Ánh mắt thời phân-ly.

Cuộc di cư vào năm 1954 của 1 triệu đồng bào miền Bắc chạy trốn CS vào Nam.
Ảnh tượng trưng .
Hãy nhìn những đôi mắt của người đi ,kẻ ở.

Năm 1970 ông Lon-Nol lên cầm-quyền nước Campuchea sau một cuộc đảo chánh thành-công.

" Bài Việt",là chiêu-bài nóng bỏng để ông và hệ-thống cầm-quyền của nước Miên đưa ra nhằm kích-động những người Khmer quá-khích ra tay cướp đoạt tài-sản của-cải cùng lúc tàn-sát người Việt sinh-sống từ lâu đời ở đất nước nầy.
 Con số những người Việt bất hạnh bị giết chết bằng nhiều cách khác nhau không ai biết chính-xác là bao nhiêu.
Lúc bấy giờ ,tuần báo "Diều-Hâu" ở Saigon chạy  một bản tin với ảnh cho thấy cả một khúc sông Mekong và mặt hồ Tonlé- Sáp thuộc Miên đã che phủ những xác của người Việt tha-hương lâm vào tình-cảnh xấu số.
 Quân đoàn 3,dưới quyền tư-lệnh của Trung-tướng Đỗ-cao-Trí đã có một cuộc hành-quân vượt biên giới Việt-Miên để truy lùng ,tiêu-diệt cục R,tức đầu não của nhóm phiến loạn con đẻ của Hà-Nội dưới danh xưng là "Mặt-trân dân-tộc giải-phóng miền Nam Việt-Nam"(MTDTGPMN/VN).
 Cùng lúc ấy,Hải-quân VNCH cũng đã có mặt ở Neak-Luong để chở những nạn-kiều còn sống-sót   về lại quê nhà.
 Bằng đường bộ,tôi cũng có mặt trong đoàn quân viễn-chinh ấy,bằng  biên-giới Gò-Dầu ,Tây-Ninh .
Khi vào sâu nội địa của Campuchia qua Chi-Phou rồi dừng lại ở Svay-Rieng,nơi có một trục lộ huyết-mạch của xứ chùa Tháp.
 Trở lại cuộc tàn-sát người Việt có chủ-tâm của chính-quyền Lon-Nol.
 Đó là một cuộc giựt giây cho những thanh-niên,sinh-viên người Miên bằng các phương-tiện truyền-thông như báo-chí,như truyền-thanh và truyền hình.
 Họ kể đủ mọi thứ tội ác tưởng-tượng để gán ép cho những người chỉ có một tội lớn ,là hơn họ ...siêng-năng,cần-cù làm lụng.
 Bằng nhiều cách độc-ác nhất,những người Miên đã dùng cuốc,xẻng,chày vồ,dây thừng ...đồng-thời  tập-trung những người Việt  vào các sân vận-động,sân trường học rổi tung lựu-đạn vào đám người bị trói chặt ấy.
 Thống-kê của chánh-phủ VNCH cho biết,sau cuộc thảm-sát kinh-hoàng đó, có khoảng từ một đến hai trăm ngàn Việt-Kiều trên đất Miên đã bỏ của ,bỏ cả người thân bằng nhiều cách hồi hương về quê cha,đất tổ.
 Nét kinh-hoàng của một số người sống-sót đó khi gặp được những người lính VN cũng hãy còn hằn rỏ nét.
Họ kể những hoảng sợ mà họ trải qua tưởng như không bao giờ dứt được.
Những cái nắm tay,ôm vai vào những người lính VNCH của họ làm tôi có ý-nghĩ rằng họ chẳng muốn một phút nào rời ra.
Thường khi, tôi vẫn bắt gặp những đôi mắt của người bản xứ mà tròng trắng mắt của họ đã ngả màu đỏ máu của những người bị giết vừa qua.
 Là một nhân-viên công-lực của quân-đội,nhiệm-vụ của tôi điều-hòa và kiểm-soát lưu-thông với những đoàn quân-xa di-chuyền ngày,đêm  xuôi ngược.
Nút chặn được đặt ngay con đường chính của tỉnh lỵ Svay-Riêng,ngay góc có khách-sạn Bungalow và công-viên chính của thành-phố  đang được mùa Phượng nở  đỏ đầy rực.
 Từ lúc sáng , nơi nút chặn đặt trạm kiểm soát về  phía trái,cạnh thân me tôi đã thấy một thiếu-phụ trên tay bồng một trẻ mà theo tiếng khóc ,chắc là còn non ngày tháng lắm.
  Kế bên ,phía dưới có một đứa trẻ đi tới lui ,lúc ôm,lúc dựa dẫm vào mẹ nó.
 Người đàn bà ăn vận theo lối phụ-nữ Miên ,giữ một khoản cách không quá gần với tôi nhưng vẫn liên-tục hướng mắt về phía tôi.
Theo kinh-nghiệm nghề-nghiệp,bản thân tôi vẫn phải dè-chừng ,vì ở nơi đây,chưa thể phân-biệt được bạn và thù  .
 Cỡ khoảng hai tiếng đồng-hồ ,sau cùng người đàn bà cùng hai đứa trẻ thơ đó cũng đã bước đến kế bên tôi với câu hỏi mở đầu bằng tiếng Việt lờ-lợ âm Khmer :
"Ông phải là người Việt-Nam hôn?"
Chưa kịp trả lời,ngay lúc ấy,tôi thấy có một người đàn ông đã di-chuyển đến vị-trí mà phụ nữ vừa rời đi.
 Tôi trả lời là phải,tôi là người Việt.
