Quyết định :-Tháng Mười.

Sáng ngày 5/11/1983 Thuyền trưởng Bromby Berrie chụp ảnh cùng với quý nhi đồng mà ông vừa cứu mạng hôm qua.

Thuyền  tị nạn  lúc sắp được cứu.Lúc bấy giờ sợi dây "ân huệ" đã được thẫy sang.Ảnh nầy được chụp từ trên tàu dầu vào khoảng trước 8 giờ ngày 4/11/1983 , ngoài khơi hải phận Malaysia ở vào khu vực có cùng một lúc 17 giàn khoan dầu.
Bút ký nầy đã viết và được phổ biến bởi Khối Thông Tin,trại  tị nạn Pulau Bidong vào khoảng giữa tháng 11 năm 1983 do các xướng ngôn viên thuộc khối nầy đọc qua hệ thống loa, được bố trí trên đảo.
 "Nó" đã bị thất lạc và mất hẵn từ năm ấy.
 Và nay,sắp sửa tròn 36 năm sau,kể từ ngày rời xa đất nước,với  hầu hết các dữ kiện còn được ghi nhớ lại trong ký ức và,cũng còn một ít khả năng viết lách(bằng cách gõ trên bàn phím),cho nên tôi đã cố ghi lại các biến động,các ngày giờ cho được đúng hay gần sát một trăm phần trăm với sự thật hơn.
 Gạt qua cái tôi, cái nổ để giựt le và cường điệu cho quan trọng hóa cá nhân mình cùng  tự nâng cao tầm quan trọng của sự kiện đã sảy ra. Nôm na , người ta gọi là thổi phồng vốn thường có trong những truyện kể mà về sau đó người đọc khó kiểm chứng được.
 Đặc biệt là ở những nơi,những tình huống đã sảy ra ở ngoài đời có tính cách hiểm nguy hay sự việc đầy ắp những tình tiết  an nguy đến mạng sống của mình hay những ai có liên quan người thuật chuyện lại còn cần phải cẩn thận,khít kháo hơn. 
 Con người,bất luận ở đâu , cũng có ít hay nhiều đều mắc phải căn bệnh... không mấy gì đáng ghét cho lắm như những lời phi lộ trên đây nơi phần mở đầu, là tự đề cao về mình.
  Trong bút ký nầy,tôi không có ý định đó.
   Thành công ,được việc là do ơn trên cũng như những nỗ lực một cách phi thường của những anh em cùng nhau chèo lái liên tục từ tối ngày 30 tháng Mười 1983 cho tới khi được cứu vớt là trước 8 giờ ngày 4 tháng 11 năm 1983.
 Trốn chạy từ một đất nước mà kẻ cai trị đến những nạn nhân bị trị hết thẫy đều  dọ dẫm,nhòm ngó dè chừng và nếu cần, người với người ,đều cùng là nạn nhân của chế độ cũng có lúc sẵn sàng ra tay ám hại lẫn nhau ...
 Và,những kẻ có chút quyền hành của chế độ đó cũng rất sẵn sàng để chụp mũ cho  người khác một tội danh trong trí tưởng tượng hết sức mơ hồ rồi kết tội,cho dù cái "tội" chưa sảy ra hay mới tượng hình ở trong đầu.
 Bị 'nghi ngờ' vượt biên thôi là anh hay chị ta có thể bị câu lưu về đồn công an để phải trả lời hàng trăm câu hỏi lạ hù, lạ hoắc như : ai tổ chức,ai  tài công,ai  tài cải,chừng nào đi,đi ở cửa biển nào,một người đóng mấy cây vàng...?
 Và,cũng có khi bị đòn  dập mặt,bể mình không phải chơi với mấy tay công an chấp pháp có khuôn mặt kèm ánh mắt hận thù ,căm ghét  hết thảy mọi người, ngoài vợ con anh ta (nếu có) thôi.
  ****
  Có thể cao ủy tị nạn Liên hợp quốc (LHQ) có được con số thống kê là đã có bao nhiêu người Việt chạy trốn V.C bằng đường biển thành công,và đã đến được bến bờ tự do.
  Nhưng,con số người Việt đi tìm tự do bằng đường bộ và dường biển bị chết hay bị bắt không một thống kê nào dám quả quyết những con số chính xác được.
 Một khi may mắn vượt thoát khỏi địa ngục trần gian đó rồi thì đời người tị nạn ấy đã qua khúc quanh hoàn toàn tương phản.
                                             ooo0ooo
  Nếu chứng minh được lý do để bỏ nước ra đi, cao ủy tị nạn thuộc LHQ sẽ đồng ý bao bọc,lo ăn lo ở cũng như phần an ninh về thân thể của cá nhân ấy.
