của ông lúc nào  cũng làm cho nó muốn nứt ra;chưa kể tiền.Ông Lý có cái thói nhét tiền bừa ở chỗ nào trong các túi có còn chứa được.
 Độc thân,cho nên thú vui của ông là những khi rảnh rỗi tìm bông hoa với mua vé số.
  Có lần chiếc xe đạp cũ của ông quá tệ nên ông mua chiếc xe đạp khác.Phải hiệu Peugeot của Tây và cả thuốc lá ông cũng chỉ thích Craven”A" của Anh quốc,kể cả những năm về sau nầy ông đổi xe đạp mua chiếc Mobylette của Tây mới được.
 Tuy nhiên thuốc hút của Ăng Lê chỉ hút vào dịp tết nhất mà thôi và quên nữa,Tết ta là phải mang giầy Sandal mới phải phép.
 Tôi để ý,phái nữ tới mua mà nói nhiều hay chỉ chỏ đòi thêm thứ nầy ,bớt thứ kia ông Lý lúc ấy mặt lạnh như nước đá,không bao giờ nghe thấy một câu khôi hài nào đối với phụ nữ như với nam giới.
******
  Thế hệ trên trước của tôi thỉnh thoảng cũng vẫn còn ghé qua thăm,mua và đùa cợt vói "anh Lý" ngày càng ít dần với nhiều lý do,rồi đến lứa cỡ tôi cũng cố ghé qua thăm "bác Lý", tìm ăn một khúc bánh mì mà mình vẫn thích khi xưa,  với người yêu , vợ với con những khi có dịp được về phép.
 Bánh mì,giò ăn với nước mắm vẫn lôi cuốn như ngày nào.
  Cũng là con hẽm đó,khi thì gần phía PTG,lúc gần đại lộ Hai bà Trưng.Có khi là chiếc xe thùng hai bánh treo lũng lẵng mấy cái dao mòn chỉ còn cái sống dao và tấm thớt như một cách quảng cáo tế nhị rằng nghề bán nầy của ông đã quá lâu và cái tên "Bánh mì Bác Lý" đã  mặc nhiên được trước bạ,đã trình làng với tên tuổi hẵn hòi rồi.
  Cũng có lúc "cửa hàng" của ông bị thu hẹp vì những lệnh cấm chiếm dụng lòng và lề đường.Cho nên,chiếc xe hai bánh tiện nghi đành phải tìm chỗ gởi và mọi thứ phải thu xếp thật gọn trên chiếc xe đạp nhưng phẫm chất vẫn không thay đổi .
   Tiêu chuẩn ngon miệng với giá cả vừa túi tiền với mọi người thì không thay đổi đối với cách bán của ông Lý.
  ****
Có một điều hữu hạnh cho ông Lý !
Ông chạy thoát cái cùm đỏ vào được trong miền Nam.Ông không bị cuộc chiến đẫm máu ảnh hưởng từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc.
 Ông,dù có muốn hay không cũng hiễn nhiên là một chứng nhân sống  trong những thời kỳ tối tăm nhứt của đất nước :
  -Thực dân đô hộ nước mình và phải rút lui.
  -Cộng sản cướp chánh quyền ở miền Bắc.
  -Hiệp định Geneva chia đôi đất nước.
  -CS Hà Nội đùng cường lực cưỡng chiếm và nhuộm đỏ hoàn toàn Việt Nam.
Và,
 Điều bất hạnh lớn nhất cho ông Lý là trong những ngày Saigon hấp hối ,trong cơn hoảng loạn ông tìm đường thoát bằng cách chạy xuống bến Bạch Đằng .Nhưng vận may của năm 1954 đã không đến với ông vào 30/4/75 và mất luôn chiếc xe Mobylette mà ông rất yêu thích.
***
Tôi không không biết ngày đầu tiên ông Lý khởi nghiệp và ngày sau cùng ông ấy giải nghệ nhưng ,tôi quả quyết rằng người ở đo thành đã dùng món bánh mì giò chả do ông bán ít nhất phải ba mươi năm!
 Người Việt mình có câu :”Nhất nghệ tinh,nhất thân vinh”.Trường hợp của ông Lý đã đúng với câu đó!
 Buôn bán nuôi được thân trong điều kiện sung túc dư thừa nữa,đã quá hay rồi.
 Tôi muốn thêm hai chữ danh tiếng hay người có tiếng tăm để nói về một nhân vật lúc sinh tiền nhiều người yêu mến và khi không còn có nhiều người kể.
 Tôi đã được đọc ít nhất cũng hai bài viết được luân lưu trên Internet kể về ông Lý.
 Ông ta sống để phục vụ và đem đến cho đời những lý thú hữu ích không đáng để người ca tụng sao?
**
 Tháng Mười năm 1999 tôi có đến nơi chốn cũ,trước là tìm thăm ông và sau đó tìm lại hương vị xưa trong một cơn mưa tối tăm mày mặt.
 Năm 2009 có tin ông mang chứng bệnh nan y và không biết lý do gì,ông Lý đã thực hiện thành công “giấc mơ hồi hương “,một bản nhạc nổi tiếng của Vũ Thành vào những năm đầu của cuộc đi cư 1954.
 Ông đã trở về với ba mươi sáu phố phường của Hà Nội với Năm Cửa Ô xưa mà thỉnh thoảng ông vẫn hay nhắc.
Phạm huỳnh Ngân.
  


   



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

KHÔNG CÓ ,CÓ KHÔNG..MỘT VÒNG TIẾN HÓA!

KHÔNG THẦY,ĐỐ MÀY LÀM NÊN ?!.(Cổ nhân truyền khẩu).