PHÙ SA & CON NGƯỜI.

Cuộc trưng cầu dân ý để truất phế vua Bảo Đại.
     
            Từ nhỏ,tôi được nghe những đường chân trời ở ngoài biển khơi,tôi chỉ cố tưởng tượng cho ra "đường chân trời" nhưng vô phương .

            Lại cũng tiếng ấy,  cùng trùng tên  ở những cánh đồng dòm tới mút mắt,không có gì khác ngoài  ruộng xanh rì và một đường vạch ngang ở cuối tầm nhìn của mắt.

   Cảnh thật nầy,lần đầu tôi được nhìn tận mắt là đoạn đường từ Bạc Liêu đi về Cả Mau,hướng bên trái.


 Tôi được sinh ra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 Thuộc loại sinh sau,đẻ muộn.Cho nên cuộc Nam tiến của tổ tiên , tôi chỉ được nghe kể qua lời những bậc cao niên,trưởng thượng thuộc lớp trên cha mẹ  mình .

 Lúc trẻ,chỉ biết được những con đường quen thuộc gần chỗ mình ở và thường đi lại trong ấp,xa hơn nữa là từ một con đường  ấp đi qua trường học của làng khác để học nhờ vì lý do trường học ở xã nhà bị cấm,theo lịnh của phiến quân.

    Có một dịp,tôi được ngồi đò dọc  xuống tỉnh lỵ Mỹ Tho.

 Ở trên lề nhiều con đường như đại lộ Hùng Vuong đại lộ Thủ khoa Huân,đường Lê Lợi…nơi trên thân của những cây Me già là hình của một người đàn ông với khuôn mặt đẹp bị gạch chéo hình chữ X, ở dưới có hàng chữ “Bảo Đại bù nhìn “ .

  Tôi hỏi mẹ tôi và được bà trả lời vắn tắt là vua bị trưng cầu ý kiến của người dân để truất phế ngài. Ngó nét mặt nghiêm trọng của mẹ,tôi không dám hỏi thêm nữa,dù trong lòng có nhiều thắc mắc.

    Thời kỳ phong kiến,nói đến hoàng tộc thôi là những người dân thường đã hạ thấp giọng xuống rồi.

       Một nhánh của sông Hậu .Ảnh chụp của Hà thanh Tú.

   Người ta có nhiều lý do để sợ,chỉ nói tên vua ra là có thể bị xử trảm .

Hầu hết dân giã ,trước khi đặt tên cho con cháu không dò hỏi kỹ lưỡng những bậc cao kiến trước mà lơ đặt tên cho đứa trẻ trùng tên với vua là bản án “Tru di tam tộc “có nguy cơ đặt lên cỗ hàng trăm mạng người.

   Ngay từ lúc biết nghe ,hiểu, đọc được những chuyện đời xưa,một đứa trẻ như tôi khi nói tới vị con trời (thiên tử) lúc nào cũng phải có lời lẽ,giọng điệu tôn kính ,mà không riêng gì một ai ,hầu hết dân giã quê mùa đều thuộc lòng câu nói cũ xưa không biết đã thâm nhập vào đầu óc từ bao đời rồi.

   -"Trung quân,ái quốc".

  Cho nên,tò mò thắc mắc về hình của vị vua bị gạch mặt với lời lẽ mạ lỵ công khai khắp nơi công cộng của thằng nhỏ như tôi cũng hợp lý.

        ***

  Thực dân Pháp  đã đào tạo gần như  hoàn toàn theo ý muốn của họ ,là hai ông vua cuối của nhà Nguyễn không quan tâm đến vận mệnh của nước nhà, không muốn nghe những lời ta thán thống thiết của muôn dân về sự tàn ác của thực dân.