  Mỗi người  được cấp một thẻ tị nan.Tuy nhiên, mỗi một căn cước tị nạn  dù hình thức giống nhau nhưng trong tâm tư mỗi kẻ đào tẩu ấy lại có cả từ vài chục điều để nói,để kể cho đến có  khi hàng trăm trang giấy dùng ghi chép cũng  chưa đủ.
 Bút ký nầy,chỉ lược những biến cố quan trọng.Tự nó không đủ khả năng 'chuyên chở' hết hai mươi ngày hơn những đói khát những cơ cực những hy vọng những kỳ vọng những sợ hãi với đói,khát  và cả những lúc với tuyệt vọng nữa.
 Ngoài ý chí mãnh liệt trên lộ trình tìm sống của một số đông,thiện chí .Đoàn kết cũng là điều đáng nói ra những lời khen ngợi.Không phải cho một vài người và là một nhóm đông.
 Những đấng nhi đồng,chính là những nhân tố khích lệ và chính là nguồn cảm hứng cho ra kết luận quyết đi không trở lại.
 Ngoài ra,đức tin đã có và có mạnh mẽ nơi các thành viên trong số đông gần ba mươi người ấy .
 Và thông thường thì đằng sau sự thành công của một người hay một công lao cùng nhau chung vai ,đấu cật cũng sẽ có những phiền não tiếp theo.
 Những mất mát to lớn,có những thứ mà không có gì trên đời nầy có thể bù lắp lại được cho sự 'thành công' cũng luôn có!.
 Đó là cái giá,cái giá của Tự Do với hai chữ tự do được nói lên một cách trân trọng và,dù đã được sống ở đất nước nầy hơn phân nửa thời gian trên xứ mẹ , người viết cũng tự coi mình như mới vừa bước chân  đến nơi nầy vào ngày hôm qua.
 Chính vì bị mất người ,vật hay điều gì quý nhất của bản thân tôi mới tề chỉnh tạ ơn Thượng Đế,tạ ơn Người và Nước Mỹ đã dang rộng vòng tay ra cứu giúp,cưu mang để những người chạy trốn địa ngục như chúng tôi  mới được có cơ hội tạo dựng cuộc sống mới.
 Ở đây, chữ con người được hiểu được cư xử  đúng nghĩa và nhân quyền được xem là một chuẫn mực để người được sống đúng với mong muốn.
                                       0****0
 Giống  từa tựa hay khác biệt nghìn trùng ; những chuyện kể được nghe từ anh em nhà Nguyễn thành Tâm (Quốc gia hành chánh) ở Cà Mau,sau cú đầu dùng  xuồng Ba Lá ra khơi bị cơn "Gió chuyển mùa" từ vùng cuối đất Việt ra...khơi đến tận đảo Cồn Cỏ miền Bắc VN.
 Qua những ngày miệt mài di lý với kiếp tù tội rồi họ cũng 'về 'tới quê nhà yêu dấu !
 Lại cũng ba anh em nhà ấy,họ tìm tòi biết rằng không phải gió lúc nào cũng  thuận theo thói quen bình thường và rằng nguyên lý âm dương thuận nghịch vẫn luôn chi phối mà loài người biết không hết,học chưa hết.
 Điều đó,khi xưa bên Tàu Khổng Minh cũng đã biết, cũng đã thực hành rồi. Chỉ tại vì Chu Du với Tào Tháo học chưa thấu đáo về môn thiên văn ,khí tượng mà thôi.
 Cho nên,có người họ Gia,chữ Khổng làm bộ áo dài the,tóc xỏa  tay cầm kiếm gỗ lên đài  Phong vũ   khấn vái lâm răm dăm ba câu rồi ..dzọt lẹ và gió  nổi lên đã ...chuyền mùa chinh chiến, làm lợi cho Đông Ngô mới có trận Xích Bích để đời.
****
 Sau lần đầu thất bại,ba anh em họ Nguyễn đã bằng mọi cách cũng chỉ với chiếc xuồng mỏng manh,mấy cây dầm để bơi,cánh buồm cùng những vật dụng cần thiết cho một chuyến hải hành sinh tử nữa.
 Chưa tới 36 tiếng đồng hồ từ lúc khởi hành ở Cà Mau họ đã cập trực tiếp vô cầu Jetty đảo Pulau Bidong,Mã Lai.
 Đã có lúc gió quá mạnh Tâm phải hạ bớt buồm vừa lái...xuồng vừa nằm dài nghỉ ngơi !
 Lại có những chuyến vượt biên đầy nước mắt của những người còn lại, chứng kiến cảnh thân nhân mình bị uống máu,bị ăn thịt năm mười phút trước giờ lâm tử.
 Họ phải ăn thịt,uống máu lẫn nhau để tồn tại.