Sau đó ,người đàn bà hỏi rất nhanh rằng tôi có thể "Cho" chị về VN được hay không vì chị đã bị chết hụt cách nay không lâu,cho nên bằng mọi cách mới đến được nơi tôi đang đứng đây.
Tôi cũng cho chị biết,theo sự hướng dẫn của quân đoàn thì chị phải tìm cách đến bến phà Neak-Luong ,để từ đó chị và hai đứa trẻ sẽ được đi tầu của Hải-quân VNCH đưa về căn-cứ Đồng-Tâm ở VN.
Nét hoảng-sợ của chị hiện hẳn lên khuôn mặt và chính tôi,tôi cũng biết rằng từ Svay-Riêng đến gặp được tầu  hải-quân làm sao mà với hai đứa trẻ và một người đàn bà tay yếu,chân mềm đang trong lúc đào tẩu thân-sơ,thất sở kia có thể sống còn để tới được.
 Bằng một quyết-định trong chớp mắt tôi nói chị đứng tại đây đi,nơi chổ nầy,tôi sẽ gởi chị về Việt-Nam bằng đường bộ.
 Bằng dấu hiệu của chị,người đàn ông có nước da đen sậm đứng ở gốc me đằng kia bước thật nhanh đến với chị và nhìn tôi với ánh mắt sợ hãi lẫn e-dè.
 Tôi hỏi chị người đàn ông với  màu da đen sậm kia là ai,có phải người thân của chị và ông ấy có muốn về nước với chị hôn,chị nói đó là chồng của chị nhưng anh ấy không chịu đi.
 Tôi cố thuyết-phục rằng cùng đi với nhau cho có đủ vợ chồng với con cái.
   Chị trả lời là không được.Tôi không cố thuyết phục chị nữa,tôi nghĩ chắc chị với chồng có nổi khổ riêng mà không tiện nói.
 Lúc bấy giờ tôi mới có đủ khoản cách để nhìn tận-tường người đàn ông Miên kia .Tôi thầm nghĩ chắc là anh ta đã bằng mọi cách,qua bao nhiêu gian-truân mới giữ được mạng sống của người vợ với hai con đến địa-điểm an-toàn nầy.
 Tôi gật đầu chào anh ta với cái nhìn thật thân-thiện  cố ý để mong anh ta hiểu được rằng mọi việc đã tốt đẹp,bình-an và chắc-chắn rằng sẽ không có một cuộc tầm-thù,báo-oán nào khác nữa xảy ra cho vợ con của anh ngay trong lúc nầy,ở đây.
 Họ có một lúc để thì-thầm to nhỏ bên nhau cùng với thằng bé hết nắm lấy tay cha rồi sang qua ôm mẹ,trong khi chờ đợi tôi chận lai một chiếc quân xa.
Tôi chắc-chắn không thể lầm, khi quả-quyết rằng,trong đời của tôi chưa bao giờ tôi đã bắt gặp một ánh mắt u-buồn,sâu-thẫm của người chồng Khmer có vợ người Việt đến như vậy.
Trong con mắt sâu thẫm chung quanh là những quần đen ấy,tôi đã thấy không biết là bao đêm mà anh ta đã mất ngủ vì sự sống còn ,vì chia ly và vì những quan san cách trở mà khi xa nhau rồi,không làm sao mong được cái ngày đoàn tụ.
 Cũng trong ánh mắt ấy tôi đã thấy không biết bao nhiêu lời nói anh ấy muốn nói ra,muốn bộc-bạch tâm-tình giữa anh và người bạn đời dị-chủng đã trải qua từ lúc khởi đầu cho đến khi phải ngày đêm tìm phương ,tính kế để vợ hiền,con dại của mình thoát khỏi vòng sinh sát bởi chính đồng bào,đồng loại của mình.
 Trong những tia mắt trao đổi qua nhau trong dăm ba phút giữa tôi với anh ta,của anh ta với người người vợ đang sắp bước lên trên đường bôn đào cùng hai đứa trẻ,tôi không thể ghi nhận có biết là bao những lời nói thầm mà anh ta không nói ra thành tiếng được.
 Buồn.
 Sâu thật sâu thẫm và tôi tin chắc rằng những giòng chữ nầy của tôi chỉ diễn đạt chưa được phân nửa của ánh mắt đau buồn nơi người chồng ,trong giây phút chia tay với vợ con mà đành cam chịu nỗi bất lực trước hoàn cảnh phân ly ,không làm sao biết có bao giờ còn cơ may tái ngộ.
 Dù chỉ ánh mắt trong năm mười phút ngắn-ngùi ấy nhưng cho đến giờ,hơn bốn mươi lăm năm qua,"nó" vẫn còn vướng-vấp tiềm ẩn trong tôi ,khi vợ con anh đã lên được chiếc GMC hướng về biên giới Gò-Dầu.
 Nước mắt long-lanh dường như bị cố ngăn cho không chảy.Nhưng tự ánh-mắt đó,tôi nghĩ nó đã chất chứa không biết bao nhiêu ngàn giọt sẽ tuôn ra khi chiếc xe nhà binh kia chạy đến cuối đường,khuất ở khúc-quanh.
Phạm-huỳnh-Ngân.





Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gà nuốt dây thun.

KHÔNG CÓ ,CÓ KHÔNG..MỘT VÒNG TIẾN HÓA!

KHÔNG THẦY,ĐỐ MÀY LÀM NÊN ?!.(Cổ nhân truyền khẩu).