    Khải Định,ngoài cá tánh ăn chơi,hưởng  thụ có tính  bẫm sanh ,lại không  muốn nhìn thấy một điều thực tế là,nước Pháp chiếm  nước VN để đặt ách  thực dân lâu dài, 

Đây chính là nguyên nhân gây ra đau thương tang tóc cho dân tộc mình ,mà ông ta còn  ái mộ,học đòi bắt chước lai căng theo Tây nhiều thứ một cách lố bịch,nham nhở như bộ đồ ông mang mặc đã bị ông Trinh chê bai,mắng mỏ thậm tệ.

Nhất là sau chuyến đi dự cuộc đấu xảo (hội chợ/expo) ở Marseille,Pháp  vào ngày 10 tháng 8 năm 1922 ,bắt chước với làm cái thói họm hỉnh  theo Tây của ông ấy ngày càng khó coi hơn.

    Trong chuyến thăm "mẫu quốc" này của Khải Định cho dù mang bất kỳ lý do nào đi nữa,bản thân của ông ta đã để lại dư luận  nhiều bất lợi cho một ông vua cầm đầu một nước ở triều đình Huế .

   Ông Phan chu Trinh,một trí sĩ yêu nước chống Pháp đã gởi cho ông ta một lá thư được gọi là "Thư Thất điều".Trong đó Phan tiên sinh liệt kê bảy tội cùng với thói xấu của vị vua vọng thù với nhiều tai tiếng,ngay từ lúc còn thái tử từ Huế ra Hà Nội học lận.

 Tôn quân,bất công,xa xĩ vô đạo là một trong những điều mà ông vua nầy bị chỉ trích và ông Phan còn không muốn dùng đến danh xưng "Bệ hạ" để viết ra giấy nữa.

  Con của ông ta là Bảo Đại,người được báo chí Âu Mỹ đặt danh hiệu là hoàng đế “Playboy “(tay chơi)!

   Vị vua ăn chơi nức tiếng này,qua nhiều tài liệu lịch sử  cho biết,ông ta mỗi lần ra khỏi nước, không muốn quay về cố hương,cho dù hoàng tộc và quần thần hết sức khẩn cầu .

  Chơi xe,cờ bạc,đàn bà đẹp là những cám dỗ ông ấy ở trời Âu,rồi khi về đến nước nhà ông cũng luôn bận rộn với những dinh thự những cuộc du hý bất tận ở Đà Lạt,Vũng Tàu ..

  Chơi bời,hoang phí quá nhiều tiền bạc nên ông không ngần ngại giao tiếp với loại người cỡ như Bảy Viễn,một tay giang hồ thuộc loại sừng xõ,đến nỗi đã có lần ông Bảo Đại viết một lá thư từ trời Âu kêu Viễn lo liệu một triệu Mỹ Kim (1.000.000) cho ông ta.

  Lúc ấy,người Việt ở khắp nước tìm mọi cách chống Pháp với ước vọng được làm  con người được đứng thẳng lưng của một xứ sở độc lập.

  Vị vua có tướng tá cao đẹp kia lại làm như không hề biết tiếng khóc la rên xiết của hàng ngàn phụ nữ Việt Nam  bị quân Pháp hãm hiếp,đốt nhà rồi bắt chồng ,giết con của họ với những bản án man rợ mà nước Pháp tự hào là văn minh,là tôn trọng nhân phẫm con người !

  Cho nên,truất phế một đứa vua với tư cách như vậy,chắc cũng không mấy người hối tiếc !

     ***

  Năm tôi học lớp Tư ở trường tiểu học Thành Triệu ,quận Sóc Sải,tỉnh Bến Tre thì chào cờ mỗi sáng thứ Hai là một sinh hoạt  bắt buộc.

 Chào cờ trong tư thế nghiêm trang,tề chỉnh từ ông (bà)hiệu trưởng cho đến những học trò mới nhập vô lớp Một.

  Vì đa số học sinh ở thôn quê,cho nên,dù là áo quần rách cũng phải vá víu và khi chào cờ áo phải được bỏ vô quần tà lõn cho nó gọn.