 Đó là chuyến MB 4...trong đó có một nữ cựu thông dịch viện ở dinh Độc Lập ,tên H. năm xưa,
 Tóc họ bị rụng hầu hết và khá lâu sau mới mọc lại.Bốn mươi mấy ngày bị lạc vào vùng san hô,đá cạn thuộc Trường Sa mà nay đã bị giặc thù Tàu Cọng cướp đoạt.
 Riêng chiếc MB 04.. của một nhân vật có tên khó quên là Huỳnh phú Lẫm xuất phát từ Long An với cả trăm cây nước đá khi đến Bidong hãy chưa kịp tan.
 Như một giấc ngủ trưa.
Như 48 giờ chẳng hề có trên đời nầy vậy.
                                         O****O
 Gầy sòng là câu chuyện khởi đầu giữa hai chúng tôi,một người từ huyện Cầu Ngang,gọi anh ấy là anh Một cho dễ nhớ.
 Còn tôi,từ huyện Bình Minh còn có tên nữa là Cái Vồn,căn cứ địa của viên tướng Ba Cụt của giáo phái Hòa Hảo đã từng chống Pháp lừng danh năm xưa.
 Tôi không có hơi hám gì của nhân vật tên tuổi nầy mà chỉ là một tù nhân từ trại giam của huyện Bình Minh bị giải giao đến 'Nông trường Thống Nhất'  ở Long Toàn ,Cửu Long để được hạnh ngộ với người tên Một.
                                         O****O
 Ít nhất phải hơn hai lần trật vuột về kỷ thuật,sau cùng chúng tôi quyết định là ngày 16 tháng 10 năm 1983 đúng 12 giờ  đêm,là giờ mà hồi trước,thời VNCH đài phát thanh SG vẫn dùng là 0 giờ.
 Nơi xuất hành cách  sông Cổ Chiên với  cửa biển Ba Động không xa là bao.
 Qua một thân hữu,cũng là một cựu chiến binh sư đoàn 9BB năm xưa chỉ dẫn ,chúng tôi được biết dọc theo  những cánh rừng Chà Là , rừng Mắm,rừng Đước ở huyện Duyên Hải tỉnh nầy là toàn là rừng hoang dã bạt ngàn .
 Cũng xin ghi chú thêm ,cạnh những bờ biển của miền Tây Nam phần đã'có sẵn' không biết  bao nhiêu là "Cửa biển" thiên nhiên...dành cho những ai muốn ra khơi tìm cõi tự do.
 Với điều kiện.
 Phải biết chính xác giờ con nước lớn đầy tràn và con nước giựt ròng,bởi khoảng thời gian phù du đó ngắn ,rất ngắn cho một chiếc ghe có bề ngang 2m 5,bề dài 10m50 với chiều cao nhất là 1m80 trên đó chứa chưa tới 30 người cọng thêm dầu,lương thực cùng những vật dụng thiết dụng.
 Phải ở tại nơi tiếp giáp giữa đất liền và bờ biển người ta mới chứng kiến được mức độ chính xác một cách kỳ diệu của thiên nhiên,cho dù đó chỉ là một cơn thủy triều dâng lên,hạ xuống trong chu kỳ một ngày có 24 tiếng đồng hồ .
                                            ooo0ooo
 Đúng 0 giờ 10 phút nước chung quanh mạn ghe đã bắt đầu đổi hướng chảy ra biển.
 Chúng tôi bị trễ hẹn gần một tiếng rưỡi vì đã có một chiếc ghe nhỏ làm "taxi" bị lạc vào trạm CA biên phòng.
 Đó sẽ không dài  bao nếu như là thời gian du hí hay ngồi quán cà phê tán gẫu nhưng nó dài kinh khủng,nó dài kinh khiếp  với hàng trăm âu lo,sợ sệt.
 Từ bước chân của những loại thú hoang trong rừng cho đến tiếng  vẫy dưới nước gây nên tiếng động của những loài cá tôm,hết thẩy mọi tiếng động đều đồng nghĩa với rình rập, với bị lộ,bị phát giác  cùng đồng nghĩa với bắt bớ tù gạc , giam cầm.
 Đúng 1:30 ngày 17/10/1983 chiếc ghe xuôi theo giòng nước đang giựt ròng từ đất liền ra biển, nhẹ nhàng chạm những đợt sóng nhẹ,lăn tăng vổ về chào đón từ biển khơi đùa vào với mùi tanh nhẹ của nước biển vào lúc thật sớm của ngày.
 Không xa phía ngoài  là hàng đáy giăng để bắt các loại thủy sản trôi theo giòng nước từ những kênh rạch sâu trong nội địa chảy ra.
  Trở ngại không có, khi mũi ghe nhắm về trùng khơi thẳng tiến.
 Ba giờ khuya,mây trời tỏ rỏ nhờ hàng tỉ ánh sao xa từ vũ trụ mông lung chiếu xuống.
  Đột nhiên!
 Cùng lúc ba chiếc tàu lớn không biết từ đâu lù lù xuất hiện.
 Họ đến bất ngờ, thật nhanh không ai thấy trước ngoài dự liệu.
 Hai chiếc cặp hông,một chiếc sau đuôi.
 Thấy  được là "Quốc doanh đánh cá Hậu Giang",trên mỗi chiếc có trang bị đại liên ,theo như sự hiểu biết của tôi.
 Tôi vẫn nằm yên phía sau ghe quan sát ,trước đó kèm theo đôi lời nhắn nhủ với tài công Thao đang nằm trên nóc ca-bin lèo lái chiếc ghe:
 -Đừng tăng tốc độ,đừng đổi hướng,đừng quay đầy nhìn trái nhìn phải.
 Trong lúc đó,cầu nguyện vẫn là cách không thể làm gì khác hơn.
Độ 20 phút dài, họ cả ba đã đổi hướng nhường cho hai mươi sáu người chúng tôi được quyền chọn lối,tìm cách ra đi khơi không  cần thưa thốt !
 Tám giờ sáng, mưa giông có hơi hướm như cơn bão rớt.
  Hơn 10 giờ một chiếc ghe lớn từ hướng Đông nhắm về chúng tôi lao tới xem bộ không có một chút nào thân thiện.
 Cuộc bôn tẩu đầy gian nan trên những ngọn sóng bạc đầu,trong những lần tưởng như đã lọt vào tầm đạn của chiếc tàu có tên là 'Quốc doanh đánh cá Côn Đảo'.
 Cuộc rượt chạy ấy cho kết quả cuối là  họ đã không còn bám theo và chiếc ghe của chúng tôi,mà máy chính đã bị hư hai nặng không còn khả năng sửa chửa được nữa.
 Đêm đầu tiên trên biển,tương đối êm.
 Máy phụ là Clinton 9 gắn phía sau,sau cuộc đua ngày hôm qua chưn vịt đã rơi rớt không biết nơi nào trong lãnh hải VN.
 Sáng kiến giăng buồm đã được đưa ra và người có khả năng thực hiện được việc ấy chính là Út Hồng,một thanh niên ở Vũng Liêm,hiện định cư ở Canada.
 Chúng tôi cùng bàn rồi đóng cột,giăng buồm nhân một ngày có mưa nhẹ tràn đầy gió lộng.
 Đúng 7 giờ tối ngày đó ghe băng ngang qua mõm đá cuối cùng của hòn đảo ngục tù có tên là Côn Sơn.
 Gió ngày càng thổi thốc mạnh hơn,đầu hôm đêm ấy,hải đăng Bảy Cạnh của Côn Đảo ngày càng xa dần cho đến khuất hẳn và nửa đêm của ngày 18 rạng 19 chúng tôi cùng reo mừng chạm vào giòng hải lưu của quốc tế.
 Nỗi sợ tù tội từ bấy lâu nay nơm nớp trong tôi giờ đã cáo chung. 
 Con đường tự do  hãy còn mờ mịt ở chốn trùng khơi nhưng hy vọng sống còn vẫn tăng cao khi những còn tàu khổng lồ qua lại liên tục trước mặt mọi người,mặc dù họ không hề cho mình thấy là,họ sẵn sàng cứu giúp.
                                    0****0
 Sau khi không còn cái gì để đốt chỉ nhằm cho các tàu bè và máy bay trên trời thấy để cứu mình và,gió cũng đã ngưng thổi.
 Biển vắng lặng và lúc bấy giờ tôi mới thấy biển hết sức lạnh lùng.
 Không gió,không sóng lưỡi búa hay bạc đầu gì hết.
Biển lăng thinh bằng những lượng sóng nhẹ, biếng nhác trong cái im lặng đáng ngờ,đáng sợ đến đổi đôi tai muốn tìm tiếng động nào đó để nghe cũng không có !
 Nước êm xanh ngày càng đậm hơn ,cả cá nữa, không còn cảnh tượng từng bầy nhỡn nhơ tung tăng như những vùng nước biển ven bờ.
                                    0****0
Những 'cánh'buồm tơi tả được hạ xuống và rồi 6 cột và 6 cây chèo được đục đẽo thô thiển đã được dựng lên bằng cách dã chiến.
 Phân chia lên ca xuống ca hằn hòi :Sáu người chèo,một người lái .
 Khỏe chèo,mệt nghỉ.