  Hai học trò được vinh hạnh chọn lựa lên cột cờ,đứng đối diện ,và thường được chọn chiều cao xấp xĩ nhau.Nghiêm chỉnh ,không cười cợt, đùa giỡn trong giờ phút chào cờ là điều bắt buộc,ngoài ra,cả hai phải tai nghe,mắt nhìn lên đỉnh cột cờ cho tới khi câu chót..."xứng danh ngàn năm giòng giống Lạc Hồng." là cờ phải chạm ngay đỉnh.

   Cho nên,nhiều trò thích được lên kéo cờ nhưng không phải em nào cũng được cho và nếu trật vuột có khi phải nằm dài trước lớp thọ phạt năm ba roi.

   Sau phần quốc ca là bài ca "Suy tôn Ngô tổng thống",cũng bắt buộc.

   Thói quen bắt buộc được tập cho thành thông lệ rồi kéo dài theo năm tháng cho tới khi mọi công dân,hễ đã làm một công dân ở thể chế Cọng Hòa thì  phải tự động biết  yêu quý và tôn kính lá cờ có nền vàng ,ba sọc đỏ .

       ***

 Trước Tết Nguyên Đán năm 1959,con đường đất từ An Khánh-Kinh Điều chạy qua Phú Mỹ,Phú Xuân,Phú Hoà,Phú Khương …lên đến Tân Lợi đã thành hình.

  Đường có bề ngang tám thước và các cây cầu bắt qua những con sông rạch nhỏ bằng cây lót ngang xe Jeep qua được.

   Con đường được không biết bao nhiêu công sức của người dân ở các nơi đến cùng tạo dựng.

  Lợi ích từ con đường đem lại cho người dân ở cả quận cùng những vùng phụ cận lớn lao nhiều mặt.

  Người dân mừng rỡ khi con lộ đất đã khô và một thời gian sau chiếc xe chở ông quận trưởng chạy qua an toàn.

  Một mai khi con đường đã khánh thành và xe cộ được lưu thông thì những sản vật từ địa phương quê mùa đó được chuyển vận xuống Mỹ Tho hay lên Saigon không còn bị phụ thuộc vào nước lớn,nước ròng như bao nhiêu năm qua.

   Trước Tết năm đó, tôi đã được đi coi đám cúng đình hết sức qui mô ở làng nhà.

   Trống chầu ,mõ thật lớn,chiêng được dịp khua gióng vang rền,đầu ấp cuối thôn ,nhà nhà đều nghe tạo nên những mong chờ với sự rộn ràng thôi thúc mong sao sớm tới ngày cúng đình để được coi tận mắt những nghi thức cúng tế của các bậc trên trước và những vị “Học trò lễ “ chỉ được nghe qua,qua lời kể của người lớn.

   Các loại binh khí của thập bát ban võ nghệ của  người xưa y như thiệt đã được chùi sáng trưng cùng với lư hương,chưn đèn với những dĩa trái cây bông hoa cũng được dâng lên bàn thờ.

   Sắc tướng cùng bài vị của linh thần được che phủ bằng những khăn đỏ hay hồng điều với đèn dầu cùng nhan khói tỏa quyện là đà lan dần chung quanh từ trong ra ngoài.

   Đây là dịp để những bậc trưởng thượng,những chức sắc trước đây,cùng quý ông bà trên hội đồng xã cùng đến tế lễ cầu nguyện trong dịp cúng đình trịnh trọng  của làng xã nầy.

   Cúng đình hay cúng "Kỳ Yên" hàng năm cũng là dịp người dân tri ân Thành Hoàng,Thổ Địa cùng các đấng bề trên đã phò hộ cho dân chúng trong làng ,ấp được mưa thuận,gió hòa để gieo trồng và cũng cầu mong cho quốc thái dân an.

   Thông thường,ba ngày cho cuộc cúng tế và sẽ có một gánh hát bội (bộ ?)  bắt đầu hát cho dân chúng thưởng lãm.