 Nước uống cùng với hai mươi lít gạo đã hết,
 Một trăm năm mươi ba  trái dừa được phân chia đều cho mỗi người với khẩu phần theo mỗi bửa ăn bằng nhau không phân biệt già trẻ.
 Dừa ,lúc đầu một trái hai người,về sau một chia cho bốn.
 Nhằm trái dừa non thì chỉ nhai nhóp nhép lớp sơ ngoài, còn trong ruột chứa được ít nước cho đỡ khát.
 Dừa đã hết,dầu chạy máy hơn hai trăm lít chưa dùng được bao nhiêu,cái nóng ngoài biển khơi không hung tợn bằng đồi núi nhưng cổ vẫn khô,miệng vẫn đắng khi trong cuống họng không còn nước bọt để cầm cự.
 Nhìn các con trẻ môi khô phù lên với đôi màu  bạc màu trắng đục,nhìn quanh bằng những đôi mắt lạc hồn, tôi sớm biết những tang thương không còn bao lâu nữa sẽ đến.
 Cất nước biển thành nước có thể uống được là điều khả thi với số dầu còn nhiều kia ,cọng thêm biển êm không chao động để cất nước uống là hy vọng cũng như bài thực tập mưu sinh thứ nhất  được áp dụng.
  Đây là công trình của Ông Du,người nay đã mất.
 Mỗi người được hơn muỗng cà phê nước...lờ lợ tạm uống được.
 Một đám mây không lớn lắm từ đâu xuất hiện giữa khoảng trời xanh đã cho chúng tôi một cơn mưa đủ để vừa thoát qua cơn khát nước,vừa tắm rửa vừa thu được cả chục lít nước mưa bằng nhiều cách chứa.
 Khát nước vẫn ám ảnh thường xuyên cho đến một hôm  biển cả thật êm nên quyết định bơm hơi các ruột xe dự phòng để cho người lớn ,trẻ con cùng nhau xuống nước cho qua cơn khát.
 Khi trước đã có ai chỉ cho rằng,lúc đi biển xa bờ nên đem theo một số lưỡi câu cột chùm lại và lưỡi xoay ra ngoài  với bông gòn (hay móp).Những con mực nhào tới đớp mồi và dùng mực sống ấy có thể chống chọi qua được cơn đói khát.
 Chuyện nầy,giờ đây không có,cho nên bắt Sứa biển ăn để sống còn.
 Sứa biển thông thường có hai loại,sứa lửa và sứa cơm.
 Người ta dùng sứa cơm để làm ra món gỏi sứa tôm thịt thường có trong các nhà hàng ăn,với điều kiên con sứa đó phải được ngâm nước ngọt và rửa thật kỳ cho ra hết chất mặn trong thịt của nó.
  Có những con sứa trôi phập phều trên mặt biển.Có khi phải hai người mới đem nó lên trên ghe được.
 Phần phía dưới của con sứa là hàng trăm con cá nhỏ bị nó cuốn hút  nhưng chưa kịp tiêu thụ.
 Thịt sứa luộc,dù mặn vẫn ăn được để tạm sống qua ngày.
                                   0****0
Vào một ngày nữa,nóng lẫn nắng chói chang.Có thể đó là ngày thứ mười mấy sau khi ra khơi.Lúc bấy giờ cái đồng hồ điện tử tôi  mua ở gần rạp Kim Châu đã không chịu được hơi nước biển nên đã chết từ lâu ,từ xa một tàu thật lớn đến gần chúng tôi và họ giữ một khoảng cách.
 Trao đổi với nhau bằng dấu với dăm ba tiếng Anh vỡ lòng sau cùng từ trên tầng ba của chiếc tầu đánh cá bề thế đó họ đã thả xuống cho chúng tôi hai sợi dây .
 Rất chuyên nghiệp cơm trắng,nước uống,cá Nục kho ớt khô cùng với hai bịt thuốc lá mang nhãn hiệu Thái Lan.
 Viên thuyền trưởng (theo như tôi đoán) ra dấu chỉ trỏ năm nhi đồng trên ghe.
 Một cuộc họp bỏ túi khẩn cấp giữa phụ huynh đôi bên của các em.Có ý kiến rằng,qua bên tàu lớn ấy chắc chắn các em sẽ được sống,còn bên nầy thì,như chúng ta ai nấy đã đều biết.
 Cuối cùng các em đã quyết định là cùng sống chết có nhau.
 Ơn bữa ăn ấm lòng đó đến giờ tôi hãy còn nhớ và cũng không bao giờ có cơ hôi đền đáp được.
 Trời vẫn tiếp tục quang,mây xanh tận chín tầng trời thỉnh thoảng có một phi cơ bay tuốt trên mây nhưng chúng tôi vẫn không quên  lấy kính soi mặt ra ...mà chiếu.Thỉnh thoảng có gặp tàu buôn,tàu vận chuyền và cả tàu hải quân mang kỳ hiệu Pháp quốc nữa.
 Họ đã lặng lờ lướt qua để lai cho chúng tôi không biết bao nhiêu là thất vọng về lòng nhân đạo của loài người.
                                       0****0
Trong một đêm,với giấc ngủ mệt mỏi sau ca chèo chống,có tiếng người bạn đời trăm năm của tôi gọi một cách thúc giục lẫn ân cần.Tôi lần từ dưới lòng ghe lên trên mui.Ngay bên hông ca bin buồng lái,vợ tôi đã ngồi đó,thòng chân xuống ngang hông tự bao giờ.Bà kêu tôi lại ngồi kế bên và chỉ  xuống biển.
 Đây là một cảnh tượng tôi chưa bao giờ được thấy.Tất cả trước ,sau,chung quanh là một đường phẳng như sợi chỉ giăng ra cho đến tận chân trời.
 Nó bằng,nó lặng,nó êm đến độ tôi muốn nhảy xuống đó mà đi bộ.
 Đẹp một cách huyền dịu.
 Êm đến độ không còn bất kỳ âm thanh nào hiện hữu.
Bà nhà  cùng tôi,nếu tính từ thời mới quen nhau từ năm 1.967 cho đến đêm nay đây ,vào độ hạ bán tháng Mười năm 1.983 ,cũng đã gần tròn 16 năm ,và tôi tin chắc cả hai chúng tôi chưa từng có bất cứ một lần nào ngồi kề bên lại im lặng một cách kỳ lạ,khác thường như trong thời gian tựa như ngừng hẵn nầy.
 Trong sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối đó,ngoài thái độ không nói năng ,tôi trộm nghĩ không chỉ riêng bản thân mình "biếng nói" trong giây phút chỉ riêng sao trời vằng vặc xa thẵm trên kia cùng nước biển biến thành màu đen sậm trong đêm không trăng nầy,mà cả vợ tôi ,tự trong tâm tư cũng không biết là bao nhiêu lo sợ, nghĩ ngợi ngay khi biển khơi lặng im mà,có khi tự cái êm lăng khác thường đó, đã khởi đầu cho những cuồng nộ bão táp phong ba ,bão táp sẽ ập tới sẽ trồi lên khộng biết lúc nào.
 Làm sao biết được sau những giây phút thưởng thức sự im lặng gần như hoàn hảo của biển là sẽ là những diễn biến nào.
 Bến bờ hoàn toàn mông lung,
 Lòng nhân đạo của con người ngày càng vơi cạn.
Thực phẫm đã sạch từ lâu.
Nước uống đã hết và mạng sống của mấy chục  người hoàn toàn trông chờ nơi "sự bố thí hay Từ tâm" của đấng bề trên !
 Cho nên,theo tôi ,sự ím lặng chưa từng có giữa tôi và vợ tôi là một điều giải thích được.
 Đó cũng là lần ngồi cạnh nhau , cùng nhau nói dăm ba câu ca tụng vẻ đẹp của biển,cũng là lần chót hàn huyên cận kề bên nhau. 
                                              ooo0ooo
 Qua đêm ấy,một hai người trên ghe bắt đầu tuyệt vọng,Họ rên xiết lúc đầu nhỏ ,dần dần to lên.
 Họ đòi...thả trôi về VN,thà là ở tù còn hơn đi trong vô vọng như thế nầy.
 Thuyết phục,phân tách rằng chúng ta đang ở ngoài khơi xa thật là xa quê nhà mình rồi và,cứ hãy nhìn bầy trẻ kia đi thì hãy cố đừng rên nữa kẻo lại lây sang người khác.
 Đây là cái 'bệnh'đáng sơ,dễ lây ở chổ đông người nếu như không khéo,không sớm giải quyết.
 Anh Một và bạn tôi Phước cùng vài người khác quyết đi cho đến tận cùng đã làm cho những tiếng kêu than vô trách nhiệm kia phải im và cùng sống chết với nhau.
 Không xa bao lâu,sau đêm kỳ diệu lần đầu đời chứng kiến cái tĩnh lặng gần đạt đến tuyệt đối của biển Đông nước Việt,một biến cố thật lớn đã đến với người bạn nối khố lại vừa đồng bạn,đồng thuyền của tôi là anh Một.
 Anh Một kiệt lực đến độ không còn khả năng ngồi dậy chỉ tay ra dấu cho các con của anh đến gần bên anh cùng với tôi
 Người thì thào qua hơi rằng tối ráng  cưu mang dùm các cháu và cũng ân cần căn dặn bầy trẻ phải nghe theo lời dạy của chú nếu như cha đây có mất.