   Những tuồng tích như :Lưu kim Đính giải giá Thọ Châu,Tiết nhơn Quý chinh đông,Tiết đinh San chinh tây cùng Phàn lê Huê...lúc nào cũng hấp dẫn và làm mê mẫn tâm thần những người dân mộc mạc với quanh năm tay lấm ,chân bùn và,đối với họ đây là một ...biến cố hệ trong,cho dù sau khi gánh hát đã từ giã xóm làng ra đi lưu diễn nơi khác.Dư luận vẫn còn trên miệng của nhiều người về anh kép chánh,cô đào thương,anh kép độc trong mấy vỡ tuồng họ đã coi qua bằng những lời khen chê bình phẫm.

    Sau đám cúng đình cũng là dịp để người dân địa phương nhận xét về phương diện an ninh của xã ấp mình. Qua năm bảy đêm,nam thanh nữ tú rộn rịp đi coi hát ban đêm,nếu đầu trên xóm dưới không có tiếng than phiền hay lời thưa gởi về những tệ nạn trai gái hay giựt dọc,thì làng ấp cùng thân hào nhân sĩ coi đó là địa phương của mình bình an.

        ****

 HÒA BÌNH.

   Tết Nguyên Đán năm 1959,thôn quê tôi pháo nổ vang trước đêm giao thừa cho đến sau ngày mùng Ba năm mới.

    Mẹ tôi cứ lập đi lặp lại câu nói,nội tiếng pháo mình nghe được,tiền mua pháo mẹ con mình sống được trọn đời !

   Sáng mùng Một Tết,cỡ sau chín giờ sáng,từ nhà tôi nhìn ra giữa cánh đồng và đó là con đường đất,lần đầu tiên tôi mới thấy cảnh tượng đúng nghĩa là Tết cổ truyền của người Việt trong những ngày hòa bình.

   Phải,chỉ có hòa bình người ta mới có nét rạng rỡ trên toàn khuôn mặt không có bất kỳ một sự dấu diếm ưu phiền nào trong mắt,trên trán,trên môi của người ta trong ngày vui chung của người với người ,với đất trời ,với  tiết xuân...

   Có  một con đường ,mà lại có nhiều nhóm người già trẻ,bé lớn ngược xuôi,xuôi ngược đi để thăm hỏi chúc tụng với nhau những lời tốt đẹp,an lành trong ngày đầu năm.

    Áo dài đủ màu của thiếu nữ,của người già tà bay theo gió.Đám trẻ tung tăng vừa đi vừa chạy cho sung sướng đôi bàn chân bị những năm tháng gò bó với những bờ mẫu (đê) eo hẹp kềm chế...

    Nắng xuân chan hòa,trước sân nhà ai kế bên bờ ruộng là những cây Mai vàng nở rộ như khoe sắc ,như cùng vui mừng với ngày an lành giao thoa của Trời với Đất.

  Cảnh tượng ấy đã ăn sâu như in rồi thấm nhập mạnh vào tim óc của tôi. Và,cho đến giờ nầy,tôi vẫn tin rằng không cách gì xóa bỏ được,dù lúc ấy,tôi chỉ là một đứa trẻ mười tuổi ở chôn thôn quê.

    Về sau nầy,tôi cố muốn dùng tiếng khác để nói về mấy ngày Tết :Tết thanh bình ? tết thái bình?-Không ổn ! và tôi tìm tòi đến những học giả để mong muốn coi ,có thể dùng tiếng nào khác hơn Tết Hòa Bình 1959 được hôn.

  Vì,theo định nghĩa của những vị học giả cao kiến thì một quốc gia  mới vừa ngưng chiến tranh thì tình trạng đó gọi là hoà bình là đúng.Còn thái bình hay thanh bình là để chỉ cho những nước được bình an lâu dài và chiến tranh gần như là chỉ có trong những truyện kể .Đồng thời hai tiếng đó ngoài nghĩa chánh là một thời kỳ con người sống hiền lành,chất phát,thiện lương đến độ nhà ban đêm không cần đóng cửa,đồ  vật rớt ngoài đường không ai nhặt.

  Nhưng trường hợp này chỉ là một khoảng thời gian ngưng tiếng súng nổ và giết chóc tạm ngừng!