 Cả tôi cùng bầy trẻ đều ngoài dự liệu với những lời trối trăng ..quá sớm như thế nầy.Tôi thì cố thuyết phục với  người anh em tri kỳ,tri bĩ rằng là chúng mình cùng những gian nan,vất vả với nhau,anh "đi " sớm như thế nầy,quả thật là một gánh quá nặng cho tôi.

 Xem bộ cản đản một người trong lúc người ấy đã gần như hoàn toàn xuôi tay thật là không được bao nhiêu hy vọng.
 Một cháu gái nhỏ khóc lóc,kể than độ tiếng đồng hồ,người anh em của tôi đã có thể vịn thành ghe ngồi dậy!
 Dù là phép lạ hay thuốc thang cãi tử hoàn sinh gì gì đi nữa tôi cũng chưa cần hỏi han trong lúc ấy.
 Vấn đề là,người anh em đã vào sinh ra tử với tôi vẫn còn tồn tại trên mặt biển khơi  trong lúc nầy.
 Về sau,cháu gái cho biết,có người ở trên ca bin cho cháu một miếng sâm Đại Hàn nhỏ (người vượt biên hay mang theo ).
 Trong cái thương tiếc lẫn hoảng loạn cho tới khi hoàn hồn ,cháu gái đã cho vào miệng người cha.
 Đó là lý do ngày hôm nay đây giữa những anh em chúng tôi vẫn còn liên lạc với nhau sau nhiều thăng trầm của đời sống.
                                  0****0
 Vào lúc 5 giờ chiều  ngày 30/10/1983 chúng tôi đã lọt hằn vào vịnh Thái Lan với cá lội từng đàn cùng những tàu ghe ra vào tấp nập.
 Năm giờ 30 tám (8) chiếc ghe lưới mang cờ hiệu Thái Lan.Trên ca-bin buồng lái đều có treo ảnh của quốc vương Thái,Sãi vương và hình đức Phật.
 Tội nghiệp cho chiếc ghe nhỏ nhoi của chúng tôi đã bị hàng mấy chục tay cướp chạy qua,nhạy lại lục lọi không chừa một thứ gì.
 Cây kem đánh răng,cái bàn chải chà răng made in VN họ cũng lấy.
 Cái cảnh tang thương,tủi nhục đã sảy đến đã gây ra bao tang thương đổ vỡ cho những con người chui vào cái chết để tìm tự do.
 Có một điều rất mâu thuẫn mà nếu không kể ra thì e rằng chính bản thân mình đã không tôn trọng sự công bình chăng.
 Một tay ngồi sau chiếc ghe cùng tham dự cuộc lục loại cướp bóc ấy lại đưa một nồi cơm nguội sang ghe tôi -vốn là nạn nhân !
 Gần 7 giờ,mặt trời sắp lặn đám cướp buông thả chiếc ghe bất hạnh  sau khi đã bắt đi một số phụ nữ.
 Bản đồ,Hải bàn không còn,Chúng tôi nhắm hướng  Tây Nam đi tới.
 Cú sốc dữ dằn đó đã làm cho chúng tôi tăng lực vì sợ đám khác tới nữa.
 Cũng từ đêm đó gió đã đưa chúng tôi  hết sức cách thuận lợi để vượt qua lãnh hãi Thái vào Mã.
 Tháng Mười có ngày ba mươi mốt.
 Từ đêm  2 tháng 11 về những lúc gần sáng,với sóng đẩy,gió thuận chúng tôi đã thấy những đóm sáng khi có,  khi không trên biển vào  lúc đêm đen.
 Đêm 3/11 chúng tôi đếm được bảy hay tám cụm lửa cùng nằm một hàng ngang .Tài công Thao hỏi tôi lửa đó là gì ,có phải là hỏa diệm sơn như trong truyện Tây Du hay không.Tôi nói rằng theo anh đọc sách và từ lớp học thì đó là những giàn khoan dầu ngoài biển khơi.
 Thao nói rằng chớ nên vô đó bị cháy mà chết.
 Chúng tôi cùng cười với niềm hy vọng sống còn lên thật cao,Tôi nói với Thao  phải vô đó mới tìm được sự sống.
                                     0****0
 Năm  giờ khuya ngày 4/11 lửa từ dàn khoan dù ở trên cao nhưng cũng làm cho da mặt chúng tôi nóng bất kể chung quanh là nước.
 Tất cả đều cật lực dùng hết sức bình sanh chèo chỉ mong cột được dây vào chân dàn khoan ,nhất định là phải sống còn.
 Từ trên cao,có một số người đứng nhìn xuống chúng tôi,họ chụp hình,họ quan sát,họ theo dõi ý như muốn biết khả năng sinh tồn của những người đào thoát kia mạnh mẻ đến đâu.
 Còn cách độ hơn 10 mét ,gió  đã trở chiều  tạo ra cú  hốt hoảng bất ngờ tưởng như đến có thể tuyệt vọng chết người trong giờ phút  không còn sức lực  để chèo chống nữa.
Vì chúng tôi đã dùng hết năng lực mà mình có,đã "đầu tư toàn lực " trong những ngày qua từ đêm 30 tháng Mười đến giờ phút nầy rồi .
 Gió đổi chiều,và chiếc ghe chúng tôi lui dần,lui ngó thấy ngày càng xa chân giàn khoan !
 Tất cả các tay chèo đã hoàn toàn kiệt lực.
 Khả năng với tới chân dàn khoan hoàn toàn không còn.
 Khi cơn tuyệt vọng của chúng tôi tưởng như là một sự trêu chọc của ông Trời nào đó ở tận đâu thì chiếc tàu đậu cạnh đó để lấy dầu xuất hiện kế bên.
  Một  người Á Châu nước da sậm đứng phía sau bên hông tàu dầu quăng dây qua ghe chúng tôi. Một quyển sổ tay lớn hơn khổ loại bỏ túi ở trong đó có phát thảo một bản đồ cho biết rằng chúng tôi hiện đã qua khỏi Pulau Bidong ,Malaysia 200 km rồi. Viên phó thuyền trưởng,người Phi về sau nầy  tôi được biết rất thân thiện và tử tế.
 Thuyền trưởng cho biết ông sẵn sàng cung cấp dầu và lương thực cho chúng tôi trở lại hướng Bidong.
 Quá ngán biển khơi rồi cho nên tôi nói càng (lại quên hết tiếng Anh sau khi đã rời mái trường) là đã có 4 người chết rồi.Thay vì phải nói là đã có bốn người bị cướp bắt đi.
 Viên phó  chạy lên xuống đài chỉ huy của tàu dầu để rồi cuối  thuyền trưởng người Anh quốc Captian Bromby Berrie đồng ý cứu giúp .
 Vào thời kỳ đó,đã có nhiều công ty  vận tải hàng hải không muốn cho các tàu bè của họ dừng lại để cứu giúp thuyền nhân.
 Lý do chính là trở ngại ,bê trễ giờ đến giờ đi của họ.
 Phải có đầy lòng nhân ái và can đảm lắm mấy vị thuyền trưởng mới quyết định cho cứu người.
 Muốn vậy,thuyền trưởng phải chứng minh bằng hình ảnh hay phim cho thấy rằng chiếc thuyền ấy không còn khả năng đi được.
 Đó chính là lúc chúng tôi phải tự tay chui vào trong đục cho chìm dần chiếc ghe nhằm mục đích nói trên.
 Đây chính cũng là cái lúc vừa vui mừng lại vừa bồi hồi xúc động mãnh liệt  trong tôi.
 Từ ngày 14/10/83 tôi đã đưa nó từ Trà Vinh hướng về điểm ra khơi.Trong thời gian 21 ngày đêm ấy,ngoài người ,chúng tôi còn có hai con chuột nhắt,một con cóc và vài con gián vẫn loanh quanh vừa chạy vừa rúc, cùng với tiếng nghiến răng của con cóc trong những đêm dài chừng như bất tận ở chốn trùng khơi.
 Hai con chuột nhanh chân,theo tôi có cơ may sống còn trên chiếc tàu chở dầu rày đây mai đó.
 Cóc với gián thì kể như xong.
Vừa nhìn chiếc ghe đầy ắp ân tình chìm dần xuống lòng biển khơi.Nước mắt của tôi cũng hòa theo cơn mưa lớn với gió giật từng hồi.
 Trận bão đầu mùa của vùng biển Mã Lai đang gầy sòng,dàn dựng
Tám giờ 45 phút sáng ngày 4/11/1983  hai mươi hai sinh mạng con người đã được nhân viên tàu dầu giăng lều tạm trú ngay phía trên của hầm chứa dầu.
 Chiếc ghe đã chìm nhưng người trên ghe ấy khi nhập vào trại tị nạn Pulau Bidong  vào 3 giờ  chiều ngày 5/11/83 cũng vẫn mang số "Tàu MB 009".
H.3/Phạm huỳnh Ngân.







Nhận xét

Nặc danh đã nói…
Quyết định liều chết ra đi của 5 đứa trẻ đã mang đến kết quả ngọt ngào hôm nay !

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

KHÔNG CÓ ,CÓ KHÔNG..MỘT VÒNG TIẾN HÓA!

KHÔNG THẦY,ĐỐ MÀY LÀM NÊN ?!.(Cổ nhân truyền khẩu).