 Đến được hai tiếng Hòa bình tết 1959 đó là quý,là hiếm lắm ,đối với đất nước và dân tộc bất hạnh như Việt Nam mình rồi!

 Được thoát nanh vuốt của thực dân Pháp chưa lâu,đất Mẹ với năm phe,bảy phái ,với một người từ ngoại quốc về chấp chánh bằng hai bàn tay không :Không tiền,không quân đội,không cảnh sát..và với tấm lòng yêu nước,yêu dân mà ông Ngô đình Diệm đã tạo được sự thinh vượng  cho miền Nam VN ,bằng một thể chế dân chủ và tự do mà bằng chứng rỏ nhất là mấy độ xuân về trong thời kỳ chấp chánh 9 năm của chế độ đệ nhất Cọng Hòa.

     Đây chính  là  đòn bẩy có sức mạnh ,có nội lực và trí lực của toàn dân được tập trung lại thành một sức mạnh phi thường.

    Thứ nữa,những năm đầu của thời kỳ đó là mưa thuận gió hòa cộng với sự cần cù của người dân vừa thoát vòng nô lệ,họ quyết tâm tạo dựng cuộc sống cho chính mình và tương lai con cháu của mình.

    Yếu tố địa lợi của vùng sông nước miền Tây cũng là một sự ưu đãi tuyệt đối mà thiên nhiên đã dành sẵn cho người dân ở đây: -Phù sa  từ  nước của hai con sông có tên là Tiền và Hậu đã bồi đắp cho một vùng rộng lớn hứng trọn những màu mỡ từ thượng nguồn của sông Cửu Long ngày đêm trào xuống.

  Ruộng lúa và hệ thống sông ngòi chằng chịt của vùng đồng bằng lục tỉnh vẫn còn đó ,tiếng súng nổ với bom đạn  sau cuộc "đồng khởi loạn" năm 1960 ở Bến Tre và ngưng hẵn từ 11:30 ngày 30 tháng Tư 1975 ,cho dù ruộng đồng vẫn còn tồn tại.            Nhưng lòng dạ của những con người tôn thờ chủ nghĩa ngoại lai thì khác!

    Họ không muốn dân tộc được an lành khác với ý của họ.

    Cho nên,một cuộc giết chóc,một cuộc tắm máu,một cuộc phá hoại với mức độ qui mô khác ,họ đã rắp tâm sắp sẵn,và những nụ cười của dân miền Nam sớm tắt vội để rồi huynh đệ xoắn tay giết chóc với nhau tân tình như đối với ngưới ngoại chủng.

 *****

   Con đường đất đem vui mừng tới cho dân chúng vùng tôi tuổi thọ không lâu.

  Đúng hơn,nó bị chết yểu từ cuối năm 60,đất ruộng trước đó vài năm được đưa lên đắp đường ,giờ lại bị cào lấp xuống theo lệnh của mấy  người mặc đồ bà ba đen, cổ quấn khăn rằn .

  Tôi tin trong số những người phải bị làm việc đó,khi trước họ đã từng đấp lên với sự tâng tiu sung sướng.Họ chỉ là nạn nhân một cổ  hai tròng trong cuộc chiến gọi là chiến tranh giải phóng.

Hòa bình , ở đây có nghĩa là súng đạn ngừng nỗ trong khi trận chiến ý thức hệ giữa tự do với độc tài,giữa kẻ thắng với người bại vẫn ngun ngút dâng cao.

Cho nên hòa bình trong ước mơ của dân Việt vẫn không chịu trở lại,dù ai ai cũng đợi cũng mong ngày đó.

 Bây giờ,nó đã trở thành một giấc mơ,chỉ là mơ,dù chỉ được bình yên ./.

Phạm huỳnh Ngân & H3.



  

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

KHÔNG CÓ ,CÓ KHÔNG..MỘT VÒNG TIẾN HÓA!

KHÔNG THẦY,ĐỐ MÀY LÀM NÊN ?!.(Cổ nhân truyền khẩu).